Những tin tức mới nhất về tình hình Ukraine ngày 17/9/2015

author 06:56 17/09/2015

(VietQ.vn) - Tình hình Ukraine mới nhất đưa tin 'Nga sẽ bán khí đốt cho Ukraine?'; 'Pháp giục EU dỡ bỏ trừng phạt Nga'; 'Ukraine tiếp tục yêu cầu vũ khí sát thương nếu thoả thuận Minsk thất bại'.

Sự kiện: Cập nhật tình hình Nga - Ukraine

Nga sẽ bán khí đốt cho Ukraine?

Theo tin tức về tình hình Ukraine mới nhất trên báo điện tử Tấm Gương, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine mới đây cho biết, nước này sắp đạt được thỏa thuận mức giá mua khí đốt của Nga. Reuters dẫn lời Bộ trưởng Năng lượng Ukraine Volodymyr Demchyshyn cho biết, Ukraine và Nga dự kiến đạt thỏa thuận mua khí đốt mới vào cuối tuần sau. Theo đó, Ukraine nhiều khả năng sẽ chấp nhận mức giá 220 USD/1.000 mét khối từ Nga.

Tình hình Ukraine mới nhất cho biết Nga có thể sẽ bán khí đốt cho Ukraine

Tình hình Ukraine mới nhất cho biết Nga có thể sẽ bán khí đốt cho Ukraine

Bộ trưởng Demchyshyn cho hay: “Chúng tôi sẵn sàng trả theo giá thị trường... 250 USD trừ đi 30 USD là mức giá được người tiêu dùng nhìn nhận tích cực". Nga và Ukraine hồi năm ngoái đã nhất trí về một gói cung cấp khí đốt mùa Đông với giá chiết khấu 100 USD cho mỗi 1.000 mét khối với điều kiện trả trước. Thỏa thuận này hết hạn hôm 1/7 và hai bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận thay thế. Hiện, Ukraine vẫn phụ thuộc vào nguồn cung cấp khí đốt từ Nga.

Ukraine tiếp tục yêu cầu vũ khí sát thương nếu thoả thuận Minsk thất bại

Theo An Ninh Thủ Đô, một quan chức cấp cao của Ukraine tại NATO cho biết, nước này sẽ tiếp tục thuyết phục các quốc gia phương Tây cung cấp vũ khí phòng thủ nếu thoả thuận Minsk thất bại. Việc cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukriane đã là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất đối với chính quyền các nước phương Tây do Nga luôn cảnh báo rằng, nó có thể làm leo thang căng thẳng và gây hại tới an ninh vực. Tuy nhiên, đại sứ Ukraine tại NATO, ông Yehor Bozhok, cho rằng, họ không còn biện pháp nào khác.

Ukraine vẫn chưa từ bỏ lời đề nghị được cung cấp vũ khí sát thương

Ukraine vẫn chưa từ bỏ lời đề nghị được cung cấp vũ khí sát thương

“Nếu vũ khí hạng nặng được rút khỏi khu vực biên giới phía Đông theo thoả thuận Minsk thì điều này hoàn toàn bình thường. Tuy nhiên, nếu tình hình leo thang, chúng tôi sẽ tiếp tục phải kêu gọi các đồng minh phương Tây cung cấp cho mình các loại vũ khí phòng thủ. Chúng tôi sẽ không tấn công ai mà chỉ tự vệ”, ông Bozhok cho biết và kể tên các loại vũ khí chống tăng, thủ tiêu hoả lực địch là những thứ cần thiết nhất.

Ukraine đã nhiều lần xin Mỹ và các nước NATO cung cấp thêm các loại vũ khí sát thương nhưng chưa có một nước nào đồng ý với việc này. Hiện những hỗ trợ của phương Tây mới chỉ dừng lại ở các loại khí tài phi sát thương như kính nhìn đêm, túi ngủ, áo chống đạn và máy bay không người lái hoặc xe Humvee. Ngoài ra, NATO cũng gửi binh sĩ sang Ukraine để huấn luyện về chiến thuật chiến đấu, quân y hoặc tập trận chung.

Theo lời của đại sứ Bozhok, Ukraine cần các loại vũ khí này không chỉ đề phòng cho các xung đột có thể bùng nổ trở lại với lực lượng li khai mà còn do lo sợ phải hứng chịu một đợt tấn công quân sự từ phía Nga.

Pháp giục EU dỡ bỏ trừng phạt Nga

Theo VOV, Pháp sẽ ủng hộ việc EU dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Nga nếu các bên thực hiện đầy đủ các điều khoản trong Thỏa thuận hòa bình Minsk. Trả lời phỏng vấn báo giới, Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius cho rằng, để giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine, tất cả các bên trong đó có Nga phải giữ lời hứa mà họ đưa ra trong các cuộc đàm phán hòa bình Minsk hồi đầu năm nay. 

Theo Ngoại trưởng Pháp, Nga là đối tác kinh tế lớn với châu Âu. Do vậy, Pháp hy vọng các biện pháp trừng phạt mà Liên minh châu Âu áp đặt lên Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ sớm được dỡ bỏ.

Trụ sở Ngân hàng Gazprombank của Nga

Trụ sở Ngân hàng Gazprombank của Nga

Trước đó, hôm 16/9, Liên minh châu Âu đã nhất trí gia hạn thêm 6 tháng lệnh trừng phạt đối với các cá nhân và tổ chức của Nga và Ukraine liên quan đến cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine và sự kiện Nga sáp nhập trở lại bán đảo Crimea hồi tháng 3 năm ngoái.

Quan hệ giữa Nga và phương Tây đã xuống cấp nghiêm trọng sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng chính trị tại Ukraine hồi tháng 3 năm ngoái. Liên minh châu Âu  đã áp đặt lệnh phong tỏa tài sản và cấm nhập cảnh đối với khoảng 150 cá nhân và gần 40 thực thể mà Liên minh châu Âu  cho là “có vai trò liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine” kể từ khi Nga sáp nhập trở lại Bán đảo Crimea hồi đầu năm 2014.

Bên cạnh đó, Liên minh châu Âu cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực quốc phòng, năng lượng và tài chính gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Nga. Đáp lại, Nga cũng đã cấm nhập khẩu lương thực-thực phẩm và nhiều mặt hàng khác từ các nước thành viên Liên minh châu Âu.

Trang Mạc (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang