Tổ hợp ‘rồng lửa’ S-300: Sự lựa chọn sáng suốt của Iran

author 09:23 12/04/2016

(VietQ.vn) - Tổ hợp tên lửa S-300 với hỏa lực mạnh mẽ và độ chính xác cao là lựa chọn phù hợp để chống lại các cuộc tấn công và tập kích đường không.

Sự kiện: Vũ khí quân sự nổi tiếng thế giới

Theo tờ Lao Động, tổ hợp tên lửa tầm xa S-300 là một loạt các hệ thống tên lửa đất-đối-không tầm xa Nga do Tổng công ty khoa học công nghiệp Almaz sản xuất dựa trên phiên bản S-300P đầu tiên.

Hệ thống S-300 đã được phát triển để tăng cường khả năng chống lại máy bay và tên lửa hành trình cho Lực lượng Phòng không Xô viết. Các biến thể sau đó được phát triển để đánh chặn cả tên lửa đạn đạo chiến thuật. Tổ hợp tên lửa S-300 được Liên Xô triển khai lần đầu vào năm 1979 nhằm phòng thủ không trung cho các cơ sở công nghiệp và hành chính lớn, các căn cứ quân sự và kiểm soát không phận chống lại máy bay tấn công của đối phương.

Tổ hợp tên lửa S-300 được đánh giá là một trong những hệ thống tên lửa uy lực nhất thế giới

Tổ hợp tên lửa S-300 được đánh giá là một trong những hệ thống tên lửa uy lực nhất thế giới. Ảnh Nationalinterest

S-300 còn có khả năng tiêu diệt các mục tiêu máy bay tàng hình có diện tích bộ lộ radar nhỏ cỡ 0,02 m2, và được coi là một trong những hệ thống tên lửa phòng không mạnh nhất hiện tại, với nhiều thông số vượt trội hơn hệ thống đối thủ của Mỹ là MIM-104 Patriot.

Hệ thống tên lửa S-300 có thể đồng thời theo dõi đến 100 mục tiêu và xử lý được từ 12 đến 36 chiếc trong số đó. Ở những phiên bản S-300PMU1/2 trở về sau, khả năng của radar được tăng cường, theo dõi đến 300 mục tiêu và xử lý cùng lúc tới 72 vật thể bay xâm phạm. Thời gian để triển khai S-300 là 5 phút. Các tên lửa S-300 được đặt trong những ống kim loại kín và không cần bảo trì trong suốt quá trình sử dụng, tờ VnExpress cho hay.

Quy trình hoạt động cơ bản của một tổ hợp tên lửa S-300

Quy trình hoạt động cơ bản của một tổ hợp tên lửa S-300. Ảnh BBC

S-300 có nhiều phiên bản nâng cấp được trang bị những loại tên lửa, radar khác nhau với khả năng chống các phương pháp tấn công điện tử tốt hơn, tầm bắn xa hơn và ứng phó với nhiều tình huống hơn. Hiện có ba biến thể chính gồm: S-300V, S-300P và S-300F. Mỗi biến thể lại chia ra nhiều loại với từng tính năng riêng biệt.

Như báo Thanh Niên đã đưa tin, Bộ Ngoại giao Iran Jaberi Ansari cho hay sau nhiều lần bị trì hoãn, Iran cuối cùng cũng nhận được lô hàng tên lửa phòng không S-300 đầu tiên vào hôm 11/4 vừa qua. Hợp đồng mua 5 tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300 được ký vào năm 2007 tuy nhiên đã bị trì hoãn và được tiếp tục vào năm 2015. Dự kiến việc bàn giao tổ hợp tên lửa S-300 sẽ được hoàn tất vào năm 2016.

Việc bàn giao tổ hợp tên lửa S-300 cho Iran dự kiến sẽ được Nga hoàn tất trong năm 2016

Việc bàn giao tổ hợp tên lửa S-300 cho Iran dự kiến sẽ được Nga hoàn tất trong năm 2016. Ảnh Sputnik

Việc Iran có thể mua lại hệ thống S-300 sẽ là "quân bài thay đổi cuộc chơi đối với tất cả các mẫu chiến đấu cơ thế hệ thứ 4 như F-15, F-16 hay F/A-18", Daily Beast dẫn lời một phi công thuộc đơn vị Thủy quân Lục chiến Mỹ bình luận.

Trước đây, báo VOV đã đăng tải nhận định của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông cho rằng các thông số kỹ thuật của hệ thống S-300 cho thấy hệ thống này hoàn toàn là một vũ khí phòng thủ chứ không mang mục đích tấn công; do vậy hệ thống S-300“sẽ không gây ra bất kỳ mối đe doạ nào đối với an ninh của Israel hay các nước khác ở Trung Đông”.

>> Đã mắt hình ảnh trình diễn chiến đấu cơ hạng nặng của đội ‘Hiệp sĩ Nga’

Quang Minh (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang