Tọa đàm trực tuyến 'Đảm bảo chất lượng dầu nhờn động cơ phù hợp Quy chuẩn QCVN14:2018/BKHCN'

author 09:45 07/10/2020

(VietQ.vn) - Kể từ ngày 15/9/2019, sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường phải áp dụng các quy định của QCVN 14:2018/BKHCN và sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN.

Sự kiện: Giao lưu trực tuyến

Các khách mời tham gia chương trình tọa đàm do Chất lượng Việt Nam tổ chức 

Theo thống kê của Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành dầu nhớt Việt Nam thường ở mức từ 8 – 10%, trong đó hơn một nửa tiêu thụ tại thị trường phía Nam, còn lại là ở phía Bắc và một số ít ở khu vực miền Trung, với mức 90.000 tấn dầu nhớt mỗi năm.

Với sự cạnh tranh gay gắt của hàng chục thương hiệu dầu nhờn trên thị trường, bên cạnh những thương hiệu uy tín vẫn còn xuất hiện không ít sản phẩm không đảm bảo chất lượng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới doanh nghiệp kinh doanh chân chính và người tiêu dùng.

Thời gian vừa qua, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã tiến hành hậu kiểm chất lượng và việc chấp hành quy định về ghi nhãn hàng hóa đối với dầu nhờn nhập khẩu. Qua đó, phát hiện nhiều lô hàng dầu nhờn nhập khẩu vi phạm về chất lượng và nhãn hàng hóa theo yêu cầu của quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Để nhận diện bức tranh thị trường dầu nhờn, giúp người tiêu dùng nhận biết các sản phẩm đảm bảo tiêu chuẩn, nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, đồng thời đề xuất những giải pháp quản lý hiệu quả các sản phẩm này trong thời gian tới, Chất lượng Việt Nam online tổ chức tọa đàm: “Đảm bảo chất lượng dầu nhờn động cơ phù hợp Quy chuẩn QCVN14:2018/BKHCN”.

Chương trình có sự tham gia của các  khách mời:

+ TS. Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng SPHH (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)
+ Ông Nguyễn Tuấn Tú, Trưởng phòng thử nghiệm Xăng-Dầu-Khí (QUATEST 1)
+ Ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Công ty TNHH Alberta Việt Nam
+ Ông Nguyễn Văn Bắc – Giám đốc kinh doanh hãng dầu nhờn EUROLUB - Công ty TNHH Euro Chemical Việt Nam

Chương trình diễn ra lúc 9h30 hôm nay 7/10/2020 và được trực tuyến trên Chất lượng Việt Nam Online - Vietq.vn.

MC: Việt Hà dẫn chương trình

MC Việt Hà: Thưa ông Tuấn, ông có đánh giá như thế nào về bức tranh thị trường dầu nhờn Việt Nam hiện nay? 

TS. Trần Quốc Tuấn: Thị trường dầu nhờn động cơ tại Việt Nam khá phong phú và đa dạng với nhiều loại dầu nhờn với nhiều thương hiệu khác nhau. Khối lượng tiêu thụ ngày một gia tăng do số lương phương tiện ô tô, xe máy ngày càng lớn. Có loại dầu nhờn sản xuất trong nước, có loại nhập khẩu. Từ khi Bộ KH&CN ban hành QCVN 14:2018/BKHCN về dầu nhờn động cơ đã giúp cho minh bạch về chất lượng, nhãn hàng hóa dầu nhờn động cơ. Bên cạnh đa phần các loại dầu nhờn động cơ của các thương hiệu uy tín, đảm bảo chất lượng, vẫn còn hiện tượng dầu nhờn động cơ không phù hợp QCVN trong nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

MC Việt Hà: Là thành viên Ban soạn thảo Quy chuẩn QCVN 14:2018/BKHCN, xin ông chia sẻ lý do sự ra đời của quy chuẩn này, thưa ông Tú?

Ông Nguyễn Tuấn Tú: Như chúng ta đã biết, thị trường dầu nhờn có rất nhiều chủng loại và thương hiệu, việc kiểm soát chất lượng các loại dầu nhờn hoàn toàn thông qua các tiêu chuẩn cơ sở của hãng và phương pháp thử, còn chưa có tiêu chuẩn chung của nhà nước. Theo điều 69, Luật Tiêu chuẩn và kỹ thuật được Quốc hội ban hành và Nghị định 127 của Chính phủ xây dựng một quy chuẩn để thống nhất quản lý dầu nhớt.

Hiện tại Việt Nam là nước đang phát triển với mức tiêu thụ dầu nhớt, dầu nhờn hàng năm khoàng 8 – 10%, càng ngày sẽ càng sử dụng nhiều hơn. Theo ước tính của các chuyên gia, xe máy sử dụng 3-4l/năm, ô tô sử dụng 12-18l/năm, ước tính khoảng 400.000 tấn dầu trong một năm và số lượng này sẽ càng ngày càng tăng trong những năm tiếp theo.

Cũng theo khảo sát thực tế, có đến 50% dầu nhờn không đạt chất lượng theo tiêu chuẩn cơ sở hay tiêu chuẩn phương pháp thử. Khi sử dụng những loại dầu kém chất lượng sẽ dẫn đến hệ quả nghiêm trọng: giảm tuổi thọ của động cơ, quan trọng hơn là gây ra chết máy, hỏng động cơ, dẫn đến tai nạn nguy hiểm cho người điều khiển. Chính vì vậy, mục đích của việc ban hành dầu nhờn, động cơ đốt trong nhằm nâng cao, xây dựng quản lý, nhằm đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, đảm bảo cạnh tranh công bằng cho các cơ sở kinh doanh và nâng cao hiệu quả quản lý của nhà nước và dầu nhờn.

 Ông Trần Quốc Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng SPHH (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) trong chương trình tọa đàm trực tuyến.

MC Việt Hà: Thị trường dầu nhờn đã có thay đổi như thế nào kể từ khi QCVN 14:2018/BKHCN có hiệu lực? Ông có nhận định như thế nào về sự có mặt của quy chuẩn này trong việc minh bạch thị trường, cũng như góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ doanh nghiệp và quyền lợi người tiêu dùng ?

TS. Trần Quốc Tuấn: Trước khi có QCVN 14:2018/BKHCN, việc sản xuất kinh doanh, nhập khẩu dầu nhờn động cơ đốt trong thực hiện đối với sản phẩm hàng hóa nhóm 1. Theo đó, các doanh nghiệp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng và thực hiện theo công bố tiêu chuẩn chất lượng của mình, đưa hàng hóa ra thị trường. Kể từ ngày 15/9/2019, sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế, nhập khẩu, lưu thông trên thị trường phải áp dụng các quy định của QCVN 14:2018/BKHCN và sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN.

Dầu nhờn động cơ đốt trong sản xuất, pha chế trong nước phải thực hiện công bố hợp quy phù hợp với các quy định tại mục 2 của Quy chuẩn kỹ thuật này và phải được gắn dấu hợp quy CR trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường; Dầu nhờn động cơ nhập khẩu phải thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo phương thức hậu kiểm quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ - CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ.

Triển khai áp dụng Quy chuẩn này trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng và trong công tác quản lý nhà nước về chất lượng SPHH đã giúp cho đảm bảo chất lượng dầu nhờn động cơ sản xuất, nhập khẩu và đưa ra lưu thông, sử dụng; giúp minh bạch thị trường, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và quyền lợi người tiêu dùng.

MC Việt Hà: Là doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối các sản phẩm dầu nhờn thông qua hệ thống các đại lý, vấn đề chất lượng được doanh nghiệp quan tâm như thế nào? Doanh nghiệp đã thực hiện biện pháp gì để đảm bảo chất lượng dầu nhờn nhập khẩu, đưa ra lưu thông trên thị trường, thưa ông Bắc?

Ông Nguyễn Văn Bắc: Trước đây, vấn đề sản xuất, kinh doanh và nhập khẩu dầu nhờn rất là dễ dàng, khi mà cũng có những đơn vị quan tâm đến chất lượng nhưng bên cạnh đó cũng có những đơn vị nhập khẩu, sản xuất những loại dầu nhớt kém chất lượng. Có đến 40-50% nhãn hàng không đạt chất lượng những chỉ tiêu. Chính điều này, khiến tôi băn khoăn, trên thị trường có những sản phẩm kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp.

Vừa qua, Bộ KHCN đã xây dựng bộ quy chuẩn quốc gia về dầu nhờn, đây là cơ sở để Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hoá sẽ kiểm tra, giám sát, làm lành mạnh thị trường dầu nhờn.

Là một doanh nghiệp ngay từ ban đầu đã khẳng định là sẽ đi đến hàng chất lượng, cho nên chúng tôi đã chọn đối tác có uy tín như thị trường Đức và khi nhập về Việt Nam chúng tôi rất tự tin về chất lượng. Khi nhập về Việt Nam các mặt hàng đều được kiểm tra, đánh giá lại kết quả và cấp hợp quy khi đó sản phẩm mới được lưu thông trên thị trường.

Với sản phẩm EUROLUB nhập khẩu từ CHLB Đức thì chất lượng chắc chắn sẽ được đảm bảo vì họ áp theo tiêu chuẩn nội địa rất cao.

Đồng thời, chúng tôi cũng làm việc với nhà máy sản xuất về các quy định mới của Việt nam, chúng tôi yêu cầu họ nghiên cứu các quy chuẩn này, đồng thời cam kết sản phẩm phải đảm bảo phù hợp với quy chuẩn này. Đây là việc làm quan trọng, gắn trách nhiệm của nhà máy vào, họ sẽ phải lên kế hoạch quản lí chất lượng tốt hơn.

Bên cạnh đó, với sản phẩm nhập khẩu thì gần như không thể xảy ra tình trạng dầu nhờn kém chất lượng ra thị trường bởi vì, khi sản phẩm về Việt Nam, sẽ được lấy mẫu sau kiểm tra chất lượng, nếu đạt thì đơn vị chứng nhận sẽ ra chứng thư chứng nhận sản phẩm hợp quy, nếu không đạt sẽ không được lưu hành sản phẩm ra thị trường với quy trình này thì rất chặt chẽ.

MC Việt Hà: Thưa ông Tuấn, thời gian qua với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, hoạt động kiểm tra chất lượng dầu nhờn được Cục QLCLSPHH đã triển khai như thế nào trong thời gian qua, xin ông cho biết kết quả?    

TS. Trần Quốc Tuấn: Việc kiểm tra nhà nước về chất lượng dầu nhờn động cơ được thực hiện trong nhập khẩu, trên thị trường và trong sản xuất theo quy định của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Trong thời gian qua, do dịch bệnh Covid- 19 diễn biến phức tạp, việc kiểm tra chất lượng dầu nhờn động cơ nhập khẩu chủ yếu đã được thực hiện theo phương thức điện tử trên cơ chế Một cửa quốc gia và cơ chế hậu kiểm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, qua kiểm tra chất lượng dầu nhờn động cơ nhập khẩu cho thấy tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu dầu nhờn đông cơ đốt trong không phù hợp QCVN có chiều hướng liên tục gia tăng trong thời gian qua. Các doanh nghiệp có lô hàng dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu phát hiện không đạt chất lượng theo QCVN đã bị xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt tính theo giá trị lô hàng theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ CP (Tổng số tiền xử phạt đối với các DN vi phạm tới nay là  trên 2,6 tỷ đồng...). Hành vi nhập khẩu và tiêu thụ dầu nhờn không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật đã gây tổn thất cho chính các doanh nghiệp vi phạm và người tiêu dùng, đặc biệt trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp càng gây khó khăn, phức tạp thêm cho các bên liên quan.

 Ông Nguyễn Tuấn Tú, Trưởng phòng thử nghiệm Xăng-Dầu-Khí (QUATEST 1)

MC Việt Hà: Các vi phạm thường thấy ở những đợt kiểm tra là gì thưa ông Tuấn?    

TS. Trần Quốc Tuấn: Hành vi vi phạm phổ biến doanh nghiệp mắc phải là:

Nhập khẩu dầu nhờn động cơ đốt trong có chất lượng không phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc giaQCVN 14:2018/BKHCN; Các chỉ tiêu vi phạm như độ nhớt động học, hàm lượng cặn, độ tạo bọt,…

Kinh doanh dầu nhờn động cơ có nhãn hàng hóa không đúng quy định (nhãn ghi thiếu nội dung bắt buộc hoặc không có nhãn phụ bằng tiếng Việt,...)

Đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 119/2017/NĐ-CP ngày 01/11/2017 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Đối với vi phạm về chất lượng, mức phạt theo giá trị lô hàng 2-3 lần giá trị lô hàng nhập khẩu đã tiêu thụ và  từ 3-5 lần giá trị lô hàng vi phạm  trong lưu thông. Ngoài ra doanh nghiệp còn phải áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả: Tái xuất, tái chế, tiêu hủy theo quy định của pháp luật.

MC Việt Hà: Các chỉ tiêu: độ nhớt, độ tạo bọt, kiềm tổng, hàm lượng nước… không đảm bảo yêu cầu chất lượng theo quy chuẩn sẽ có tác hại như thế nào đối với động cơ thưa ông Tú?

Ông Nguyễn Tuấn Tú: Như chúng ta đã biết, đối với mỗi chỉ tiêu kỹ thuật của dầu nhờn sẽ có vai trò quan trọng đến chất lượng của dầu nhờn. Nếu không đạt chỉ tiêu sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ của động cơ, cũng như chỉ tiêu độ nhớt đóng vai trò quan trọng nhất. Có vai trò làm mát, bôi trơn, làm kín động cơ. Độ nhớt cũng chính là phẩm cấp của dầu nhớt trong động cơ. Nếu độ nhớt không đạt thì nó sẽ khiến động cơ không chạy trơn tru, tạo nhiều ma sát, động cơ khó nổ trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Làm mất an toàn cho động cơ.

Về xu hướng tạo bọt, đối với mỗi phụ gia trong dầu nhớt đều có xu hướng tạo bọt, chính vì vậy người ta phải cho chất phụ gia giảm xu hướng tạo bọt xuống để kiểm soát không cho dầu tạo quá nhiều bọt. Nếu dầu động cơ có mức tạo bọt cao, sẽ làm có nhiều không khí trong dầu, dẫn đến biến chất dầu, hoặc phụ gia.

Về chỉ số kiềm tổng đóng vai trò quan trọng của dầu nhớt, trong quá trình vận hành sẽ sinh ra các axit tự do, tác dụng của chỉ số kiềm là trung hòa axit không làm ảnh hưởng, mài mòn hay làm hỏng chi tiết trong động cơ.

Hàm lượng nước coi như tạp chất trong dầu, khi có nước sẽ tăng cường các điều kiện oxy hóa gây ăn mòn động cơ, làm nhũ hóa phụ gia, có thể tạo các cặn, kẹt, dẫn đến động cơ hoạt động không trơn tru, làm ảnh hưởng đến tuổi thọ, an toàn của động cơ.

MC Việt Hà: Thưa ông Tú, với mức tiêu thụ dầu nhờn tại thị trường Việt Nam mỗi năm, điều này cũng gây ra sức ép không nhỏ trong vấn về thu hồi, xử lý sản phẩm dầu nhờn thải, trong đó có việc tái chế dầu nhờn để sử dụng cho động cơ. Về mặt kỹ thuật, dầu nhờn tái chế có đảm bảo an toàn cho động cơ hay không?

Ông Nguyễn Tuấn Tú: Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 16, Quy định về việc thu hồi và xử lý các sản phẩm thu hồi trong đó có dầu nhớt. Tất cả các loại dầu nhớt động cơ sau khi sử dụng phải được thu gom, vận chuyển, bảo quản tái chế theo quy định. Việc tái chế dầu nhờn, động cơ cũng phải theo quy định.

Về hiện tại chưa có khảo sát thử nghiệm đánh giá về dầu nhớt động cơ mà được sử dụng từ dầu tái chế. Chính vì vậy, không thể nói là có an toàn hay không. Còn về ý kiến cá nhân thì tôi cho rằng dù tái chế hay không thì dầu nhớt cũng phải phù hợp với quy chuẩn, phù hợp với đặc điểm kĩ thuật trước khi đưa ra thị trường là phải có dán nhãn CR.

MC Việt Hà: Thưa ông Nguyễn Văn Cương, là doanh nghiệp hoạt động có địa bàn hoạt động rộng, Công ty có biện pháp gì để quản lý chất lượng, hạn chế rủi ro về chất lượng trong quá trình nhập khẩu, lưu thông trên thị trường?

Ông Nguyễn Văn Cường: Công ty Alberta đang thực hiện việc quản lý chất lượng, hạn chế rủi ro về chất lượng trong quá trình nhập khẩu và lưu thông trên thị trường và từ nhà sản xuất Texas phải thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm định chất lượng các sản phẩm với các chỉ tiêu theo tiêu chuẩn quốc gia về dầu nhờn động cơ đốt trong QCVN 14 qua 2 phòng thí nghiệm: Test chất lượng hàng hóa tại phòng thí nghiệm của nhà sản xuất Texas ngay khi sản phẩm được sản xuất xong.

Test chất lượng tại cơ quan kiểm tra chất lượng có uy tín tại Singapore như Intertek, CCIC, SGS, Tribocare… Quản lý ngay từ khâu xuất hàng theo số lô, số sierie xuất cho từng khách hàng. Lưu mẫu của các lô hàng nhập khẩu để kiểm tra, đối chiếu, trong các trường hợp cần thiết.

 Ông Nguyễn Văn Cường – Giám đốc Công ty TNHH Alberta Việt Nam đang trả lời câu hỏi của MC đưa ra

MC Việt Hà: Thực tế cho thấy, việc kiểm soát chất lượng từ nhà sản xuất dầu nhờn vẫn còn chưa được chú trọng, dẫn đến việc hàng nhập khẩu vẫn xuất hiện lô hàng không đáp ứng quy chuẩn trong nước. Theo ông, DN cần có những động thái gì để khắc phục tình trạng này, thưa ông Tuấn?

TS. Trần Quốc Tuấn: Để khắc phục tình trạng nhập khẩu dầu nhờn động cơ không đạt chất lượng, DN cần:

- Nắm vững và hiểu biết rõ các quy định của pháp luật về chất lượng hàng hóa, những điều cấm của pháp luật về chất lượng hàng hóa Nắm vững và hiểu biết rõ các quy dịnh của QCVN 1:2018/BKHCN và ssửa đỏi 1:2018 QCVN 1: 2018/BKHCN  bao gồm các yêu cầu về kỹ thuật, quản lý, ghi nhãn, vận chuyển, bảo quản, sửa dụng.

- Có biện pháp phối hợp với đối tác kinh doanh, các cơ quan liên quan để kiểm soát chất lượng đảm bảo theo QCVN  từ trước, trong quá trình nhập khẩu và trước khi đưa ra lưu thông để hạn chế rủi ro về CLHH.

- Tích cực phối hợp cơ quan chức năng  chấp hành và thực hiên nghiêm túc các biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả khi  có sự cố về chất lượng không đảm bảo theo QCVN, để hạn chế tối đa thiệt hại  cho doanh nghiệp, người sử dụng và môi trường. 

MC Việt Hà: Chỉ tiêu thử nghiệm và phương thức đánh giá dầu nhờn động cơ đốt trong theo QCVN 14:2018/BKHCN được thực hiện như thế nào thưa ông Tú?

Ông Nguyễn Tuấn Tú: Đối với phương pháp thử nghiệm, trong quy chuẩn cũng quy định sử dụng chỉ tiêu đó theo phương pháp nào, và phòng thử nghiệm phải tuân thủ đúng theo các quy định phương pháp thử chứ không được làm khác. Khi trả kết quả thử nghiệm chúng tôi trích đúng là xác định chỉ tiêu bằng phương pháp nào, và kết quả như nào. Căn cứ trên chuẩn quy định như vậy, bên tổ chức đánh giá sự phù hợp mới có căn cứ để  kết luận là sản phẩm đó có phù hợp quy định quy chuẩn hay không?

MC Việt Hà: Dầu nhờn kém chất lượng có những rủi ro như thế nào đối với động cơ, ông có khuyến cáo gì đối với người tiêu dùng để chọn lựa những thương hiệu, sản phẩm đạt chuẩn?

Ông Nguyễn Tuấn Tú: Khi người tiêu dùng muốn lựa chọn loại dầu nào cho phù hợp thì nên tìm hiểu xe của mình trong catalog người ta hướng dẫn dầu động cơ của xe mình dùng loại nào. Xe máy thì dùng động cơ cho xăng, xe ô tô có 2 loại là động cơ cho máy xăng hoặc máy dầu. Ví dụ trong catalog người ta khuyến cáo xe nên sử dụng loại SG hay SF thì mình chọn đúng loại cho phù hợp. Hay xe máy dầu thì dùng loại CN, CE, CD, chọn theo catalog đúng loại người ta khuyên dùng để có thể lựa chọn loại dầu cho phù hợp. Bởi vì dù dầu tốt, chuẩn nhưng không đúng chủng loại cũng sẽ phản tác dụng.

MC Việt Hà: Làm thế nào để phân biệt dầu nhờn có đạt chuẩn hay không và người tiêu dùng muốn biết dầu nhờn đảm bảo chất lượng có phù hợp với xe hay không cần căn cứ vào những yếu tố nào? Câu hỏi này xin dành cho cả 2 đại diện từ doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Cường: Để phân biệt dầu nhờn có đạt chuẩn bằng cảm quan thì rất khó khăn, ví dụ như bên doanh nghiệp Alberta để giới thiệu sản phẩm với khách hàng có chất lượng hay không, cần có đầy đủ chứng nhận chứng chỉ, kiểm tra bằng cách tra cứu trên trang tiêu chuẩn API.

Ông Nguyễn Văn Bắc: Theo tôi, dầu nhờn tốt là dầu đáp ứng đầy đủ các chức năng cơ bản của dầu nhờn, ngoài ra còn có các tính năng riêng biệt để phù hợp với nhu cầu sử dụng của các loại thiết bị, máy móc khác nhau.

Các phép thử theo các tiêu chuẩn quốc tế ASTM, ISO để xác định giá trị các chỉ tiêu của dầu nhờn như: độ nhớt, chỉ số độ nhớt, hàm lượng kiềm tổng, nhiệt độ chớp cháy, điểm rót chảy … là các phương pháp, chỉ tiêu để đánh giá dầu có tốt, phù hợp với nhu cầu sử dụng của từng loại thiết bị khác nhau.

Dựa vào thử nghiệm thực tế trên các thiết bị, máy móc tại hiện trường sau một thời gian sử dụng thì đánh giá tình trạng thiết bị, mức tiêu hao nhiên liệu, nhiệt độ hoạt động … để đánh giá xem mức độ phù hợp với thiết bị máy móc

Theo tôi, tiêu chuẩn chất lượng để lựa chọn dầu nhờn, về Cấp hiệu năng API (American Petroleum Institute) do hiệp hội dầu khí hoa kỳ dùng để phân loại chất lượng dầu nhờn dùng cho động cơ xăng hay Diesel (API SA, SB… SN dùng cho động cơ xăng, API CA, AB … CK dùng cho động cơ Diesel); Về Cấp độ nhớt SAE (chữ viết tắt của Society of Automotive Engineers). Độ nhớt phân ra làm 2 loại: đơn cấp và đa cấp. Đơn cấp: SAE 40, SAE 50 (dầu mùa hè), 0W, 5W, 10W (dầu mùa đông). Đa cấp: SAE 10W30, 15W40 và 20W50

Về dầu gốc, tùy điều kiện vận hành của phương tiện để chọn lựa dầu gốc phù hợp đảm bảo cho phương tiện hoạt động an toàn hiệu quả cũng như chi phí hợp lý. Trong đó, dầu gốc khoáng thu được từ quá trình lọc dầu; Dầu gốc tổng hợp thu được từ quá trình tổng hợp hóa học và dầu bán tổng hợp là sự pha trộn giữa hai loại dầu gốc trên. Các căn cứ khác: Loại xe, tuổi thọ xe, tình trạng kỹ thuật, nhiên liệu sử dụng.

Tới đây, khi có bộ quy chế mới của Việt Nam thì trên thị trường sẽ có nhiều sản phẩm dầu nhờn đạt chất lượng.

MC Việt Hà: Là cơ quan quản lý chất lượng dầu nhờn, Tổng cục đã có những khuyến cáo gì đối với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, người tiêu dùng về tình trạng dầu nhờn kém chất lượng như kết quả kiểm tra thời gian vừa qua?

Ngày 8/9/2020 Tổng cục TCĐLCL đã có Công văn số 2932/TĐC-QLCL về cảnh báo dầu nhờn động cơ đốt trong nhập khẩu không phù hợp Quy chuẩn quốc gia. Theo đó, khuyến cáo đối với các doanh nghiệp nhập khẩu dầu nhờn động cơ đốt trong:

- Thông báo cho nhà sản xuất sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong tại nước ngoài biết quy định quản lý của Việt Nam hiện nay thực hiện theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 14:2018/BKHCN và Sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN.

- Yêu cầu nhà sản xuất sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong tại nước ngoài cần có biện pháp kiểm soát chất lượng sản phẩm này theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia của Việt Nam (QCVN 14:2018/BKHCN và Sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCN) nếu muốn xuất khẩu sản phẩm dầu nhờn động cơ đốt trong vàothị trường Việt Nam.

- Có biện pháp kiểm soát chất lượng dầu nhờn động cơ đốt trong của nhà sản xuất nước ngoài theo QCVN 14:2018/BKHCN và Sửa đổi 1:2018 QCVN 14:2018/BKHCNtrước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

- Quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất trong việc bồi thường thiệt hại cho người nhập khẩu (người bán hàng) hoặc người tiêu dùng khi hàng hóa gây thiệt hại do lỗi của nhà sản xuất không bảo đảm chất lượng hàng hóa theo quy định tại Mục 2 Chương V LuậtChất lượng sản phẩm, hàng hóa.

- Đối với người tiêu dùng khi mua và sử dụng dầu nhờn động cơ đốt trong lưu ý: Mua, sử dụng những sản phẩm hàng hóa đã được chứng nhận hợp quy, gắn dấu hợp quy CR và có nhãn ghi rõ ràng, đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định của pháp luật như tên hàng hóa, tên địa chỉ tổ chức cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa, xuất xứ hàng hóa, đặc tính kỹ thuật,thể tích/ khối lượng, hướng dẫn sử dụng,bảo quản,thông tin cảnh báo.

MC Việt Hà: Ở góc độ doanh nghiệp, ông Bắc có nhận định như thế nào vai trò của doanh nghiệp trong việc hướng đến thị trường minh bạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

Ông Nguyễn Văn Bắc: Vai trò của doanh nghiệp, theo tôi đầu tiên, doanh nghiệp kinh doanh dầu nhờn cần nhận ra đây là cơ hội, cơ hội cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đúng đắn, coi trọng chất lượng và có định hướng rõ ràng về sản phẩm.

Đồng thời, mỗi doanh nghiệp cần phải xác định rõ vị trí của mình trên thị trường bởi thị trường sẽ lành mạnh hơn, minh bạch hơn và chặt chẽ hơn. Nếu nhận ra được đây là cơ hội thì cần phải hợp thực hiện hai việc: Một là, nâng cao năng lực sản xuất, đầu tư vào chất lượng sản phẩm; Hai là, hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan quản lí, góp phần làm cho thị trường lành mạnh hơn, minh bạch hơn.

MC Việt Hà: Việc thực hiện kiểm tra nhà nước chất lượng dầu nhờn nhập khẩu trên 1 cửa quốc gia có thuận lợi hay vướng mắc gì trong quá trình thực hiện? Câu hỏi này xin dành cho cả ông Bắc và ông Cường.

Ông Nguyễn Văn Bắc – Giám đốc kinh doanh hãng dầu nhờn EUROLUB - Công ty TNHH Euro Chemical Việt Nam 

Ông Nguyễn Văn Bắc: Về chủ trương, ở góc độ doanh nghiệp, chúng tôi ủng hộ các cơ quan quản lí nhà nước về vấn đề này. Về mặt thủ tục, các cơ quan nhà nước đã hết sức tạo điều kiện cho doanh nghiệp, doanh nghiệp chỉ cần thực hiện khai báo, nộp kết quả trên bộ phận 1 cửa quốc gia, không phải đi lại... Tuy nhiên, tôi đề nghị các cơ quan quản lí nhà nước nên tổ chức buổi hướng dẫn thực hiện thủ tục cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu và kinh doanh dầu nhờn để họ nắm được quy trình và các điểm lưu ý trong vấn đề này để rút ngắn thời gian xử lí hồ sơ, tránh hồ sơ bị sai xót, nhầm lẫn...

MC Việt Hà: Còn theo ông Cường thì sao?

Ông Nguyễn Văn Cường: Để hướng đến thị trường minh bạch, đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ở góc độ là một doanh nghiệp kinh doanh dầu nhờn, Công ty TNHH Alberta Việt Nam luôn luôn đặt mục tiêu chất lượng là trên hết và để đảm bảo được được điều đó,ngay từ đầu doanh nghiệp yêu cầu Nhà sản xuất phải luôn cam kết đảm bảo việc sản xuất tuân thủ theo đúng quy chuẩn quốc tế và Việt Nam.

Hiện tại việc đăng ký kiểm tra chất lượng dầu nhờn nhập khẩu trên 1 cửa quốc gia không có vướng mắc gì trong quá trình thực hiện. Đề xuất cơ quan quản lý thực hiện kiểm soát chặn chẽ, đồng bộ, triệt để để bảo vệ tài sản của người tiêu dùng cũng như tạo ra môi trường cạnh tranh minh bạch, lành mạnh.

Ngoài ra, đề xuất cơ quan quản lý nhà nước ban hành hướng dẫn thực hiện chi tiết và linh hoạt hơn để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể hiểu rõ và thực hiện theo.

MC Việt Hà: Đại diện cho doanh nghiệp ông Bắc và ông Cường có đề xuất gì với cơ quan quản lý trong công tác quản lý cũng như hỗ trợ doanh nghiệp về hoạt động xuất nhập khẩu trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn rất khó khăn như hiện nay?

Ông Nguyễn Văn Bắc: Hiện nay, doanh nghiệp của chúng tôi cũng không gặp khó khăn khi có những cơ chế, chính sách mới. Chúng tôi chỉ cần đủ những tiêu chuẩn về cấp chất lượng để được thông quan hàng hóa và lưu thông trên thị trường, việc này chúng tôi nhận thấy đây là thế mạnh của chúng tôi.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mong muốn có cơ hội được cập nhật, học hỏi về các thủ tục và những lưu ý cần thiết khi đưa hàng về Việt Nam để phân phối.

Ông Nguyễn Văn Cường: Thời gian qua, tôi nhận thấy cơ quan quản lý Nhà nước đã thực hiện việc đăng kí online, việc này rất thuận lợi, thay vì phải xuống tận nơi để đăng kí chứng từ hải quan, hiện nay đã cắt bỏ việc này.

Chúng tôi nhận thấy các tổ chức kiểm định trong nước và ở nhiều nước rất uy tín, vì vậy rất mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước xem xét hình thức thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp, từ các tổ chức uy tín nước ngoài, để các doanh nghiệp nhập khẩu trong nước được thuận lợi trong việc rút ngắn thời gian, làm thủ tục thông quan.

 Các khách mời tham gia chương trình chụp ảnh lưu niệm

MC Việt Hà: Thưa quý vị và các bạn!               

Đảm bảo chất lượng dầu nhờn động cơ theo QCVN 14:2018/BKHCN trước hết là trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng này, đồng thời cũng là trách nhiệm cơ quan quản lý trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường. Sự chung tay của doanh nghiệp và cơ quan quản lý trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ góp phần đảm bảo chất lượng hàng hóa trong hoạt động nhập khẩu, sản xuất, kinh doanh, pha chế dầu nhờn động cơ, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín và nghiêm túc; giúp thị trường về dầu nhờn động cơ hoạt động và vận hành theo đúng các quy định của phap luật, đảm bảo chất lượng, tăng hiệu suất của động cơ cũng như góp phần bảo vệ môi trường, an toàn, sức khỏe cho con người.

Một lần nữa, xin cảm ơn các vị khách mời đã nhận lời tham gia chương trình.

Xin cảm ơn sự chú ý theo dõi của quý vị và các bạn.

Xin chào và hẹn gặp lại!

Nhóm Phóng viên

Tọa đàm 'Thúc đẩy phong trào năng suất, nâng cao chất lượng doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số'(VietQ.vn) - Nâng cao năng suất chất lượng trên nền tảng chuyển đổi số đang được xem là chìa khóa mang lại nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Nội dung này sẽ được các khách mời chia sẻ tại tọa đàm "Thúc đẩy phong trào năng suất, nâng cao chất lượng doanh nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi số” diễn ra vào ngày 2/10.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang