Những tin tức mới nhất về tình hình Ukraine ngày 12/6/2015

author 07:00 12/06/2015

(VietQ.vn) - Tình hình Ukraine mới nhất đề cập đến 'Nhiều quốc gia NATO muốn giúp Ukraine nhưng ngại Nga'; 'Yatsenyuk thề sẽ đòi lại Donbass, Crimea từ tay Nga'; 'Ukraine sẽ triển khai tên lửa S-300 tới sát khu vực ly khai của Moldova'; ...

Sự kiện: Cập nhật tình hình Nga - Ukraine

Nhiều quốc gia NATO muốn giúp Ukraine nhưng ngại Nga

Theo tin tức về tình hình Ukraine mới nhất trên VOV, công dân một số quốc gia thành viên NATO đổ lỗi cho Nga về khủng hoảng Ukraine nhưng lại lưỡng lự về việc chính phủ nước mình cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine hoặc nước thành viên NATO khác trong trường hợp bị Nga tấn công. Đó là kết quả thăm dò dư luận do hãng điều tra quốc tế Pew công bố hôm 10/6.

Tình hình Ukraine mới nhất cho biết nhiều quốc gia NATO muốn giúp Ukraine nhưng ngại Nga

Tình hình Ukraine mới nhất cho biết nhiều quốc gia NATO muốn giúp Ukraine nhưng ngại Nga

Chưa đến một nửa số người được hỏi ở Anh (49%), Tây Ban Nha (48%), Pháp (47%), Italy (40%), và Đức (38%) ủng hộ sử dụng vũ lực để bảo vệ các đồng minh NATO nếu Nga tham dự vào một cuộc xung đột vũ trang nghiêm trọng với một trong các nước thành viên NATO. Theo điều tra của Pew, 56% công dân Mỹ và 53% công dân Canada có xu hướng cao hơn ủng hộ các nước đồng minh nếu bị tấn công. 

Kết quả xuất hiện vào thời điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây xấu đi, tới mức độ chưa từng thấy trong Chiến tranh Lạnh. Các quốc gia NATO tiếp giáp với Nga – các nước Baltic và Ba Lan – đã đẩy mạnh các cuộc tập trận và chi phí quân sự để chống lại các nguy cơ mà các nước này gọi là xâm lược từ phía Nga. Điều 5 của Hiến chương NATO yêu cầu các nước thành viên khối này bảo vệ lẫn nhau nếu một nước bị tấn công.

Yatsenyuk thề sẽ đòi lại Donbass, Crimea từ tay Nga

Theo Người Đưa Tin, Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk khẳng định sẽ đòi lại Donbass, bán đảo Crimea từ tay Nga và mong muốn Washington giúp đỡ bằng cách tiếp tục trừng phạt kinh tế Moscow. Sputnik News dẫn lời ông Yatsenyuk cho biết, Ukraine đang phải chiến đấu ở cả hai mặt trận. “Mặt trận dễ thấy ở miền Đông Ukraine và mặt trận thứ hai khó nhận ra hơn, là cuộc chiến chống lại những quá khứ từ thời Liên Xô, vấn nạn tham nhũng và vô kỷ luật đã khiến đất nước Ukraine đi xuống nhiều năm qua”.

Thủ tướng Ukraine khẳng định hai cuộc chiến này cần phải chiến thắng cùng lúc để xây dựng một đất nước Ukraine thịnh vượng và dân chủ trong tương lai. Ông Yatsenyuk cũng cho rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đặc biệt lo ngại về tình hình Ukraine. 

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk

Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk

Thủ tướng Ukraine thừa nhận, Kiev cần tới sự giúp đỡ của Mỹ, thông qua việc trừng phạt Nga. Cuối ngày 8/6, nhà lãnh đạo Ukraine khẳng định Kiev sẽ giành lại quyền kiểm soát Crimea và Donbass. "Chúng tôi tin rằng chúng tôi sẽ giành lại quyền kiểm soát Donetsk, Lugansk và Crimea. Chúng tôi sẽ kiểm soát lãnh thổ của chúng tôi", ông Yatsenyuk cho biết.

Ông Yatsenyuk cho rằng sự đoàn kết trong Liên minh châu Âu (EU) và sự đoàn kết giữa Mỹ và EU là "cách tốt nhất để đối phó với mọi kẻ xâm lược và phản ứng mạnh mẽ với những ai muốn phá hoại trật tự thế giới, vẽ lại biên giới sau chiến tranh, những ai không tôn trọng quyền tự do, dân chủ của đất nước". Cuối cùng, ông Yatsenyuk gọi xung đột ở miền Đông Ukraine là cuộc chiến giữa “ánh sáng và bóng tối”.

Ukraine sẽ triển khai tên lửa S-300 tới sát khu vực ly khai của Moldova

VOV đưa tin, theo hãng tin Tass của Nga, rất nhiều xe tăng, xe bọc thép cùng hàng nghìn binh sĩ Ukraine đang được triển khai tới khu vực này. Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết nước này sẽ triển khai hệ thống tên lửa phòng không S-300 đến khu vực phía Nam Odessa gần biên giới với Transniestriea, khu vực ly khai của Moldova.

Phản ứng trước động thái đáng lo ngại của chính quyền Kiev, Tổng thống nước cộng hòa Transniestriea Yevgeny Shivchuk bày tỏ quan ngại về hành động của chính quyền Ukraine. Tổng thống Yevgeny cho biết, ông sẽ mời các thanh sát viên của Tổ chức Hợp tác an ninh châu Âu, Đại sứ quán Ukraine và các đối tác khác trong  nhóm đàm phán gồm Moldova, Transniestriea, Nga, Ukraine, OSCE, cũng như Mỹ và Liên minh châu Âu  để chứng kiến rằng họ không hề có chuẩn bị quân sự nào đối phó với động thái vừa nêu của Ukraine.

Hệ thống tên lửa S-300 của Ukraine

Hệ thống tên lửa S-300 của Ukraine

Tổng thống Yevgeny cho biết thêm người dân ở vùng biên giới là Odessa và Vinitsa đang vô cùng lo sợ bởi những gì đang xảy ra ở vùng Donbass, nơi xung đột diễn ra triền miên khiến hàng nghìn người thiệt mạng. Họ sợ rằng chiến tranh sẽ lan sang vùng đất của mình. 

Transniestriea là một lãnh thổ ly khai nằm phần lớn trên một dải đất giữa sông Dniester và biên giới phía đông của Moldova với Ukraine. Kể từ khi tuyên bố độc lập vào năm 1990, lãnh thổ này được quản lý như là Cộng hòa Dniester, một nhà nước được công nhận một cách hạn chế. Nhà nước này tuyên bố chủ quyển đối với lãnh thổ phía đông sông Dniester, thành phố Bender và các địa phương lân cận nằm ở bờ Tây.

Trang Mạc (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang