Tổ chức nước ngoài nâng mức tín nhiệm của Việt Nam

author 06:29 01/08/2014

(VietQ.vn) - Việc mức tín nhiệm của Việt Nam được tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s nâng bậc phần lớn nhờ vào nền kinh tế vĩ mô và mức tăng trưởng ổn định, góp phần thu hút vốn thêm đầu từ nước ngoài và nâng cao uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Moody’s nâng bậc xếp hạng mức tín nhiệm của Việt Nam

Theo những thông tin mới đây trên website chính thức của Bộ Tài chính, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã có thông cáo về việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam. Cụ thể, mức tín nhiệm đối với trái phiếu của Chính phủ được tăng lên 1 bậc, từ mức B2 lên mức B1 và mức triển vọng được đánh giá là Ổn định, tăng một bậc so với trước. Đồng thời, mức trần tín nhiệm đối với trái phiếu dài hạn phát hành bằng đồng ngoại tệ của Việt Nam được nâng từ mức B1 lên mức Ba2, mức trần tín nhiệm đối với tiền gửi ngoại tệ dài hạn được nâng từ mức B3 lên mức B2.

Bộ Tài chính giải thích, hệ số tín nhiệm quốc gia là chỉ số đánh giá về khả năng tài chính cũng như khả năng hoàn trả đúng hạn tiền gốc và lãi các khoản nợ của một quốc gia. Hệ số tín nhiệm quốc gia càng thấp thì mức độ rủi ro về khả năng không thanh toán được các khoản nợ càng cao.

 

Nền kinh tế vĩ mô ổn định là một yếu tố tích cực giúp các tổ chức nước ngoài nâng mức tín nhiệm của Việt Nam

Nền kinh tế vĩ mô ổn định là một yếu tố tích cực giúp các tổ chức nước ngoài nâng mức tín nhiệm của Việt Nam. Ảnh minh họa

Giải thích cho việc nâng bậc tín nhiệm của Việt Nam, Moody’s đưa ra 3 nguyên nhân chính. Nguyên nhân đầu tiên là do nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã được duy trì ổn định kể từ năm 2012, đặc biệt là chỉ số giá cả. Mức tăng trưởng kinh tế mặc dù có chậm lại so với hai thập kỷ qua nhưng vẫn ở mức cao so với các nước trong cùng nhóm xếp hạng. Thêm vào đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài cũng như hoạt động sản xuất kinh doanh các sản phẩm xuất khẩu tăng trưởng mạnh góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế. 

Một yếu tố khác giúp nâng mức tín nhiệm của Việt Nam là do việc đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu có giá trị cao đã giúp cải thiện cán cân thanh toán và vị thế đối ngoại. Cùng với kim ngạch nhập khẩu có mức tăng trưởng thấp hơn đã giúp cho cán cân vãng lai chuyển từ thâm hụt sang thặng dư đáng kể, góp phần làm tăng dự trữ ngoại hối lên mức cao nhất là 35,9 tỷ USD vào cuối tháng 4/2014 và duy trì ổn định tỷ giá.

Ngoài ra, hoạt động của khu vực ngân hàng đã dần dần ổn định, làm hạn chế nguy cơ rủi ro đối với ngân sách của Chính phủ. Moody’s cũng cho biết sẽ xem xét tiếp tục nâng bậc xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam trong trường hợp Việt Nam có sự cải thiện mạnh mẽ về tình trạng tài chính của hệ thống ngân hàng và DNNN, điều này đồng nghĩa với việc giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách của Chính phủ.

 

Uy tín của Việt Nam sẽ tiếp tục được nâng cao nếu cải thiện được tình trạng tài chính của hệ thống ngân hàng

Uy tín của Việt Nam sẽ tiếp tục được nâng cao nếu cải thiện được tình trạng tài chính của hệ thống ngân hàng. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, cũng theo Moody’s, mức vốn hiện tại trong hệ thống ngân hàng Việt Nam chưa tương xứng, đặc biệt là chất lượng tài sản còn thấp. Ngoài ra còn phải kể đến rủi ro từ khu vực doanh nghiệp nhà nước và sự suy giảm ngân sách chính phủ do giảm nguồn thu.

Những lợi ích từ việc tổ chức nước ngoài nâng mức tín nhiệm của Việt Nam

Cụ thể, ngay trong ngày 29/7, sau khi thị trường đón nhận thông tin về việc Moody’s nâng bậc tín nhiệm cho Việt Nam, khoản trái phiếu 1 tỉ USD được chính phủ phát hành năm 2010 đã tăng 0,5 điểm. Điều này đồng nghĩa với việc lãi suất trái phiếu quốc tế chính phủ trên thị trường thứ cấp được giao dịch giảm xuống còn 3,89%.

Trả lời phỏng vấn của báo chí về tác dụng của việc các tổ chức nước ngoài uy tín nâng bậc xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam, ông Trương Hùng Long - cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại thuộc Bộ Tài chính cho biết, lợi ích đầu tiên là niềm tin của giới đầu tư với nền kinh tế VN sẽ cao lên. 

Mức tín nhiệm của Việt Nam tăng giúp VietinBank và BIDV cũng được nâng một bậc xếp hạng tín nhiệm

Mức tín nhiệm của Việt Nam tăng giúp VietinBank và BIDV cũng được nâng một bậc xếp hạng tín nhiệm. Ảnh minh họa

Ông Long cũng cho hay, việc nâng mức tín nhiệm của Việt Nam cũng mang lại những ảnh hưởng tích cực đối với các tổ chức/doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm ưu thế. Cụ thể, ngay sau khi Moody’s công bố nâng bậc xếp hạng tín nhiệm cho Việt Nam thì hai ngân hàng là VietinBank và BIDV cũng được thông báo nâng một bậc xếp hạng tín nhiệm. Việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm giúp các tổ chức này giảm bớt chi phí khi huy động vốn trên thị trường quốc tế và quan trọng hơn, việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm sẽ giúp hai ngân hàng này nâng cao uy tín trong mắt các nhà đầu tư.

Nhìn chung, việc một tổ chức nước ngoài uy tín nâng mức tín nhiệm của Việt Nam là một tin mừng đối với nước ta và sẽ là yếu tốt tích cực đối với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng và khả năng trả nợ nước ngoài của quốc gia.

Minh Thùy (tổng hợp)

 

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang