Những tin tức mới nhất về tình hình Ukraine ngày 26/8/2015

author 06:53 26/08/2015

(VietQ.vn) - Tình hình Ukraine mới nhất cho biết 'DPR tố chính quyền Kiev triển khai vũ khí hạng nặng'; 'Tổng thống Ukraine đang đánh mất sự ủng hộ'; 'Đức, Pháp, Ukraine kêu gọi thực thi Thoả thuận Minsk'.

Sự kiện: Cập nhật tình hình Nga - Ukraine

DPR tố chính quyền Kiev triển khai vũ khí hạng nặng

Theo tin tức về tình hình Ukraine mới nhất trên Vietnamplus, hãng thông tấn TASS của Donetsk đưa tin, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Eduard Basurin ngày 24/8 đã tố cáo các lực lượng Kiev tiếp tục triển khai vũ khí hạng nặng tới đường giới tuyến ở vùng Donbass (miền Đông Ukraine). TASS dẫn lời ông Basurin cho hay cơ quan tình báo của dân quân ly khai đã ghi nhận 45 vũ khí hạng nặng được bố trí ở tiền tuyến, trong đó có các hệ thống bệ phóng rocket đa nòng Smerch. 

Tình hình Ukraine mới nhất cho biết DPR tố chính quyền Kiev triển khai vũ khí hạng nặng

Tình hình Ukraine mới nhất cho biết DPR tố chính quyền Kiev triển khai vũ khí hạng nặng

Theo ông, tình báo DPR cũng ghi nhận 10 thiết bị quân sự tại khu định cư Kurdyumovka trong khi các thiết bị và thành viên lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine cũng được điều tới khu định cư Dmitrovka. Ông Basurin đồng thời lưu ý chính quyền Kiev đang tích cực huấn luyện Vệ binh Quốc gia và sẽ sử dụng lực lượng này để đàn áp các cuộc nổi dậy của dân chúng nếu tinh thần kháng chiến trong xã hội Ukraine lên cao. Ông kêu gọi những người yêu nước Ukraine hay tiếp tục cuộc đấu tranh nhằm lật đổ chính quyền Kiev.

Tổng thống Ukraine đang đánh mất sự ủng hộ

Theo báo điện tử Đất Việt, trong một thông tin liên quan, tờ Mittelbayerische Zeitung (Đức) dẫn bài phân tích của nhà báo Nina Eglinski cho rằng trong thời gian tới, Tổng thống Ukraine - Petro Poroshenko sẽ phải đối mặt với những khó khăn. Đó là lý do ông Poroshenko đến Berlin tham dự một cuộc họp với các nhà lãnh đạo Đức và Pháp vào Ngày Độc lập của Ukraine vào ngày 24/8.

Tại Berlin, ông Poroshenko chắc chắn sẽ đề cập đến việc mở rộng các cuộc đàm phán về thỏa thuận Minsk, trong đó có sự tham gia của Mỹ và Ba Lan. Tuy nhiên, Đức khó chấp nhận điều này. 

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang đánh mất sự ủng hộ của châu Âu cũng như người dân Ukraine

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đang đánh mất sự ủng hộ của châu Âu cũng như người dân Ukraine

Không giống như Kiev, Đức và Pháp phủ nhận sự thất bại của thỏa thuận Minsk và muốn tiếp tục nỗ lực theo đuổi các thỏa thuận hòa bình. Việc ông Poroshenko không thể giành chiến thắng trong cuộc chiến tại Donbass cũng khiến tín nhiệm của Tổng thống Ukraine giảm mạnh.

Khối Poroshenko chỉ tồn tại trên giấy bởi nó không có bộ máy điều hành một cách hiệu quả. Theo kết quả thăm dò tháng 7/2015, ông Poroshenko chỉ giành được 20% ủng hộ, so với mức 55% vào tháng 5/2014. Điều này đồng nghĩa với việc châu Âu đang mất đi đối tác ở Kiev. “Người Ukraine đã nhiều lần chứng minh sự kiên nhẫn của họ chỉ có giới hạn và sẵn sàng để Tổng thống ra đi”, tác giả Nina Jeglinski kết luận.

Đức, Pháp, Ukraine kêu gọi thực thi Thoả thuận Minsk

Vietnamplus đưa tin, ngày 24/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã thảo luận với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, tìm cách thúc đẩy việc thực thi Thoả thuận Minsk. Theo phóng viên TTXVN tại Đức, phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc thảo luận với hai nhà lãnh đạo Pháp và Ukraine ở thủ đô Berlin, Thủ tướng Merkel khẳng định ý nghĩa quan trọng của việc thực thi Thoả thuận Minsk đạt được vào tháng 9/2014 và 2/2015, coi đây là nền tảng cơ bản nhằm đi tới một giải pháp hoà bình cho cuộc xung đột Ukraine.

Nhà lãnh đạo Đức cũng khẳng định cần đẩy mạnh, củng cố vai trò của thể thức nhóm Bộ tứ Normandy (gồm Đức, Ukraine, Pháp và Nga) trong việc kiến tạo hoà bình cho Ukraine. Thủ tướng Merkel cũng không bác bỏ khả năng sẽ nối lại cuộc gặp thượng đỉnh của nhóm Normandy, với sự tham dự của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong thời gian tới.

Theo bà Merkel, việc thực thi Thoả thuận Minsk cho tới nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề, trong đó lệnh ngừng bắn chưa được phía lực lượng đòi độc lập và chính phủ Ukraine tuân thủ. Bên cạnh đó, Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh vai trò của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) trong việc giám sát thực thi Thoả thuận Minsk, song bày tỏ quan ngại khi khả năng thi hành nhiệm vụ của tổ chức này luôn đã bị cản trở. Bà kêu gọi cùng hợp tác chặt chẽ với Nga nhằm đẩy mạnh hơn nữa vai trò của OSCE.

Thủ tướng Đức Angela Merkel thảo luận ở Berlin với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko

Thủ tướng Đức Angela Merkel thảo luận ở Berlin với Tổng thống Pháp Francois Hollande và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko

Thủ tướng Merkel cũng nhấn mạnh việc tiến hành cải cách hiến pháp và bầu cử ở Ukraine sẽ góp phần đi tới một giải pháp chính trị nhằm chấm dứt các cuộc đụng độ đẫm máu ở nước này. Trong tuần qua, các chuyên gia của nhóm Normandy cũng đã tiến hành một cuộc thảo luận về vấn đề cải cách hiến pháp, song các bên chưa đi tới một quan điểm thống nhất. 

Theo bà Merkel, tiến hành bầu cử quốc hội Ukraine sẽ là một trong những “vấn đề then chốt” và phải được thực hiện theo các quy định của OSCE. Về phần mình, Tổng thống Pháp Hollande lên tiếng phê phán việc các bên xung đột không tôn trọng các điều khoản trong Thoả thuận Minsk, nhấn mạnh rằng cần phải coi thoả thuận hoà bình này là nền tảng cho tiến trình hoà bình ở Ukraine.

Trong khi đó, Tổng thống Poroshenko cũng khẳng định Thoả thuận Minsk là lựa chọn duy nhất nhằm tìm kiếm lối thoát cho cuộc khủng hoảng, trong đó cần phải ngừng bắn ngay lập tức, rút toàn bộ vũ khí hạng nặng và tạo điều kiện hoạt động cho các chuyên gia OSCE.

Ngoài các vấn đề trên, tại cuộc gặp ở Berlin, lãnh đạo Đức, Pháp và Ukraine cũng thảo luận về việc thúc đẩy hỗ trợ nhân đạo ở Ukraine, việc trả tự do cho các tù nhân và mối quan hệ thương mại giữa Ukraine với Nga. Cuộc gặp này được xem mang ý nghĩa biểu tượng, bởi trong thời gian chưa đầy một giờ, lãnh đạo ba nước sẽ khó có thể giải quyết những vấn đề cản trở việc thực thi Thoả thuận Minsk.

Hơn nữa, cuộc gặp lại không có sự tham dự của Nga, một trong bốn quốc gia trong “Nhóm Normandy”. Trước cuộc gặp của ba nhà lãnh đạo, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố rằng cần phải cải thiện mối quan hệ với Nga, bởi “chỉ có thể có được trật tự hoà bình ở Châu Âu nếu có sự tham gia của Moscow”.

Trang Mạc (T/h)

 


Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang