Những tin tức mới nhất về tình hình Ukraine ngày 23/6/2015

author 07:37 23/06/2015

(VietQ.vn) - Tình hình Ukraine mới nhất đề cập đến 'Ukraine điều máy bay "xới tung" không phận Nga'; 'Lãnh đạo Pháp, Đức và Nga điện đàm về vấn đề Ukraine'; 'Du khách Nga tới Crimea phải xin phép… Ukraine';...

Sự kiện: Cập nhật tình hình Nga - Ukraine

Ukraine điều máy bay "xới tung" không phận Nga

Theo tin tức về tình hình Ukraine mới nhất trên VnMedia, các thanh sát viên của Ukraine sẽ tiến hành một chuyến bay thanh sát trên bầu trời của Nga theo Hiệp ước Bầu trời Mở. Thông tin trên vừa được Giám đốc Trung tâm Cắt giảm Rủi ro Hạt nhân Quốc gia thuộc Bộ Quốc phòng Nga - ông Sergei Ryzhkov đưa ra hôm 22/6. “Trong khuôn khổ Hiệp ước Bầu trời Mở quốc tế, các chuyên gia Ukraine sẽ thực hiện chuyến bay giám sát chung trên lãnh thổ của Nga từ ngày 22 đến 26/6 trên máy bay giám sát Saab 340”, ông Ryzhkov cho hay. 

Tình hình Ukraine mới nhất cho biết Ukraine điều máy bay thanh sát trên bầu trời Nga

Tình hình Ukraine mới nhất cho biết Ukraine điều máy bay thanh sát trên bầu trời Nga

Các chuyên gia của Nga cũng sẽ có mặt trên khoang máy bay để giám sát việc sử dụng các thiết bị và đảm bảo các thanh sát viên Ukraine tuân thủ hiệp ước Bầu Trời Mở. Không một loại vũ khí nào được có mặt trên khoang máy bay. Hiệp ước Bầu trời Mở được đưa ra theo một sáng kiến của Tổng thổng Mỹ khi đó là George H.W.Bush. Hiệp ước là bản quy ước được 27 nước thành viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) thông qua ngày 24/3/1992 tại Helsinki, Phần Lan, đến nay đã có 34 nước thành viên tham gia hiệp ước này.   

Mục đích của Hiệp ước là nhằm hỗ trợ tính công khai và minh bạch của hoạt động quân sự, giám sát việc tuân thủ các hiệp ước hiện hành trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí, cũng như thắt chặt an ninh thông qua việc củng cố các biện pháp tin cậy. Hiệp ước này có hiệu lực từ ngày 1/1/2002, cho phép các quốc gia thành viên thực hiện những chuyến bay quan sát không vũ trang trên lãnh thổ của nhau (bao gồm cả đất liền, đảo và các vùng lãnh hải).

Lãnh đạo Pháp, Đức và Nga điện đàm về vấn đề Ukraine

Theo Vietnamplus, AFP đưa tin, theo một nguồn tin thân cận với Tổng thống Pháp Francois Hollande, sau cuộc điện đàm 3 bên kéo dài 45 phút với Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố tiến triển trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine là chưa “đầy đủ”. Nguồn tin trên cho biết “Thủ tướng Đức và Tổng thống Pháp đã nêu sự cần thiết phải gây sức ép lên nhiều bên” do chưa có tiến triển “đầy đủ”.

Lãnh đạo Pháp, Đức, Nga trong cuộc điện đàm về Ukraine

Lãnh đạo Pháp, Đức, Nga trong cuộc điện đàm về Ukraine

Cuộc điện đàm 3 bên trên diễn ra sau khi các ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) chính thức nhất trí kéo dài các lệnh trừng phạt kinh tế chống Nga cho đến tháng 1/2016. Mục đích của hiệp ước nhằm gây sức ép đối với Moskva để buộc nước này thực thi đầy đủ thỏa thuận hòa bình ký hồi tháng 2 năm nay.

Du khách Nga tới Crimea phải xin phép… Ukraine

Theo báo Người Lao Động, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 22/6 lên án thông cáo của chính phủ Ukraine, trong đó yêu cầu khách du lịch Nga phải được sự cho phép của Kiev mới được đến thăm bán đảo Crimea. Theo Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Nga (OZPP), chính phủ Ukraine vừa ra thông cáo yêu cầu tất cả du khách Nga trước khi tới bán đảo Crimea (Moscow sáp nhập vào lãnh thổ mình hồi tháng 3/2014) đều phải xin phép Kiev.

OZPP cho biết du khách nào tự ý đến Crimea theo diện “không được chấp thuận” có thể đối mặt với một khoản tiền phạt và bị tạm giữ 15 ngày. OZPP cũng cảnh báo công dân Nga không mua bất động sản trên bán đảo mà không nêu lý do. Hôm 22/6, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng thông cáo trên là “hết sức vô lý” bởi Crimea rõ ràng là một khu vực thuộc Nga nên Ukraine không có quyền can thiệp.

Kiev đòi du khách Nga tới Crimea phải xin phép

Kiev đòi du khách Nga tới Crimea phải xin phép

Trong khi đó, các Ngoại trưởng Liên minh châu Âu (EU) hôm 22/6 chính thức gia hạn lệnh trừng phạt về kinh tế đối với chính quyền Tổng thống Vladimir Putin đến hết ngày 31/1/2016. Mục đích của quyết định này nhằm gây sức ép buộc Moscow phải thực hiện đầy đủ “hiệp định hòa bình” tại Đông Ukraine.

Khối 28 thành viên EU ban đầu chỉ áp dụng lệnh cấm đi lại và đóng băng tài sản đối với một số cá nhân, tổ chức Nga và Ukraine. Nhưng sau vụ chuyến bay số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia Airlines bị tố do phe ly khai thân Nga bắn hạ tại miền Đông Ukraine, EU trừng phạt mạnh tay hơn và có cả sự tham gia của Mỹ và Bỉ.

Đáp lại, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev hôm 22/6 yêu cầu các cấp phó chuẩn bị đề xuất gia hạn lệnh cấm nhập thực phẩm phương Tây với thời gian 6 tháng (tính từ ngày 8/8 tới) để ông trình lên Tổng thống Vladimir Putin. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp Nga đã được lệnh chuẩn bị danh sách các mặt hàng cấm nhập khẩu.

Việc trừng phạt qua lại này diễn ra trước khi ngoại trưởng 4 nước Nga, Đức, Pháp và Ukraine gặp mặt vào ngày 23/6. Trong cuộc điện đàm hôm 22/6, theo Reuters, ông Putin nhấn mạnh với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng lực lượng Ukraine phải ngừng pháo kích ở miền Đông Ukraine.

Trang Mạc (T/h)


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang