Tên lửa DF-21 Trung Quốc có thể biến tàu sân bay Mỹ thành ‘bia sống’

author 05:56 01/10/2016

(VietQ.vn) - Mới đây, một loạt hình ảnh về cảnh phóng tên lửa DF-21C “sát thủ tàu sân bay” của Trung Quốc đã đánh tan mọi nghi ngờ của giới quân sự thế giới.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

TTXVN đưa tin, hình ảnh do CCTV phát đi không chỉ giúp thế giới bên ngoài lần đầu tiên biết được cảnh phóng loại tên lửa được mệnh danh là “sát thủ tàu sân bay” này, mà còn vô tình để lộ số lượng trang bị của một lữ đoàn tên lửa DF-21C.

Theo giới chuyên gia, mục tiêu của DF-21C về phía Đông là các căn cứ quân sự, cảng biển, sân bay và trung tâm chỉ huy… có giá trị cao của quân đội Mỹ nằm ở chuỗi đảo thứ hai còn ở phía Tây Nam lại là đại lục Ấn Độ.

Động thái này của Trung Quốc rất có thể liên quan tới lời của Tướng Bành Quang Khiêm, Phó chủ tịch Ủy ban Chính sách an ninh Trung Quốc nói tại Diễn đàn Hòa bình thế giới lần thứ V rằng, Mỹ có 10 tàu sân bay, nhưng cho dù có đưa 11 tàu sân bay đến Biển Đông thì cũng "không chiếc nào trở về được" vì sẽ bị biến thành “bia sống”.

Hình ảnh phóng tên lửa được tiết lộ.

Hình ảnh phóng tên lửa được tiết lộ. Ảnh: TTXVN

Liên quan tới các vụ phóng tên lửa của Trung Quốc, trước đó, Kiến Thức dẫn thông tin từ tạp chí quân sự Jane’s đưa tin cho hay, trong một đoạn phóng sự do Quân đội Trung Quốc thực hiện vào đầu năm 2016, Bắc Kinh đã lần đầu tiên tiết lộ hình ảnh về tên lửa đạn đạo DF-21C do Tập đoàn khoa học và công nghiệp hàng không vũ trụ Trung Quốc (CASIC) phát triển và chế tạo được giới thiệu từ năm 2006.

Tuy nhiên sau đó giới truyền thống Trung Quốc lại cho biết rằng phóng sự trên là hình ảnh ghi lại đợt diễn tập của một đơn vị tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D và điều này hoàn toàn khó có thể xác minh được khi cả DF-21D và DF-21C đều có thiết kế gần như tương đồng.

Cả hai tổ hợp tên lửa đạn đạo di động này của Trung Quốc đều sử dụng khung gầm đặc chủng hạng nặng Sanjiang và thiết kế bên ngoài của chúng rất khó để phân biệt. 

Dù được giới thiệu từ năm 2006 nhưng cho đến nay Quân đội Trung Quốc chưa hề công bố bất cứ hình ảnh nào về DF-21C. Tuy nhiên về thiết kế cơ bản nó là mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa tầm trung gần giống với FD-21D.

Tên lửa DF-21D đáng sợ thế nào?

Theo giới chuyên gia quân sự,mặc dù có thể DF-21D không tinh vi bằng Pershing II nhưng điều đó cho thấy rằng Trung Quốc không hề lừa gạt. Một tờ báo của Nga khẳng định thêm, tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D thực sự rất đáng sợ chứ không đơn giản chỉ là sự phô trương hay ảo tưởng của Trung Quốc, thông tin trên Trí Thức trẻ.

DF-21D sử dụng hệ thống dẫn hướng tương tự như Pershing II của Mỹ với dẫn hướng quán tính ở giai đoạn đầu, giai đoạn giữa được dẫn hướng kết hợp với hệ thống con quay laser hồi chuyển và giai đoạn cuối sử dụng radar dẫn đường kỹ thuật số. Tên lửa có chiều dài khoảng 10 mét, trọng lượng phóng khoảng 15 tấn, tầm bắn khoảng 1.450km, bán kính lệch mục tiêu CEP khoảng 40 m.

Chương trình DF-21D đã tạo ra những thách thức rất lớn cho hệ thống đánh chặn trên các chiến hạm của Mỹ. Một tên lửa đạn đạo di chuyển trong không gian gần của trái đất thường có tốc độ rất, cao gấp 7-8 lần vận tốc âm thanh. Mặc dù tầm bắn khá xa nhưng thời gian để đến mục tiêu nhanh hơn nhiều so với tên lửa hành trình.

Tổ hợp tên lửa FD-21D của Trung Quốc

Tổ hợp tên lửa FD-21D của Trung Quốc. Ảnh: Trí Thức Trẻ 

Một yếu tố đáng sợ nữa là một tên lửa đạn đạo tầm trung với tốc độ siêu thanh nên gần như không thể đánh chặn. Dù hệ thống đánh chặn của Mỹ có tên lửa RIM-161 SM-3 có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo ở quỹ đạo thấp, nhưng vẫn không đủ độ tin cậy để chống lại DF-21D của Trung Quốc.

Lý do rất đơn giản là có quá ít thời gian để hệ thống Aegis của Mỹ có thể phát hiện tên lửa DF-21D ngay khi nó vừa được phóng lên. Tên lửa chỉ mất khoảng 10 phút để chạm mục tiêu ở cự ly xa nhất, với thời gian như vậy là quá ngắn đối với bất kỳ hệ thống đánh chặn nào.

Ngay cả trong điều kiện lý tưởng, các tàu sân bay của Mỹ chạy hết tốc độ tối đa 56km/h thì thời gian vẫn không đủ để làm lệch vị trí của mình so với vị trí mà tên lửa DF-21D của Trung Quốc đã nhắm mục tiêu từ trước.

Theo giới quân sự Mỹ, hiện Trung Quốc đang hoàn thành hệ thống dẫn đường cho DF-21D. Theo các số liệu của tình báo Mỹ, từ năm 2006 đến nay Bắc Kinh đã đưa 18 vệ tinh vào hoạt động. Hàng loạt các radar khẩu độ tổng hợp mới đã được đưa vào sử dụng cùng các hệ thống quang điện tinh vi. Các hệ thống radar giám sát có thể độc lập phát hiện mục tiêu trong bất kỳ điều kiện thời tiết nào. Những hệ thống này là những đôi mắt sắc bén dẫn đường cho DF-21D.

Chớ coi thường Trung Quốc

Với hàng loạt hình ảnh hé lộ về “sát thủ tàu sân bay” của mình, một lần nữa Trung Quốc đã khẳng định với thế giới về khả năng phát triển công nghiệp quốc phòng vượt bậc của mình.

Công nghệ chế tạo vũ khí của Trung Quốc đã có bước tiến phát triển vượt bậc
Công nghệ chế tạo vũ khí của Trung Quốc đã có bước tiến phát triển vượt bậc. Ảnh: TTXVN 

Về mức độ tinh vi trong công nghệ quốc phòng, Trung Quốc đã sao chép thành công S-300, Su-33, Su-27SK, Su-30MK2 của Nga, sao chép tính năng của tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ, hoàn thành việc cải tạo tàu sân bay Varyag của Liên Xô, xây dựng tàu ngầm hạt nhân chiến lược, khởi động tàu vũ trụ và robot.

Họ đã gần đạt đến mức công nghệ của Mỹ và châu Âu, họ là nước gia công linh kiện điện tử hàng đầu thế giới cho các tập đoàn lớn trên thế giới như Apple, IBM.. Họ sao chép gần như mọi thứ trên thế giới này lấy đó làm cơ sở để tạo ra những sản phẩm riêng của mình.

Và với khả năng sao chép đạt đến trình độ siêu đẳng của mình thì không có lý do gì họ không sao chép được tính năng của tên lửa Pershing II trong thiết kế của tên lửa đạn đạo chống hạm DF-21D.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang