Tình hình Ukraine: NATO khẳng định Nga chưa rút quân khỏi biên giới Ukraine

author 06:38 17/10/2014

(VietQ.vn) - Hãng truyền thông AP dẫn lời Tư lệnh NATO Philip Breedlove cho biết chưa hề thấy “bất kỳ di chuyển đáng chú ý nào từ phía những đơn vị chiến đấu Nga cho thấy họ đang rút khỏi khu vực giáp biên giới Ukraine”.

Sự kiện: Cập nhật tình hình Nga - Ukraine

Vào tuần trước, các phương tiện truyền thông đưa tin tổng thống Nga Putin đã ra lệnh rút khoảng 17.600 lính Nga khỏi các căn cứ quân sự ở Rostov, khu vực nằm giáp miền đông Ukraine – nơi đang diễn ra các cuộc giao tranh ác liệt giữa lực lượng quân ly khai thân Nga và quân đội chính phủ Kiev kể từ hồi tháng 4.

Phát biểu bên lề một cuộc họp của NATO ở thành phố Thessaloniki thuộc miền bắc Hy Lạp, tướng Philip Breedlove (Tư lệnh các đơn vị không quân Mỹ tại châu Âu và châu Phi và hiện đang nắm giữ chức vụ Tư lệnh quân đội Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO) cho biết, “Chúng tôi rất hoan nghênh việc Moscow quyết định rút quân ra khỏi khu vực giáp biên giới Ukraine và đang theo dõi lệnh điều động quân sự này với một tâm trạng lo lắng.”

Tổng thống Putin đã ra lệnh cho 17.600 lính đóng quân gần Ukraine trở về căn cứ

Tổng thống Putin đã ra lệnh cho 17.600 lính đóng quân gần Ukraine trở về căn cứ. Ảnh AP

Theo lời Tư lệnh Breedlove, “Đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa thấy bất cứ động tĩnh nào đáng chú ý từ phía các đơn vị đồn trú Nga ở khu vực giáp miền đông Ukraine cho thấy họ đang rút quân. Rõ ràng là chúng ta sẽ phải xem xét liệu lời nói của tổng thống Putin có phải chỉ giới hạn trong phạm trù ngôn ngữ hay không?”

Bên cạnh đó, Tư lệnh Breedlove nhận định, phương Tây cần nắm được những ẩn ý nếu có của Nga đằng sau quyết định rút quân nói trên. “Các nhà lãnh đạo phương Tây phải hiểu rằng, rất có thể tổng thống Nga Putin cuối cùng cũng đã cảm thấy lo ngại trước hành động chọn nghiêng về phía các nước phương Tây (bao gồm cả EU và NATO) của Ukraine”, tướng Breedlove nhận xét.

Đồng quan điểm trên, một vị tướng cấp cao khác của NATO Frank Gorenc nhấn mạnh, “Nói thì dễ, làm thì khó. Và rõ ràng là trong bối cảnh hiện nay, chiến lược không đi kèm hành động thì cũng chỉ là lời nói suông. Vì vậy, các hành động cụ thể của Nga còn cần được kiểm chứng.” Ngoài ra, tướng Breedlove tin rằng Moscow sẽ “tìm mọi cách để duy trì tầm ảnh ở miền đông Ukraine vì điều này rất quan trọng với nền kinh tế Nga.”

Tư lệnh NATO “nghi ngờ” lệnh rút quân ra khỏi biên giới Nga – Ukraine của tổng thống Putin

Tư lệnh NATO “nghi ngờ” lệnh rút quân ra khỏi biên giới Nga – Ukraine của tổng thống Putin. Ảnh minh họa

Được biết, trong suốt thời gian qua, Moscow luôn một mực phủ nhận lời cáo buộc từ phía chính phủ Kiev và các nước phương Tây khi cho rằng Nga thường xuyên cung cấp vũ khí, chuyên gia quân sự và binh sĩ cho lực lượng quân ly khai ở miền đông Ukraine. Đồng thời, theo thông tin từ điện Kremlin, các đơn vị chiến đấu Nga chỉ đóng quân ở Rostov vì nhiệm vụ tham gia diễn tập quân sự.

Trước đó, NATO từng ra sức phản bác lại các tuyên bố rút quân của Nga khỏi khu vực giáp ranh với Ukraine. Vào mùa xuân, Mỹ và NATO khẳng định Nga đã điều khoảng 40.000 quân tới gần biên giới với Ukraine dù sau đó tổng thống Putin đã ra lệnh rút binh lính về các căn cứ quân sự tại quê nhà vào cuối tháng 5. Mặc dù xác nhận lệnh điều động quân sự nói trên đã được chấp hành nghiêm túc nhưng đến tháng 8, Mỹ và NATO lại một lần nữa lên tiếng buộc tội Nga tiếp tục tăng cường các lực lượng của nước này ở khu vực giáp với miền đông Ukraine nhằm cung cấp sức người, sức của cho quân ly khai.

Trong khi đó, tổng thống Nga Putin cũng buộc tội Mỹ, EU và NATO đang âm mưu phá hoại nền kinh tế, an ninh của Nga cũng như ra sức lôi kéo Ukraine vào quỹ đạo phương Tây. Thêm vào đó, tổng thống Putin cho rằng chính các nước phương Tây đã giật dây vụ lật đổ cựu tổng thống Ukraine Victor Yanukovych vào hồi tháng 2 và do đó, việc sáp nhập Crimea là bước đi cần thiết để bảo vệ người dân nói tiếng Nga sinh sống ở khu vực này.

Phương Tây và Nga liên tục cáo buộc đối phương trong cuộc khủng hoảng Ukraine

Phương Tây và Nga liên tục cáo buộc đối phương trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Ảnh minh họa

Trước khi cuộc khủng hoảng Ukraine nổ ra, Nga và nước láng giềng Ukraine từng duy trì quan hệ mật thiết về kinh tế. Đặc biệt, các nhà máy công nghiệp của Nga, bao gồm các xưởng sản xuất vũ khí quân sự, đều phải dựa vào các thành phần do Ukraine chế tạo. Ukraine đã cung cấp cho Nga động cơ máy bay trực thăng, tên lửa không đối không, tua bin tàu thủy tàu ngầm cùng nhiều trang thiết bị khác. Theo một số nguồn tin, một lượng không nhỏ các tên lửa đạn đạo liên lục địa có đầu đạn hạt nhân trong kho vũ khí của Nga đã được chế tạo ở Ukraine suốt thời kỳ Xô viết, đồng thời quân đội Nga phải dựa vào các chuyên gia Ukraine để giữ gìn và duy trì hoạt động của các tên lửa này.

Minh Thùy

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang