Tình hình Ukraine mới nhất ngày 31/7: Đại diện NATO thiệt mạng ở Ukraine

author 05:43 31/07/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Ukraine mới nhất hôm nay đề cập đến ‘Tên lửa phát nổ, đại diện NATO thiệt mạng’, ‘Ukraine cấm hàng trăm công ty xuất nhập khẩu Nga’,…

Sự kiện: Cập nhật tình hình Nga - Ukraine

Tên lửa bất ngờ phát nổ tại Ukraine, đại diện NATO thiệt mạng

Theo những tin tức về tình hình  Ukraine mới nhất hôm nay, báo Dân Trí dẫn nguồn tin từ Ukroboronprom cho biết, vụ tai nạn xảy ra hôm qua 29/7 do một tên lửa bất ngờ phát nổ khi đang được tháo dỡ khỏi một thiết bị quốc phòng chuyên dụng ở vùng Sumy, phía đông bắc nước này. Vào thời điểm đó, các vũ khí, trong đó có một số quả tên lửa, đang được đưa tới một cơ sở thuộc Ukroboronprom.

Báo chí địa phương cho biết trong 3 nạn nhân tử vong, có một người là đại diện của NATO hiện đang chịu trách nhiệm giám sát quá trình giải giáp vũ khí ở Ukraine, nơi còn tồn dư một số lượng lớn vũ khí và đạn dược còn sót lại trong chiến tranh. Số vũ khí này đang được chính phủ Ukraine lên kế hoạch tháo dỡ và tiêu hủy, với sự hỗ trợ và giám sát của NATO theo thỏa thuận ký kết giữa hai bên. 

Trong những tin tức về tình hình Ukraine mới nhất hôm nay có vụ đại diện NATO chết vì tên lửa ở Ukraine

 Trong những tin tức về tình hình Ukraine mới nhất hôm nay có vụ đại diện NATO chết vì tên lửa ở Ukraine

“Trong số 3 người thiệt mạng, có một nhân viên vận chuyển sinh năm 1975, một kỹ sư kiểm tra sinh năm 1989 và một đại diện của NATO sinh năm 1985”, Natalia Naumenko, người phát ngôn của Văn phòng Công tố Sumy tại khu vực xảy ra vụ tai nạn, cho biết. Theo thông báo của Ukroboronprom, đại diện của NATO là một công dân mang quốc tịch Ukraine.

Ngoài ra, vụ nổ trên còn khiến 2 người khác bị thương. Những người này đã được đưa tới bệnh viện ngay sau đó để điều trị. Hiện cơ quan điều tra vẫn đang tìm hiểu nguyên nhân dẫn tới vụ nổ này.

Ukraine cấm hàng trăm công ty xuất nhập khẩu Nga

Ngày 29/7, Cơ quan An ninh Ukraine đã cấm hoạt động xuất khẩu sang Ukraine đối với 243 công ty Nga do đã hợp tác với các doanh nghiệp đặt tại vùng lãnh thổ Donbass không thuộc kiểm soát của Kiev.

Theo phóng viên TTXVN tại LB Nga, đa số các công ty trên đều hợp tác hợp pháp với Ukraine và không phải chịu các biện pháp trừng phạt mà Tổng thống Petro Poroshenko áp dụng đối với Nga, theo đó cấm hoạt động kinh tế và các hoạt động tổ chức khác đối với 388 cá nhân, bao gồm công dân Nga, và 105 pháp nhân.

Cơ quan An ninh Ukraine tin rằng các nhà sản xuất Ukraine đủ khả năng bù lại đủ lượng nhập khẩu từ Nga sẽ bị mất đi do lệnh cấm trên. Cùng ngày, Bộ Tài chính Nga thông báo Nga đã gửi đơn lên Tòa án London (Anh) yêu cầu nhanh chóng giải quyết hồ sơ kiện liên quan đến việc Ukraine không thanh toán khoản nợ 3 tỷ USD.

Ukraine cấm hàng trăm công ty xuất nhập khẩu Nga trong bối cảnh tình hình Ukraine đang ngày càng căng thẳng

Ukraine cấm hàng trăm công ty xuất nhập khẩu Nga trong bối cảnh tình hình Ukraine đang ngày càng căng thẳng 

Theo thông báo, công ty luật độc lập Trustee đại diện cho lợi ích của Liên bang Nga đã gửi đơn lên tòa án yêu cầu "bác khiếu nại của Ukraine và đưa ra phán quyết buộc Ukraine phải hoàn trả giá trị khoản trái phiếu (3 tỷ USD) cộng với tiền lãi 75 triệu USD và phần trăm tồn đọng của toàn bộ số nợ từ trái phiếu".

Hồi tháng 2/2016, Nga đã đệ đơn lên Tòa án London kiện Ukraine, theo đó yêu cầu Kiev trả khoản nợ 3 tỷ USD và lãi chưa thanh toán là 75 triệu USD. Đó là số nợ còn lại từ khoản vay do Nga cung cấp vào năm 2013 thông qua thị trường chứng khoán Ukraine.

Lần thanh toán gần đây nhất của Kiev đối với Moscow là vào tháng 6/2015. Sau đó, Ukraine muốn Nga đồng ý tái cơ cấu nợ với cùng các điều kiện như các chủ nợ thương mại. Song Nga từ chối vì cho đây là khoản nợ quốc gia.

Văn phòng Tổng thống Nga cho biết Nga sẽ kiện và yêu cầu tòa án quốc tế phong tỏa các tài sản ở nước ngoài của Ukraine để siết nợ nếu chính quyền Kiev không chịu trả khoản nợ 3 tỷ USD. Thông báo này được đưa ra để đáp trả tuyên bố ngày 27/7 của Bộ trưởng Tài chính Ukraine Oleksandr Danylyuk rằng Kiev không thể thay đổi điều kiện tái cơ cấu nợ, trong đó có nợ Nga, và khẳng định “không cần phải hoàn trả” khoản nợ trên cho phía Nga.

Ukraine nổi giận với tuyên bố sáp nhập Crimea vào khu vực miền Nam của Nga

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea, tách ra từ Ukraine và tái hợp nhất với Nga hai năm trước đây, vào khu vực Liên bang miền Nam, báo An Ninh Thủ Đô cho hay.

"Khu vực Crimea thành lập vào ngày 17/3/2014, sau khi bán đảo tái hớp nhất với Nga, đã được sáp nhập với khu vực Liên bang miền Nam, vì mục đích tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước”, văn phòng báo chí Điện Kremlin ngày 28/7 thông báo.

Như vậy, khu vực liên bang miền Nam sẽ giảm xuống còn 8, đó là Cộng hòa Crimea, Adygea và Kalmykia, vùng lãnh thổ Krasnodar, Astrakhan, Rostov và Volgograd, thành phố Sevestopol.

Nhà lãnh đạo Nga cũng bổ nhiệm ông Oleg Belaventsev, cựu đặc phái viên của tổng thống, từng công tác ở khu vực Crimea, làm đặc phái viên khu vực liên bang miền Bắc Caucasus. Ông Sergei Melikov, cựu đặc phái viên khu vực Liên bang Bắc Caucasus được bổ nhiệm làm phó giám đốc thứ nhất Cơ quan An ninh quốc gia Liên bang Nga.

Tình hình Ukraine – Nga luôn căng thẳng kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea

 Tình hình Ukraine – Nga luôn căng thẳng kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea

Tuyên bố trên của Nga đã khiến Ukraine nổi giận. Đại sứ Liên Hợp Quốc (LHQ) Volodymyr Yelchenko bác bỏ việc tổ chức, sắp xếp lại này, coi bất kỳ quyết định nào của Nga liên quan đến Crimea từ trước đến nay là không có hiệu lực pháp lý, và đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ ban hành một tuyên bố đáp trả sắc lệnh này của ông Putin. Đồng thời, vị đại sứ cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về quyết định của tổng thống Nga.

Sau khi Crimea sáp nhập lại với Nga từ Ukraine vào ngày 17/3/2014, bạo lực ở miền Đông Ukraine ngày càng leo tháng kể từ tháng 4/2014, khi Kiev triển khai quân tới các vùng phía Đông của Lugansk và Donetsk để đàn áp những người ủng hộ Nga.

Hai thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết giữa Kiev và những người ủng hộ Nga đều bị phá vỡ. Khủng hoảng Ukraine và việc sáp nhập Crimea về Nga đã khiến mối quan hệ Kremlin với phương Tây đi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Mỹ và một số nước phương Tây đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt chống Nga, với cáo buộc gây ra cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, Moscow luôn bác bỏ điều này.

Ngược dòng thời gian tìm lại những vũ khí làm nên huyền thoại Liên Xô(VietQ.vn) - Mặc dù Liên Xô đã sụp đổ, nhưng một số loại vũ khí được chế tạo từ thời Xô viết đã trở thành huyền thoại và hiện vẫn được sử dụng rộng rãi.

Minh Thuỳ (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang