Tình yêu say đắm có tồn tại mãi? (Bài 2)

author 10:01 01/02/2013

(VietQ.vn) - Thật ra, tình yêu say đắm sẽ ra đi, bởi không ai có thể “mê như điếu đổ" một ai suốt cả cuộc đời, khi ngày nào họ cũng sống bên nhau, muốn lúc nào được lúc ấy.

Ảnh minh họa

 Ngọt ngào và cay đắng

Thực tế cho thấy cả những gã đàn ông vô liêm sỉ nhưng khi yêu cũng trở nên vị tha, cao thượng. Có phụ nữ ham hố, đầy tham vọng đột nhiên có thể từ bỏ tất cả vì tình yêu. Thực ra, những ham muốn có tính bản chất của con người có thể yếu đi trong trạng thái yêu đương say đắm nhưng một khi mối quan hệ đã trở về bình ổn, chúng lại sống dậy và bộc lộ mạnh mẽ.

Sự “phải lòng” ban đầu thường là một tình cảm si mê không thực tế, lúc ấy ta yêu không phải chính con người đó mà là ảo ảnh do ta tưởng tượng về con người đó, với các ưu điểm được phóng to lên và khiếm khuyết thu nhỏ lại. Nhưng nói như thế không có nghĩa là tình yêu sẽ biến mất tăm mất tích trong đời sống vợ chồng.

Thật ra, tình yêu say đắm sẽ ra đi, bởi không ai có thể “mê như điếu đổ" một ai suốt cả cuộc đời, khi ngày nào họ cũng sống bên nhau, muốn lúc nào được lúc ấy. Thay thế nó là một thứ tình yêu khác chân thực hơn, đa diện hơn, đó là tình yêu vợ chồng, nó có vẻ đẹp riêng và cũng đáng được các nhà thơ ca ngợi.

Tiếc rằng trong những năm đầu chung sống, có nhiều đôi để cho tình yêu say đắm ra đi nhưng tình yêu vợ chồng lại chưa đến, chỉ còn hai cá thể không thể nào hội nhập, mâu thuẫn triền miên, đến nỗi phải chia tay ngay trong mấy năm đầu chung sống mà các nhà khoa học gọi đó là hiện tượng “ly hôn xanh”, nó chiếm non nửa các cuộc ly hôn hiện nay.

Người ta nhận thấy năm đầu tiên chung sống của đôi vợ chồng trẻ là năm ngọt ngào, nhưng cũng nhiều cay đắng. Có lẽ đây là thời kỳ nóng bỏng nhất của hôn nhân, vừa có niềm vui rạo rực nhất lại vừa có đau khổ dằn vặt nhất. Trở ngại chính trong thời kỳ này là việc tạo nên cái “chúng ta” từ hai “cái tôi” khác nhau phải cọ xát để thích ứng nhau. Xung đột sẽ càng nhiều nếu cá tính hai người càng mạnh mẽ.

Có lẽ một trong những xung đột chính của thời kỳ này là cuộc đấu tranh “giành quyền lực” trong gia đình. Nhất là khi phụ nữ đã được giải phóng mà nhiều đàn ông vẫn chưa chịu từ bỏ thói gia trưởng, độc đoán, vẫn muốn áp đặt “cái tôi” của mình lên “cái tôi” đối phương.

Ảnh minh họa

Muốn kết hôn, phải học

Khi mới yêu, không ít người khoe với bạn bè rằng người yêu rất hoà hợp với mình. Nhưng đó chỉ là cảm giác của những kẻ đang yêu, họ chỉ nhìn thấy những chỗ giống nhau mà không thấy hoặc lờ đi những chỗ khác nhau. Thật ra, một đôi vợ chồng trẻ thường có thể không hợp nhau ít nhất là trên 4 mặt sau đây :

Thứ nhất là về thể trạng: có người trông phổng phao nhưng rất nhanh mệt, có người không khoẻ lắm nhưng dai sức. Có người hay đau bụng nếu thức ăn không thật vệ sinh, có người lại ăn uống xô bồ miễn sao ngon miệng.

Thứ hai là về khí chất: có người hay buồn chán, có người lạc quan tươi vui. Người thì nóng nảy hay đập phá, quát tháo, có người lại dịu dàng, kiên nhẫn.

Thứ ba là về các mối quan tâm: người thích thể thao, người mê chính trị, điều người này quan tâm, hứng thú thì người kia lại hững hờ.

Thứ tư là về tình dục: nhu cầu tình dục của hai người nhiều khi không giống nhau. Cung cách quan hệ cũng khác nhau, tư thế mà người này thấy bình thường, người kia lại cho là “quái đản”.

Trong một hai năm đầu chung sống, những sự khác nhau này thường làm cho cả hai khó chịu. Chỉ khi nào người này chịu hy sinh cho người kia hoặc cả hai đều không chỉ biết sống theo thói quen, ý thích của mình mà luôn quan tâm tới sở thích của người kia, dần dần mới đi đến hoà hợp nhau được.

Ở nhiều nước phát triển, người ta mở các lớp học tiền hôn nhân để cung cấp những kiến thức tối thiểu về cuộc sống vợ chồng, giúp những người bước chân đến ngưỡng cửa hôn nhân nhận thức được sự khác nhau về hai giai đoạn của tình yêu. Phân biệt được tình yêu lãng mạn với tình yêu vợ chồng và nhất là không ảo tưởng về sự hoà hợp tuyệt đối của hôn nhân, sẵn sàng đón nhận sự khác biệt của hai cá thể – hai con người sinh ra và lớn lên trong hai môi trường khác nhau.

Có nơi muốn đăng ký kết hôn phải xuất trình chứng chỉ đã học qua các lớp này.

Người nào càng ít kỳ vọng ở hôn nhân, không coi hôn nhân như một phép màu mà là sự nỗ lực không ngừng tự biến đổi để tương thích với nhau, thì người ấy có nhiều cơ may hơn, được hưởng cái mà chúng ta gọi là hạnh phúc.

Nhà Tâm lý học Trịnh Trung Hòa 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang