Những tin tức mới nhất về tình hình Ukraine ngày 10/1/2015

author 06:54 10/01/2015

(VietQ.Vn) - Nga thay đổi cách tiếp cận khủng hoảng ở Ukraine, Thủ tướng Ukraine vu cáo Liên Xô xâm lược Ukraine và Đức, EU cam kết cho Ukraine vay thêm 1,8 tỷ euro bình ổn kinh tế... là những tin tức về tình hình Ukraine mới nhất.

Sự kiện: Cập nhật tình hình Nga - Ukraine

Tình hình Ukraine mới nhất: Nga thay đổi cách tiếp cận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine

Theo những tin tức về  tình hình Ukraine mới nhất, ngày 8/1, các quan chức ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU) cho biết đã có một số dấu hiệu “hạn chế” cho thấy Nga có thể đang thay đổi cách tiếp cận đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Phát biểu tại một cuộc họp báo ở Latvia, Đại diện cấp cao của EU về chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini nói bà thấy có “một số dấu hiệu tích cực từ phía Nga” liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. 

Binh sĩ quân đội Ukraine tại khu vực chiến sự ở ngoại ô thành phố Debaltseve, vùng Donetsk ngày 24/12/2014

Binh sĩ quân đội Ukraine tại khu vực chiến sự ở ngoại ô thành phố Debaltseve, vùng Donetsk ngày 24/12/2014. Ảnh minh họa

Trong khi đó, Ngoại trưởng Latvia cho rằng các cuộc hội đàm với Nga hồi tháng trước cho thấy “một số dấu hiệu” về cách tiếp cận mới của Nga đối với cuộc xung đột ở Ukraine.
Châu Âu đã áp đặt các lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga với cáo buộc Moskva có vai trò gây bất ổn ở khu vực miền Đông Ukraine và sau sự kiện Nga sáp nhập vùng lãnh thổ Crimea

Thủ tướng Ukraine vu cáo "Liên Xô xâm lược Ukraine và Đức"

Thủ tướng Ukraine Arseny Yatsenyuk đã đưa ra thêm một tuyên bố gây sốc, bóp méo lịch sử khi cho rằng "Liên Xô đã xâm lược Ukraine và Đức" trong Thế chiến II. Theo RIA Novosti, trong cuộc phỏng vấn mới đây với kênh truyền hình ARD của Đức, Thủ tướng Ukraine đã đưa ra tuyên bố phủ nhận vai trò giải phóng nhân loại khỏi phát xít của Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II khi cho rằng: "Cuộc xâm lược của Nga ở Ukraine là một cuộc tấn công vào trật tự thế giới và trật tự ở châu Âu. Chúng tôi đều nhớ rất rõ Liên Xô đã xâm lược Ukraine và  Đức. Cần phải tránh lặp lại điều này".

Trong khi đó chính ông Yatsenyuk lại tuyên bố rằng không ai có quyền viết lại kết quả của cuộc Chiến tranh thế giới thứ 2 và cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng làm điều này? Ngay sau tuyên bố bóp méo lịch sử, Yatsenyuk nhanh chóng thúc giục các đồng minh phương Tây giúp đỡ với lập luận rằng: "Sự an toàn của Ukraine là sự đảm bảo cho an ninh của EU và ở Đức. Giúp đỡ chúng tôi đồng nghĩa với việc đảm bảo hòa bình và an ninh tại Ukraine và châu Âu".

Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk và Thủ tướng Đức Angela Merkel

Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh minh họa

Yatsenyuk "than thở" về cái giá mà Kiev đã phải trả cho lựa chọn ủng hộ EU của mình là những khó khăn trong nước hiện nay và mối đe dọa từ phía Moscow để kêu gọi các đối tác phương Tây, gồm cả Đức, giúp đỡ chính phủ Kiev hiện nay vượt qua "thời điểm khó khăn này". Về phần Crimea, Thủ tướng Ukraine khẳng định, nó là "lãnh thổ của Ukraine" đã bị Nga sáp nhập bằng vũ lực. Một nhiệm vụ mà Yatsenyuk đặt ra cho các chính phủ là đảm bảo an toàn của Ukraine và châu Âu trước, ngăn chặn "quân đội và những kẻ khủng bố Nga tiến xa hơn".

Phản ứng sau tuyên bố trên của Thủ tướng Ukaine, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Duma Quốc gia Nga - Alexei Pushkov hôm 8/1 cho rằng, ông Yatsenyuk đã tự làm hại uy tín của mình bằng những phát biểu thiếu nghiêm túc. Tờ Life News của Nga bình luận mỉa mai: "Ông Yatsenyuk đã có một phát minh mới về lịch sử rằng, ngày 22/6/1941 Liên Xô đã xâm lược Đức". 

Thủ tướng Yatsenyuk được cho là người "chống Nga" mạnh nhất trong chính quyền Kiev hiện nay. Ông đã nhiều lần lên tiếng cáo buộc Moscow xâm lược Ukraine và chủ trương dùng vũ lực để giải quyết xung đột ở miền Đông nước này. Hồi đầu tuần này, một nhóm hacker hàng đầu của Ukraine, CyberBerkut đã đánh sập trang web của Thủ tướng Angela Merkel và Quốc hội Đức như một cảnh báo để Berlin không tiếp tục hỗ trợ ông Yatsenyuk, người sẽ tới thăm nước này vào ngày 8/1. Trong cuộc phỏng vấn sau đó với đài ZDF của Đức, ông Yatsenyuk đổ lỗi cho tình báo Nga đứng sau vụ tấn công của CyberBerkut.

Trong một tuyên bố hồi tuần trước, Thủ tướng Cộng hòa Czech đã gọi Yatsenyuk là "Thủ tướng của chiến tranh" vì những lập trường của ông trong quan hệ  với Nga và cuộc khủng hoảng ở miền Đông. Tuy nhiên, những hành động của Thủ tướng Yatsenyuk lại nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ của bà Merkel, người đã nhiều lần lặp lại lập trường rằng "Đức sẽ tiếp tục làm tất cả để hỗ trợ Ukraine". Theo New York Times, bà Merkel đã ca ngợi ông Yatsenyuk đã vạch ra tiến trình cải tổ đầy ấn tượng. Trong khi đó, Đức hôm 7/1 đã đồng ý cho Kiev khoản vay 500 triệu euro với đảm bảo rằng nó sẽ không được dùng cho mục đích quân sự.

Tình hình Ukraine mới nhất: Ukraine sẽ nhập khẩu hơn nửa triệu tấn than của Nga

Thứ trưởng Bộ Năng lượng và Công nghiệp than Ukraine, ông Yuriy Zyukov ngày 9/1 cho biết nước này dự kiến trong tháng Một sẽ nhập khẩu khoảng 620.000 tấn than của Nga. Ông Zyukov được dẫn lời nói: “Chúng tôi mua than của Nga vì về hậu cần và giá đây là than rẻ nhất có thể mua... Tháng 12/2014, chúng ta đã nhận từ Nga 50.000 tấn than, trong tháng này là khoảng 20.000 tấn than.

Các cuộc đàm phán sẽ tiếp tục diễn ra, với sự tham gia của Công ty quốc doanh Centerenergo và Công ty DTEK, để ký hợp đồng mua than sản xuất điện... Trong tháng Một, nhu cầu của Centerenergo là 120.000 tấn đã được xác nhận qua hợp đồng và khoảng nửa triệu tấn hợp đồng với DTEK.” Theo ông Zyukov, hiện than Nga có giá từ 72-73 USD/tấn (giá mùa Hè lên 80 USD/tấn).

Tình hình Ukraine mới nhất: Ukraine sẽ nhập khẩu hơn nửa triệu tấn than của Nga

Tình hình Ukraine mới nhất: Ukraine sẽ nhập khẩu hơn nửa triệu tấn than của Nga. Ảnh minh họa

Hoạt động cấm nhập khẩu than Nga đã được dỡ bỏ, song Ukraine không từ bỏ việc đa dạng hóa nguồn cung. Ông cho biết thêm đang tiếp tục các cuộc đàm phán để ký hợp đồng mua than của Nam Phi và Australia. Trong tuần này, phía Ukraine đã gặp Đại sứ Nam Phi tại nước này. Ukraine cũng nhắm tới thị trường Việt Nam.

Ông Zyukov lưu ý rằng trong giai đoạn tháng 9-12/2014, Ukraine chỉ nhập khẩu hơn 2 triệu tấn than chủ yếu là từ Nga và Nam Phi, và DTEK đã mua một tàu than của Australia. Trước đó, ngày 8/1, Ukraine cho biết đã trả tiền mua 2 tàu than của Nam Phi.

Tình hình Ukraine mới nhất: EU cam kết sẽ cho Ukraine vay thêm 1,8 tỷ euro 

Ngày 8/1, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker cam kết Liên minh châu Âu (EU) sẽ cho Ukraine vay thêm 1,8 tỷ euro để giúp bình ổn nền kinh tế đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng. Trong một thông cáo, Chủ tịch EC Juncker xác nhận khoản vay trung hạn nói trên sẽ giúp Ukraine đối phó với "những thách thức lớn, đồng thời hỗ trợ cho công cuộc cải cách chính trị và kinh tế mà EU nhận định là yếu tố then chốt đối với tương lai của Ukraine.

Không quân Ukraine yếu kém

Kể từ khi xung đột bùng phát ở miền Đông vào năm 2014 cho đến nay, Không quân Ukraine đã không thể hiện được vai trò của mình trên chiến trường. Lực lượng máy bay chiến đấu của họ già nua gồm một số máy bay tiêm kích MiG-29, Su-27, máy bay cường kích Su-24, Su-25 và máy bay vận tải An-26.Sự yếu kém của lực lượng Không quân Ukraine hiện tại được cho là hậu quả của việc thiếu sự đầu tư trong nhiều năm dài, mặt khác Ukraine cũng đã mất đi một lượng lớn máy bay chiến đấu và trang thiết bị tại Crimea sau khi Nga sáp nhật vùng đất này.

Tống thống Ukraine Poroshenko ngồi bên trong buồng lái của một chiếc Su-27

Tống thống Ukraine Poroshenko ngồi bên trong buồng lái của một chiếc Su-27. Ảnh minh họa

Ước tính Không quân Ukraine mất ít nhất 45 máy bay chiến đấu các loại tại Crimea, khi lực lượng tự vệ tại đây tiến hành chiếm giữ các căn cứ không quân thuộc lữ đoàn 204 của Ukraine tại Belbek trong tháng 3/2014. Chưa dừng lại đó trong cuộc xung đột với quân ly khai ở miền Đông nước này trong năm 2014, Không quân Ukraine lại chịu tổn thất nặng nề khi mất thêm 20 máy bay các loại. Điều này có thể dễ hiểu khi mà hầu hết các phi công chiến đấu của Ukraine đều không có kinh nghiệm tác chiến, cộng với đó là các máy bay chiến đấu họ được trang bị đều đã quá lạc hậu và từ lâu không được nâng cấp. Vì thế, khiến chúng trở thành các mục tiêu dễ dàng bị bắn hạ bởi các loại tên lửa phòng không vác vai hiện đại. Trong khi đó, số máy bay chiến đấu tồn kho còn lại của Ukraine vẫn chỉ thấy xuất hiện trên giấy và có muốn sử dụng lại đi chăng nữa thì cũng phải trải qua quá trình nâng cấp với qui mô lớn.

Trang Mạc (tổng hợp)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang