Tình hình Biển Đông mới nhất: Việt Nam lên tiếng

author 16:34 15/04/2016

(VietQ.vn) - Tình hình biển Đông, trong đó có vấn đề như vấn đề quần đảo Trường Sa thì không thể giải quyết song phương, phải có sự tham gia của các bên liên quan.

Đó là khẳng định của Người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trước phát ngôn mới đây của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov liên quan đến tình hình biển Đông khi ông này cho rằng không nên quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.

Tình hình biển Đông: Việt Nam lên tiếng

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam lên tiếng trước diễn biến mới về tình hình biển Đông khi Nga cho rằng không nên quốc tế hóa vấn đề biển Đông

Cụ thể, ông Lê Hải Bình nêu rõ: “Việt Nam chủ trương giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982, trên tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.

Đối với những vấn đề chỉ liên quan đến hai nước thì giải quyết song phương. Đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác, ví dụ như vấn đề quần đảo Trường Sa thì không thể chỉ giải quyết song phương mà phải có sự tham gia của các bên liên quan.

“Những vấn đề liên quan đến cả các nước ngoài khu vực, như an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không thì phải được bàn bạc và giải quyết với tất cả các nước có chung lợi ích và tuyên bố quan tâm”, ông Lê Hải Bình nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cũng bày tỏ hoan nghênh tuyên bố của Hội nghị ngoại trưởng các nước công nghiệp G7 về vấn đề an ninh biển theo mục tiêu chung là đảm bảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, an ninh biển và tôn trọng luật pháp quốc tế. Việt Nam đề nghị các bên có những đóng góp thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương.

Trước đó, trong cùng diễn biến về tình hình biển Đông, trước các chuyến tuần tra chung giữa Mỹ và Philippines, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, các kế hoạch làm sâu sắc quan hệ quân sự Mỹ - Philippines, gồm tuần tra chung ở Biển Đông, tạo ra “tâm lý Chiến tranh Lạnh”.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc còn lớn tiếng thúc giục các nước "không hợp tác quân sự song phương làm tổn hại lợi ích của bên thứ ba".

“Quân đội Trung Quốc sẽ theo dõi chặt chẽ xu hướng này, đồng thời kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và lợi ích hàng hải của Trung Quốc”, Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho hay.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter ngày 14/4 cho biết, Mỹ sẽ giữ 300 quân đồn trú tại Philippines cho tới cuối tháng này. Một nhóm máy bay quân sự của Mỹ cùng 200 phi công sẽ ở lại căn cứ không quân Clark tới lúc đó. Ông Carter cho rằng, Mỹ tăng cường quân sự không nhằm gây xung đột với Trung Quốc.

Trước đó, Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố sẽ chi khoảng 40 triệu USD viện trợ quân sự cho Philippines để tăng cường chia sẻ thông tin tình báo, giám sát và tuần tra hải quân.

>> Hà Nội, Phú Thọ có mưa dịp nghỉ giỗ Tổ Hùng Vương

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang