Những tin tức mới nhất về tình hình Ukraine ngày 20/1/2015

author 06:37 20/01/2015

(VietQ.vn) - Ukraine thiệt hại 1 tỷ USD do giảm trung chuyển khí đốt Nga, Tổng thống Ukraine bác bỏ kế hoạch của ông Putin, Ukraine tuyên bố tái chiếm sân bay Donetsk... là những tin tức về tình hình Ukraine mới nhất ngày 20/1/2015.

Sự kiện: Cập nhật tình hình Nga - Ukraine

Tình hình Ukraine mới nhất: Giao tranh lan khắp Đông Ukraine

Theo những tin tức về tình hình Ukraine mới nhất trên báo chí, Nghị viện châu Âu đe dọa siết chặt lệnh trừng phạt Nga bằng cách hạn chế sự chuyển đổi của đồng rúp. Người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenko cáo buộc khoảng 700 lính Nga đã xâm nhập nước này trong ngày 19-1 để hỗ trợ phe ly khai. Một nguồn tin quân sự khác cho rằng 25 xe tăng Nga đã vượt biên giới Ukraine gần vùng Luhansk.

Bộ Ngoại giao Ukraine ngày 18-1 cho biết đã kêu gọi Nga bảo đảm ngừng bắn ở miền Đông Ukraine kể từ ngày 19-1 và ký kết kế hoạch thực hiện thỏa thuận Minsk đã thông qua ngày 13-11-2014. Trong công điện gửi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin lưu ý tình hình ở miền Đông Ukraine có nguy cơ phá hỏng khả năng giải quyết khủng hoảng một cách hòa bình trên cơ sở thỏa thuận Minsk. Tổng thống Putin còn tuyên bố Nga sẵn sàng cùng Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu kiểm soát ngừng bắn ở Donbass.

Cũng trong ngày 18-1, thành phố Donetsk gánh chịu pháo kích chưa từng có khiến nhiều thường dân thương vong. Nhà chức trách Ukraine khẳng định binh sĩ đã nhận lệnh tấn công ồ ạt ở miền Đông. Bộ Ngoại giao Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng tuyên bố hành động của quân đội Kiev có thể so sánh với “những vụ diệt chủng đẫm máu nhất lịch sử thế giới”, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế “chặn đứng những vụ giết người hàng loạt” ở Đông Ukraine.

Sân bay Donetsk bị tàn phá nặng nề

Sân bay Donetsk bị tàn phá nặng nề. Ảnh minh họa

Phó Tư lệnh Bộ Chỉ huy DPR Eduard Basurin cho biết các cuộc giao tranh giữa phe ly khai và quân chính phủ đang diễn ra trên mọi phòng tuyến. Theo hãng tin RIA Novosti ngày 19-1, trong vòng 1 ngày đêm qua, phe ly khai tổn thất 8 người và 37 người bị thương, trong khi lực lượng an ninh Ukraine có gần 200 người thương vong và mất 16 xe bọc thép.

Nhà lãnh đạo DPR, ông Alexander Zakharchenko, tuyên bố đã đẩy lui mọi nỗ lực giành lại sân bay Donetsk của quân chính phủ. Ông cho rằng Kiev lợi dụng ngừng bắn để tái trang bị lực lượng. Ngược lại, Kiev khẳng định quân ly khai bị tổn thất và rút khỏi sân bay, đồng thời nói chiến dịch đặc biệt ở sân bay Donetsk không vi phạm thỏa thuận Minsk.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon hôm 19-1 bày tỏ lo ngại trước chiến sự gia tăng ở miền Đông Ukraine. Cùng ngày, ngoại trưởng 28 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã họp bàn về quan hệ với Nga. Ủy viên đối ngoại EU, bà Federica Mogherini, nhấn mạnh khối này cần nghiên cứu khả năng giao thương với Liên minh Kinh tế Á - Âu (do Nga, Belarus và Kazakhstan thành lập, chính thức có hiệu lực hôm 31-12-2014 và mở rộng ngày 1-1-2015 với sự gia nhập của Armenia).

Dù vậy, EU khẳng định bất cứ bước đi nào như vậy đều phải gắn liền với việc thực hiện đầy đủ thỏa thuận Minsk. Về phía Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Duma quốc gia Alexei Pushkov cho rằng mục đích cuộc họp trên là gây ra làn sóng kích động mới và cuối cùng là lôi kéo EU vào cuộc chiến tranh lạnh chống Nga. Kênh truyền hình Espreso (Ukraine) ngày 18-1 đưa tin Nghị viện châu Âu (EP) đe dọa siết chặt trừng phạt Nga bằng cách hạn chế sự chuyển đổi của đồng rúp. Phó Chủ tịch EP Richard Czarnecki cho rằng sự đe dọa này nghiêm trọng “không kém vũ khí nguyên tử”.

Trước đó, Ngân hàng Trung ương Nga (CBRF) tiết lộ hơn 151 tỉ USD “chảy” khỏi đất nước trong năm 2014, mức cao nhất 20 năm qua. CBRF cũng đã cách chức phó thống đốc thứ nhất phụ trách chính sách tiền tệ là bà Ksenia Yudaeva sau khi các biện pháp khẩn cấp của ngân hàng này không ngăn được đà sụt giá của đồng rúp. Trong khi đất nước có nguy cơ trượt dài vào suy thoái, các nhà kinh tế Nga bày tỏ lo ngại Moscow thiếu những chính sách rõ ràng để đương đầu khủng hoảng. “Tôi đã đọc mọi văn kiện của chính phủ nhưng không hiểu mục đích của các chính sách kinh tế họ đưa ra” - ông Herman Gref, Tổng Giám đốc Sberbank và là cựu bộ trưởng kinh tế Nga, cho biết. Giáo sư kinh tế Nikolai Petrov cũng nhận định: “Có cảm tưởng nhà chức trách chẳng có một chiến lược chống khủng hoảng nào”.

Tình hình Ukriane mới nhất: Tổng thống Ukraine thề giành lại vùng Donbass

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố Chính phủ sẽ lấy lại quyền kiềm soát toàn bộ lãnh thổ Donbass. Cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine vẫn tiếp diễn với thương vong cho cả hai phía. Trước tình hình đó, người dân Ukraine đã xuống đường tuần hành kêu gọi chấm dứt bạo lực và Tổng thống Ukraine Poroshenko đã đáp lại lời kêu gọi hòa bình bằng tuyên bố sẽ giành lại Donbass.

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko. Ảnh minh họa

Trong cuộc tuần hành vì hòa bình ngày 18/1 tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev để tưởng nhớ các nạn nhân vụ một chiếc xe buýt bị trúng rocket ở gần Volnovakha hôm 13/1 làm 12 người thiệt mạng và 18 người bị thương, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tuyên bố Chính phủ sẽ lấy lại quyền kiềm soát toàn bộ lãnh thổ Donbass. Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết: “Chúng ta sẽ giành lại được Donbass, khôi phục hệ tư tưởng Ukraine tại đây. Một trong những yếu tố quan trọng đóng góp vào chiến thắng đó là sự đoàn kết. Ukraine bây giờ đang thống nhất hơn bao giờ hết'. Người dân Lugansk và nhiều nơi khác trên toàn Ukraine hôm 18/1 cũng đã xuống đường tuần hành kêu gọi hòa bình. LHQ và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đã (OSCE) cũng kêu gọi các bên xung đột tại nước này phải ngừng ngay việc leo thang bạo lực mới và trở lại bàn đàm phán.

Về phía Nga, Bộ Ngoại giao nước này cho biết, Moscow ủng hộ việc hai phía khẩn cấp rút vũ khí hạng nặng khỏi đường giới tuyến, tránh những thương vong mới cho dân thường. Nga cũng hứa sẽ nỗ lực để nhóm họp Nhóm tiếp xúc về Ukraine vào đầu tuần này, kêu gọi các bên liên quan gồm hai bên xung đột tại Ukraine, Nga và OSCE và tất cả những bên "có ảnh hưởng đến tình hình Ukraine "không để cuộc gặp bị gián đoạn một lần nữa.

Tuyên bố của Bộ ngoại giao Nga được đưa ra trong bối cảnh giao tranh tại miền Đông Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong vài ngày qua, quân đội chính phủ và lực lượng ly khai đã có cuộc đụng độ căng thẳng tại sân bay Donetsk. Quân đội Ukraine đã quyết định mở chiến dịch tấn công bằng hỏa lực tổng lực mới nhằm giành lại sân bay Donetsk, một vị trí có ý nghĩa biểu tượng cho cuộc giao tranh với lực lượng đòi độc lập ở miền Đông-Nam Ukraine, song không thành công. Theo nhiều nguồn tin, số binh sĩ thương vong có thể lên tới 14 người ở cả hai phía, ngoài ra có khoảng 30 dân thường thiệt mạng chỉ trong ngày 18/1. Cuộc khủng hoảng tại Ukraine tính tới thời điểm hiện tại đã khiến hơn 4.800 người thiệt mạng.

Tình hình Ukraine mới nhất: Ukraine tuyên bố tái chiếm sân bay Donetsk

 Chiều 19-1, chính quyền Ukraine tuyên bố đã tái chiếm lại phần lớn sân bay ở Donetsk sau khi mở “chiến dịch quy mô lớn” chống lực lượng ly khai tại miền đông. Chiến dịch khởi động từ hôm chủ nhật làm gia tăng chiến sự gần Donetsk, thủ phủ của lực lượng ly khai. Sau khi các nỗ lực tái khởi động đàm phán hòa bình thất bại, bạo lực gia tăng đáng lo ngại ở miền đông Ukraine trong tuần qua, trong đó bao gồm vụ tấn công một chiếc xe buýt khiến 13 thường dân thiệt mạng. Kiev đổ trách nhiệm cho quân ly khai. “Chúng tôi đã thành công trong việc quét sạch gần hết sân bay, vốn thuộc lãnh thổ của lực lượng Ukraine được đánh dấu trên tuyến phân cách quân sự” - Reuters dẫn lời người phát ngôn quân đội của Kiev Andriy Lysenko nói.

Xe vũ trang của quân đội Ukraine di chuyển ở miền đông Ukraine

Xe vũ trang của quân đội Ukraine di chuyển ở miền đông Ukraine. Ảnh Reuters

Sân bay này vốn nằm dưới sự kiểm soát của lực lượng ly khai thời gian qua. Ông Lysenko khẳng định chiến dịch của Kiev chỉ đưa tuyến phân cách trở về tình trạng trước đó và không vi phạm kế hoạch hòa bình 12 điểm đã ký kết với Nga và quân ly khai tại Minsk hồi tháng 9-2014. Một người phát ngôn quân đội khác cho biết các cuộc tấn công vẫn tiếp diễn trong ngày 19-1 tại sân bay và các điểm khác trên tuyến phân cách.

Theo tin từ CH nhân dân tự xưng Donetsk trong ngày 18-1, quân đội đã dùng hỏa lực tấn công thành phố 50 lần. Người phát ngôn điện Kremlin, ông Dmitry Peskov đã bày bỏ lo ngại trước diễn tiến tại miền đông Ukraine, cho rằng leo thang bạo lực không giúp gì được cho các nỗ lực hòa bình. Ông Peskov cũng nói rằng Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã bác bỏ đề xuất của Tổng thống Nga về kế hoạch rút vũ khí hạng nặng khỏi khu vực phi quân sự ở miền Đông Nam Ukraine nhằm giải quyết xung đột tại quốc gia này. Trước đó, bộ Ngoại giao Ukraine tuyên bố chính quyền Kiev đã đề nghị Moskva ký lộ trình thực hiện các thỏa thuận Minsk và đảm bảo lệnh ngừng bắn bắt đầu từ ngày 19-1.

Tổng thống Ukraine bác kế hoạch của ông Putin

Quân đội Ukraine hôm 18-1 tuyên bố đã chiếm lại gần như toàn bộ sân bay Donetsk ở miền Đông Ukraine trong khi hàng ngàn người tuần hành tại Kiev để cầu nguyện cho các nạn nhân của xung đột.Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 18-1, người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenko cho biết: “Sau những đợt tấn công, chúng tôi đã thành công trong việc khống chế hoàn toàn khu vực sân bay. Đây là khu vực trước đây nằm về phía đường ranh giới phía chính quyền Kiev”.

Ông Lysenko khẳng định chiến dịch phản công lần này đã đưa các bên tham gia trở lại đúng chiến tuyến ban đầu, vì thế quân đội Ukraine không vi phạm kế hoạch hòa bình Minsk gồm 12 điểm mà họ thông qua hồi tháng 9-2014 cùng với Nga và hai nước cộng hòa ly khai tự xưng. “4 binh lính Ukraine thiệt mạng và 32 binh lính bị thương trong vòng 24 giờ qua” – người phát ngôn quân đội Ukraine nói. Ở Donetsk , một thành phố của than và thép với dân số trước chiến tranh gần 1 triệu người, người dân đang hết sức lo sợ khi có sự đảo chiều mạnh mẽ trong tình hình chiến sự ở nơi đây.

Những người tham gia cuộc tuần hành vì hòa bình ngày 18-1 tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev

Những người tham gia cuộc tuần hành vì hòa bình ngày 18-1 tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev. Ảnh Reuters

Sau một thời gian yên ắng tạm thời, các cuộc bắn phá lại rộ lên. “Chúng tôi không thể ngủ được, những tiếng nổ, bức tường rung lắc dữ dội. Giống như họ đang bắn chúng tôi từ một khoảng cách rất gần” - một nhân chứng 53 tuổi cho biếtNgười phát ngôn điện Kremlin Dimitry Peskov cho biết Kiev đang bỏ ngoài tai đề nghị thu hồi vũ khí hạng nặng từ phía Tổng thống Nga Vladimir Putin để tiếp tục công kích miền đông Ukraine. Theo ông Peskov, những ngày gần đây, Nga đã có nhiều nỗ lực nhằm hòa giải xung đột.

Theo ông Peskov, tối 15-1, Tổng thống Putin đã gửi một thông điệp bằng văn bản cho Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, trong đó là một kế hoạch cụ thể nhằm tiến đến thu hồi hoàn toàn các vũ khí hạng nặng khỏi miền đông Ukraine. Tuy nhiên, ông Peskov cho biết các nhà lãnh đạo Ukraine đã bác bỏ kế hoạch này mà không đưa ra lựa chọn thay thế. Ông cho biết điều này đồng nghĩa với việc căng thẳng quân sự sẽ lại leo thang và an ninh tại miền Đông Nam của Ukraine sẽ tiếp tục xấu đi. Trong cuộc tuần hành vì hòa bình ngày 18-1 tại Quảng trường Độc lập ở thủ đô Kiev để tưởng nhớ các nạn nhân vụ một chiếc xe buýt bị trúng rocket ở gần Volnovakha hôm 13-1 làm 12 người thiệt mạng và 18 người bị thương, Tổng thống Ukraine Poroshenko tuyên bố chính phủ sẽ lấy lại quyền kiềm soát toàn bộ lãnh thổ Donbass.

Ukraine thiệt 1 tỷ USD do giảm trung chuyển khí đốt Nga

Theo tính toán của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia Nga (FNEB), năm 2014, lượng khí đốt Nga trung chuyển qua Ukraine đã giảm gần 30%, còn 58,9 tỷ m3. Các nhà phân tích của FNEB ước tính rằng thiệt hại của Ukraine do giảm trung chuyển 25 tỷ m3 khí đốt của Nga qua lãnh thổ nước này là 1 tỷ USD tiền phí trung chuyển. 

Tình hình Ukraine mới nhất: Ukraine thiệt hại 1 tỷ USD do giảm trung chuyển khí đốt Nga

Tình hình Ukraine mới nhất: Ukraine thiệt hại 1 tỷ USD do giảm trung chuyển khí đốt Nga. Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, con số đó chỉ là dự tính do phí trung chuyển phụ thuộc vào giá bán khí đốt. Tỷ lệ trung chuyển của Ukraine trong tổng khối lượng khí đốt Nga cung cấp cho châu Âu đã giảm từ 52% xuống 40%. Trước đó, sau khi tuyên bố ngừng triển khai dự án "Dòng chảy phương Nam," Nga cảnh báo trong tương lai sẽ không trung chuyển khí đốt qua lãnh thổ Ukraine mà cung cấp khí đốt cho châu Âu tại một điểm trên biên giới Hy Lạp - Thổ Nhĩ Kỳ, thông qua tuyến đường ống "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" với công suất cung cấp 63 tỷ m3.

Trang Mạc (tổng hợp)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang