Tin tức mới nhất về Ukraine ngày 29/1: NATO muốn đàm phán với Nga sau khủng hoảng Ukraine

author 06:54 29/01/2016

(VietQ.vn) - Tình hình Ukraine mới nhất cho biết 'NATO lần đầu muốn đàm phán với Nga sau khủng hoảng Ukraine'; ‘Ukraine quyết hồi sinh hạm đội tàu ngầm’; ...

Sự kiện: Cập nhật tình hình Nga - Ukraine

NATO lần đầu muốn đàm phán với Nga sau khủng hoảng Ukraine

Theo tin tức về tình hình Ukraine mới nhất trên VnExpress, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương Jens Stoltenberg hôm 28/1 xác nhận liên minh này đang thảo luận về việc đàm phán chính thức lần đầu tiên với Nga kể từ sau năm 2014, khi khủng hoảng Ukraine khiến quan hệ hai bên trở nên tồi tệ.

Theo ông Stoltenberg, NATO và Moscow cần phải minh bạch để không hiểu nhầm và tránh xảy ra những tai nạn tương tự như vụ phi cơ Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên trong liên minh, bắn hạ ở khu vực gần biên giới Syria hồi tháng 11.

Tình hình Ukraine mới nhất cho biết NATO lần đầu muốn đàm phán với Nga sau khủng hoảng Ukraine

Tình hình Ukraine mới nhất cho biết NATO lần đầu muốn đàm phán với Nga sau khủng hoảng Ukraine

Tổng thư ký NATO không cung cấp thông tin chi tiết về chương trình nghị sự NRC nhưng kỳ vọng nó diễn ra vào cuối tháng tới, sau cuộc gặp của bộ trưởng quốc phòng các nước thành viên liên minh, hoặc đầu tháng 3.

Các nguồn tin ngoại giao tuần trước nhận định có thể sẽ diễn ra hàng loạt cuộc gặp NRC trước khi hội nghị thượng đỉnh các lãnh đạo NATO bắt đầu ở thủ đô Warsaw, Ba Lan, vào tháng 7. NATO, do Mỹ dẫn đầu, đình chỉ mọi hợp tác thiết thực với Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Tuy nhiên, NATO vẫn giữ lại NRC như một kênh liên lạc giữa hai bên.

NRC bao gồm toàn bộ 28 quốc gia thành viên, thường là ở cấp độ đại sứ, với người đồng cấp Nga để quản lý các mối quan hệ. Lần họp gần đây nhất của NRC được tổ chức vào tháng 6/2014.

Ukraine quyết hồi sinh hạm đội tàu ngầm

Theo Tiền Phong Online, hãng Tass ngày 28/1 dẫn lời Tư lệnh Hải quân Ukraine Sergei Hayduk cho biết: “Theo kế hoạch, đến năm 2020 chúng tôi sẽ hồi sinh lực lượng tàu ngầm từ 2 – 4 chiếc”. Tư lệnh Hải quân Ukraine cho rằng, tàu ngầm là “tinh hoa của các hạm đội” và là “một phương tiện quân sự quan trọng trong chiến đấu”, giúp quốc gia “cảm giác yên tâm đối với đường biên trên biển”.

Ukraine quyết tâm hồi sinh hạm đội tàu ngầm của nước này

Ukraine quyết tâm hồi sinh hạm đội tàu ngầm của nước này

Tư lệnh Hải quân Ukraine cũng cho biết, việc trang bị tàu ngầm cho Hải quân bao gồm cả việc thuê lại tàu ngầm nước ngoài. Ở thời điểm hiện tại, hạm đội tàu ngầm của Ukraine chỉ còn duy nhất một chiếc Zaporizhia, được xây dựng vào năm 1970. Tuy nhiên, tàu ngầm này đã không ra biển từ hơn 20 năm qua, và hiện đang nằm tại cảng Sevastopol.

Trước đó, đại diện của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố việc xây dựng các hạm đội tàu ngầm trong thời gian ngắn là không khả thi, bởi trong suốt 15 năm qua, Hải quân Ukraine không đào tạo được bất cứ lứa thủy thủ hay thợ lặn tàu ngầm nào.

Nhóm Tiếp xúc về Ukraine nhất trí mở cửa khẩu mới tại Lugansk

Vietnamplus đưa tin, ngày 27/1, tại cuộc họp ở thủ đô Minsk (Belarus), Nhóm Tiếp xúc về Ukraine bao gồm đại diện của Ukraine, Nga, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) và hai nước Cộng hòa Nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk đã nhất trí mở một cửa khẩu qua lại mới tại Lugansk cho người dân hai bên vùng chiến sự vào ngày 12/2 tới.

Về các nội dung khác, đại diện của Chủ tịch OSCE Martin Sajdik cho biết các bên đã không đạt được thỏa thuận về trao đổi tù binh, tuy nhiên tập trung thảo luận về đề xuất sửa đổi Hiến pháp Ukraine vẫn còn những bất đồng.

Một binh sỹ mở cửa biên giới để các xe tải chở hàng viện trợ vào Ukraine

Một binh sỹ mở cửa biên giới để các xe tải chở hàng viện trợ vào Ukraine

Khác biệt giữa Nga và Ukraine xoay quanh việc Nga ủng hộ “công thức Steinmeier” (gọi theo tên tác giả là Ngoại trưởng Đức), theo đó Ukraine phải thông qua luật về bầu cử tại vùng Donbass, quy định quy chế đặc biệt tạm thời cho vùng này vào ngày bầu cử, và sau đó khi OSCE công bố báo cáo về bầu cử thì quy chế này trở nên thường xuyên.

Trong khi đó, Ukraine tuyên bố không thay đổi quan điểm trước đến nay rằng sẽ không thông qua luật “về chế độ tự quản tạm thời cho một số vùng ở Donetsk và Lugansk” hay còn gọi tắt là luật về quy chế đặc biệt. Về phía đại diện Donbass, họ không muốn tổ chức bầu cử theo luật Ukraine như yêu cầu của Kiev, mà muốn bầu cử theo hệ thống phổ thông đầu phiếu, ứng cử viên phải định cư tại Ukraine từ 5 năm trở lên, trong đó có ít nhất 2 năm sống tại Donbass.

Như vậy cuộc họp kết thúc ngày 27/1 đã chỉ đạt được một số kết quả nhỏ. Các vấn đề bất đồng sẽ được thảo luận tại cuộc họp lần tới, dự kiến vào ngày 10/2 nếu không có gì thay đổi.

Trang Mạc (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang