Chuyên gia giải đáp về tiêu chuẩn kỹ thuật với phát triển đô thị thông minh

author 07:22 24/12/2018

(VietQ.vn) - Sáng nay (24/12), Chất lượng Việt Nam online tổ chức Tọa đàm trực tuyến "Tiêu chuẩn kỹ thuật - nền tảng phát triển đô thị thông minh bền vững".

Sự kiện: Giao lưu trực tuyến

Các khách mời tham gia chương trình tọa đàm trực tuyến do Chất lượng Việt Nam online tổ chức

Trong những năm gần đây, trước sức ép phát triển, quá trình đô thị hóa và đòi hỏi khách quan về quản lý đô thị trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khái niệm đô thị thông minh ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều địa phương chủ động lập kế hoạch, đề án xây dựng.

Tuy nhiên, việc xây dựng đô thị thông minh hiện đang được các địa phương triển khai không thống nhất, còn nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Sự cần thiết phải có một bộ tiêu chuẩn khung giúp định hướng xây dựng và vận hành đô thị thông minh, làm cơ sở cho các nhà quản lý trong hoạch định các chính sách và kế hoạch thực hiện xây dựng đô thị thông minh đồng thời là nền tảng để các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp có thể phối hợp trong việc triển khai xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn trong từng lĩnh vực cụ thể nhằm xây dựng thành công đô thị thông minh tại Việt Nam.

Để cung cấp thông tin về bộ tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh do Bộ KH&CN xây dựng đồng thời chia sẻ những giải pháp từ phía doanh nghiệp phục vụ cho phát triển đô thị thông minh; Chia sẻ những kinh nghiệm triển khai mô hình đô thị thông minh từ địa phương điển hình…, Chất lượng Việt Nam online tổ chức chương trình Tọa đàm trực tuyến: “Tiêu chuẩn kỹ thuật - Nền tảng phát triển đô thị thông minh bền vững”.

Tham dự chương trình có những khách mời:

- Ông Nguyễn Văn Khôi – Quyền Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

- Ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông

- Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng CNTT, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh

- MC Việt Hà dẫn chương trình

MC: Đầu tiên xin dành cho đại diện Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, ông Nguyễn Văn Khôi – Quyền Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn, đô thị thông minh được hiểu là đô thị như thế nào? Triển vọng nào cho Việt Nam khi phát triển đô thị thông minh, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Khôi – Quyền Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng

Dưới góc độ về tiêu chuẩn chất lượng, khái niệm về đô thị thông minh là một khái niệm mở. Hiện tại, có tới hàng trăm cách định nghĩa, khái niệm về đô thị thông minh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của tổ chức tiêu chuẩn hóa, khái niệm đô thị thông minh phải được xác định trên các khía cạnh công trình ứng dụng các công nghệ mới, công nghệ cao, các sản phẩm, ứng dụng giúp nâng cao năng suất, cải thiện môi trường, tạo thuận lợi cho phát triển đô thị văn minh.

Trọng tâm của việc đô thị thông minh phải hướng vào việc thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của con người, con người phải là trung tâm. Đô thị thông minh với toàn bộ những hệ thống cấu thành phải đáp ứng tiêu chí giúp con người sống thuận lợi  hơn, thoải mái hơn.

MC: Là địa phương điển hình trong việc phát triển đô thị thông minh hiệu quả, ông Nguyễn Tiến Sỹ có thể giới thiệu về mô hình đô thị thông minh được triển khai tại Quảng Ninh như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng CNTT, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh:

Xây dựng thành phố thông minh là xu thế chung của thế giới, trong đó có Việt Nam. Tỉnh Quảng Ninh cũng đang bắt tay xây dựng đô thị thông minh.

Đề án phát triển đô thị thông minh ở Quảng Ninh được triển khai trong giai đoạn 2017-2020. Đề án đó tập trung lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng an ninh, xây dựng Hạ Long thành thành phố thông minh… bao gồm 6 lĩnh vực, 32 nhiệm vụ và chương trình đề án khác nhau.

Trong năm 2018, chúng tôi đã phê duyệt được 10 chương trình đề án, năm 2019-2020, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình.

Ông Nguyễn Văn Khôi – Quyền Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn trong chương trình giao lưu trực tuyến

MC: Hiện nay ở nhiều nước trên thế giới, chiếu sáng thông minh cũng đóng một vai trò quan trọng trong đô thị thông minh, xin được hỏi lãnh đạo Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông, ông nhìn nhận như thế nào về vai trò của chiếu sáng thông minh trong việc mang lại hiệu quả về kinh tế, môi trường?

Ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông

Trên Thế giới có rất nhiều định nghĩa về đô thị thông minh. Nhưng định nghĩa được mọi người đánh giá và thừa nhận toàn diện nhất đó là khái niệm đô thị thông minh bền vững của Liên minh Viễn thông quốc tế và Ủy ban kinh tế Châu Âu của Liên Hiệp Quốc. Bởi vì, họ gắn những công nghệ thông minh để thực hiện cho một mục tiêu đó là thành phố phát triển bền vững.

Trên tư tưởng như vậy, người ta lấy 6 tiêu chí để đánh giá đô thị thông minh:

- Thành phố phải có kinh tế thông minh, vận động thông minh, giao thông và cơ sở hạ tầng thông minh.

- Cư dân thông minh

- Môi trường thông minh

- Quản lý đô thị môi trường thông minh

- Chất lượng cuộc sống của người dân tốt và thông minh.

Nhiều nước trên Thế giới, chiếu sáng thông minh đóng vai trò quan trọng trong đô thị thông minh vì chiếu sáng kéo dài thời gian hoạt động của đô thị, học tập và sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ và nhất là du lịch, đóng góp cho phát triển kinh tế. Chiếu sáng thay đổi bộ mặt đô thị.

Cuối cùng, tăng tính hấp dẫn của đô thị và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Ánh sáng còn được coi là yếu tố cấu thành chất lượng cuộc sống và là một yếu tố của môi trường. Cũng như môi trường bụi, môi trường tiếng ồn, môi trường chất độc hại trong đô thị. Nếu môi trường ánh sáng ô nhiễm sẽ gây ra bệnh tật, tai nạn giao thông cho con người. Nếu ánh sáng tốt, tiện nghi sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, năng cao hưng phấn, tiếp thu tri thức và tác động đến cảm xúc và sức khỏe con người. Và quan trọng hơn, nếu trong đô thị sử dụng những nguồn sáng tiết kiệm năng lượng như sản phẩm LED thì nó sẽ giảm tiêu thụ điện năng. Đây đang là vấn đề rất cấp bách của đất nước.

Năm 2019 chúng ta sẽ thiếu điện và năm 2020 có thể thiếu điện trầm trọng hơn, tiêu thụ năng lượng ở thành phố chiếm tới 80% tiêu thụ tổng năng lượng điện và đóng góp vào 80% GDP và trong đây chiếu sang tiêu tốn khoảng 30% tổng năng lượng điện quốc gia. Cho nên, chúng ta tiết kiệm được điện trong chiếu sáng thì chính là làm cho hiệu quả kinh tế phát triển. Nếu đầu tư thiết bị chiếu sáng LED thì chi phí ấy chỉ bằng 1 phần 10 của chi phí để đầu tư năng lực phát điện của hệ thống điện và năng lực truyền dẫn điện.

Ngoài ra, đã dùng LED rồi mà lại đưa chiếu sáng thông minh vào thì không những giảm năng lượng điện mà còn giảm tiếp tục hơn nữa từ khoảng 40 – 60% so với hệ thống điện đã dùng LED. Vì vậy, chiếu sáng thông minh rất quan trọng trong đô thị thông minh.

MC: Thưa ông Sỹ, sau khi triển khai mô hình đô thị thông minh, Quảng Ninh đã có những kết quả như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng CNTT, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh:

Chúng tôi mới bắt tay triển khai đô thị thông minh, trong đó một số lĩnh vực đã được triển khai và mới triển khai xong với một số kết quả như sau: Trong lĩnh vực y tế, chúng tôi đã xây dựng 3 bệnh viện thông minh. Hiệu quả được nâng cao trong công tác phục vụ khám chữa bệnh. Người dân tiết kiệm chi phí, thời gian đăng kí khám chữa bệnh. Toàn bộ quy trình trước dùng bệnh án thủ công thì hiện nay triển khai thành công mô hình bệnh án điện tử. Toàn bộ quy trình từ khám xét nghiệm, tra kết quả điều trị bằng điện tử, đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến.

Trong lĩnh vực giáo dục, chúng tôi đã triển khai 46 trường học với trên 550 trường học tiên tiến và thông minh. Công tác giảng dậy và học tập của giáo viên học sinh trực quan, sinh động giúp các em nắm bắt bài học nhanh, sinh động Trong lĩnh vực môi trường chúng tôi lắp đặt gần 100 trạm quan trắc môi trường. Nhu cầu minh bạch thông tin cao có thể cung cấp thông tin ô nhiễm như ô nhiễm môi trường, nguồn nước, không khí của các doanh nghiệp, đồng hành cùng tỉnh Quảng Ninh trong phát triển kinh tế xã hội.

Trong lĩnh vực du lịch, chúng tôi triển khai hệ thống wifi miễn phí với 109 điểm, trong đó triển khai wifi thông minh, đánh giá được nhều tiêu chí phát triển du lịch, xu hướng tiêu dùng của khách du lịch… Thời gian tới chúng tôi sẽ có nhiều ứng dụng trên nền tảng này hơn.

 Ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông

MC: Để phát triển đô thị thông minh, trong thời gian qua Việt Nam đã có những chính sách gì để thúc đẩy các hoạt động này thưa ông Khôi?

Ông Nguyễn Văn Khôi – Quyền Vụ trưởng Vụ Tiêu chuẩn - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng:

Việc giải quyết những vấn đề tồn tại xung quanh việc triển khai, thực hiện các kế hoạch xây dựng các đô thị thông minh là một nhu cầu tất yếu.

Như chúng ta đã biết, cứ qua mỗi năm, số lượng dân cư đổ về sinh sống, làm việc ở các đô thị ngày càng tăng cao. Từ đó dẫn đến sự quá tải của các hệ thống đô thị trên cả nước. Những vấn đề như ô nhiễm môi trường, ác tắc giao thông, an toàn thực phẩm … cũng diễn biến phức tạp và ngày càng tạo ra những thách thức lớn đối với sự phát triển bền vững của đô thị, ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân. Do đó, việc nghiên cứu giải pháp nhằm xây dựng đô thị thông minh là một yêu cầu tất yếu để giải quyết các thách thức trên.

Tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều tỉnh thành cũng đã bắt đầu xây dựng cho riêng mình những đề án phát triển đô thị thông minh dựa trên những điều kiện kinh tế-xã hội riêng biệt của từng tỉnh thành, từng vùng.

Vấn đề đặt ra cho các cơ quan Nhà nước là phải xây dựng một tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn mang tính nền tảng về đô thị thông minh để từ đó, các tỉnh thành trong cả nước có thể vận dụng để xây dựng đô thị thông minh phù hợp với điều kiện của địa phương, đồng thời đảm bảo sự đồng bộ, hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển hiện đại.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 16/CT-TTg về việc nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Gần đây, vào tháng 8/2018, Thủ tướng cũng đã có Quyết định 950 phê duyệt đề án phát triển đô thị thông minh, bền vững giai đoạn 2018-2025 và định hướng đến năm 2030. Trong các Chỉ thị và Quyết định này, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành có liên quan trong việc đẩy mạnh tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng như việc xây dựng triển khai các kế hoạch, đề án về đô thị thông minh.

Đối với việc thực hiện các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ KH&CN mà trực tiếp là Tổng cục TCĐLCL đã có nhiều hoạt động nhằm phối hợp với các bộ ngành liên quan để xây dựng một bộ tiêu chuẩn làm nền tảng định hướng cho quá trình xây dựng, phát triển đô thị thông minh.

Trên tinh thần đó, Bộ KH&CN, Tổng cục TCĐLCL cũng đã có những tham vấn, chia sẻ, hướng dẫn cho các bộ ngành liên quan trong việc xây dựng đô thị thông minh theo một tiêu chuẩn chung, tránh trường hợp tốn kém, lãng phí khi xây dựng các đô thị thông minh tại các địa phương trong cả nước.

MC: Thực tiễn ở Quảng Ninh, khi bệnh viện, trường học, môi trường, chiếu sáng đô thị … trở nên thông minh hơn thì hiệu quả mang lại so với trước cụ thể như thế nào?

Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng CNTT, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh:

Chúng tôi muốn tập trung vào chiếu sáng thông minh. TP. Hạ Long đã thay trên 2.000 bóng đèn từ công nghệ cũ sang công nghệ thông minh và 1 năm tiết kiệm trên 2 tỉ tiền điện chiếu sáng.

Trong lĩnh vực giáo dục, hiệu quả mang lại là sự hài lòng cũng như sự ham thích học hỏi của học sinh tăng nhiều. Nếu như trước đây học sinh đến trường ít có phản hồi lại nhưng khi học trên môi trường thông minh, các em đã có tương tác tốt, phản hồi tốt là “chúng em thích học”.

Đối với lĩnh vực y tế, sự hài lòng của người dân tăng cao, chất lượng khám chữa bệnh cũng tăng, giảm nhiều thời gian, chi phí công tác quản lý, khám chữa bệnh của người dân.

Với lĩnh vực môi trường, người dân thu lại được lợi ích là công khai minh bạch thông tin, có hệ thống giám sát môi trường; các công ty tiết giảm vấn đề xả thải ra môi trường khi có hệ thống quan trắc. Từ đó, môi trường sống của người dân sống sẽ tốt hơn. Đó là hiệu quả trực quan nhất. Dự án thành công đi sâu hơn, chúng tôi sẽ có đánh giá thêm.

MC: Lĩnh vực chiếu sáng là thế mạnh của Rạng Đông, xin ông cho biết hiện nay để tham gia phục vụ phát triển đô thị thông minh thì Rạng Đông có những giải pháp gì?

Ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông

Trong xây dựng đô thị thông minh đối với tất cả đô thị trên thế giới họ bắt đầu với những khâu mở đầu khác nhau, với những giai đoạn khác nhau tùy theo tình hình kinh tế - xã hội, trình độ phát triển của đô thị ấy. Khi thực hiện đô thị thông minh thì từng đô thị một chọn lĩnh vực nào để smart hóa trước tiên. Đó là vẫn đề cần phải giải quyết.

Theo thống kê có khoảng 40% đô thị bắt đầu từ xây dựng Chính phủ thông minh, Chính phủ điện tử. Mà ở Việt Nam, hầu như ở tất cả các tỉnh đang tiến hành xây dựng đô thị minh. Có khoảng độ 27% đô thị thông minh người ta bắt đầu đưa smart công nghệ thông minh vào quản lý năng lượng thông minh ở trong thành phố và còn lại là giao thông thông minh, hệ thống phân phối và điều kiện nguồn nước thông minh.

Trong những lĩnh vực mà có thể đưa đô thị thông minh vào thì phổ biến hiện nay là xây dựng Chính phủ điện tử đang là chủ trương rất lớn và tiến hành trong toàn quốc ở Việt Nam.

Thứ hai, xây dựng các tòa nhà thông minh trong các đô thị thông minh. Bởi vì, đô thị thông minh là ý tưởng mở rộng của Bill Gates, ông ấy xây dựng ngôi nhà thông minh của ông ấy, ông ấy đầu tư một điều kiện tiện nghi sống ở gia đình của ông ấy. Và từ ngôi nhà thông minh của Bill Gates người ta mở rộng ra khái niệm đô thị thông minh và tạo những tiện ích cho tất cả cư dân ở trong đô thị thông minh ấy.

Thứ ba, hạ tầng thông minh cũng phải đầu tư công nghệ thông minh, giao thông thông minh, dịch vụ y tế, giáo dục thông minh, ngân hàng thông minh và kết nối hoạt động thương mại ngân hàng là những lịch vực phải thực hiện trong đô thị thông minh. Công ty Rạng Đông chúng tôi chọn chiếu sáng thông minh trong ngôi nhà thông minh, chiếu sáng giao thông, chiếu sáng đường phố thông minh để tham gia chương trình đô thị hóa thông minh của đất nước. Và có một điểm thuận lợi, khi chúng ta giải quyết chiếu sáng thông minh trong đô thị thông minh là trong tất cả thành phố có những hệ thống, cột đèn chiếu sáng công cộng. Những hệ thống này phân bố đều đặn và dải trong toàn bộ thành phố. Ở trên những cột đèn đó, người ta lắp những cảm biến, những camera như là ở Quảng Ninh đang áp dụng thì nó tạo thành một hệ thống cảm biến cả một thành phố.

Như ở Singapore, họ có hệ thống cảm biến quốc gia. Ở đó, họ lắp những cảm biến, những camera, những tín hiệu là cơ sở. Vì vậy mà chiếu sáng thông minh có vai trò quan trọng trong đô thị thông minh. Và chúng ta hãy khởi đầu đô thị thông minh bằng chiếu sáng thông minh trong những ngôi nhà và hệ thống chiếu sáng công cộng.

 Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng CNTT, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh

MC: Trong quá trình triển khai Quảng Ninh có gặp những khó khăn gì không thưa ông Sỹ?

 Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng CNTT, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh:

Trong quá trình triển khai thành phố thông minh chúng tôi có gặp 1 số khó khăn khi Quảng Ninh là tỉnh triển khai trước và sớm. Hiện, chúng tôi chưa có mô hình cho đô thị thông minh và thành phố thông minh tại Việt Nam, đồng thời chúng tôi chưa có tiêu chuẩn thế nào là một đô thị thông minh. Ví dụ trong lĩnh vực y tế, giáo dục, công nghệ đầu tư. Nói y tế thông minh nhưng thế nào là thông minh và đạt được thông minh? thì chưa có tiêu chuẩn để đánh giá. Nếu có tiêu chuẩn áp dụng vào thực tế, tỉnh Quảng Ninh xây dựng sẽ dễ dàng và mang hiệu quả hơn. Một số quy định khi chúng ta chuyển và đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào vẫn vướng một số bất cập, quy định mà chúng ta chưa theo kịp. Ví dụ, ID của người dân chưa có cơ sở dữ liệu, chưa có quy định. Ví dụ ID bệnh án điện tử chưa có quy định. Trong quá trình triển khai, nhiều lĩnh vực khác chúng tôi cũng vướng một số bất cập.

MC: Lợi thế về công nghệ là điểm mấu chốt để có những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên công nghệ LED hiện nay được rất nhiều các doanh nghiệp đưa vào sản xuất, với Rạng Đông có điểm gì khác biệt?

Ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông:

Cũng như tất cả các thời đại khác, các sản phẩm khác, đầu tiên, chất lượng sản phẩm muốn phát triển, muốn mở rộng, vì thế Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, trong đó Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) là địa chỉ cổ vũ cho những sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Đặc biệt, từ đầu thế kỉ 21, một cuộc cách mạng mới về nguồn sáng là sự phát triển của sản phẩm chiếu sáng rắn và LED phát triển mạnh. Để phục vụ cho yêu cầu ấy, chúng tôi đã thành lập một trung tâm R&D để chuyên phục vụ cho sự phát triển của sản phẩm LED. Cho đến nay, phát triển sản phẩm công nghệ LED của Việt Nam và Rạng Đông là nòng cốt đã cung cấp cho thị trường một tỷ lệ rất lớn những sản phẩm LED ổn định và chúng ta đã giảm dần sản phẩm đèn LED nhập khẩu. Thế nhưng, trong thời kì CMCN4.0 chúng ta phải tiến thêm một bước nữa.

Trong 10 năm vừa qua, Rạng Đông chúng tôi chuyển tầng công nghệ từ chiếu sáng là bóng điện trong môi trường áp suất thấp sang công nghệ chiếu sáng bán dẫn. Hiện nay, một bước chuyển tầng công nghệ nữa từ công nghệ phóng điện, công nghệ điện tử phát sáng bán dẫn chuyển lên một bước phát triển nền tảng công nghệ thông tin và trung tâm R&D chiếu sáng đảm nhận thêm một nhiệm vụ nữa là tập hợp tất cả những tri thức để đưa chiếu sáng thông minh và chiếu sáng thông minh vì sức khỏe con người vào thành một mục tiêu phát triển kịp thời cho đô thị thông minh.

Ở từng ngôi nhà một, chúng tôi đã có những giải pháp thông minh để phục vụ cho tiện nghi của con người. Và đặc biệt, chiếu sáng vì sức khỏe con người trong sản xuất đèn LED thì lượng ánh sáng Blue phải đảm bảo lượng mức độ nhất định và nếu quá sẽ gây ra những bệnh tật về mắt và một điều quan trọng nữa là hàng triệu năm nay, cơ thể con người, tiến hóa theo môi trường nguồn ánh sáng tự nhiên.

Chỉ vài trăm năm gần đây, công nghiệp hóa khiến con người hoạt động nhiều trong không gian kín và cơ thể con người hoạt động trong môi trường ánh sáng ở trong không gian kín khác với môi trường ánh sáng tự nhiên. Và trong chương trình KHCN chiếu sáng vì sức khoẻ con người chúng tôi đang kết hợp những công nghệ Smart, kết hợp điều kiện cường độ, điều khiển phổ, màu của ánh sáng để làm thế nào con người trong hàng chục tiếng sống ở trong không gian kín vẫn được tiếp xúc với nhịp ánh sáng tự nhiên ngoài trời và nhịp sinh học của con người theo được nhiệt độ tự nhiên ấy và bệnh tật sẽ giảm đi, sức khỏe sẽ tăng lên. Đấy là điều khác biệt của Rạng Đông.

Ngoài ra, để theo kịp xu hướng này, Rạng Đông – thành viên của Liên minh Chiếu sáng rắn quốc tế đã cập nhật tất cả những thành tựu về chiếu sáng thông minh, chiếu sáng vì sức khỏe con người để đưa nền chiếu sáng công nghệ của Việt Nam tiến kịp với thế giới. Và chuẩn hóa đô thị thông minh, tiêu chuẩn hóa chiếu sáng thông minh.

 Ông Trần Văn Dư - Tổng Biên tập (ngoài cùng bên phải) tặng hoa các khách mời tham gia chương trình tọa đàm trực tuyến

MC: Thưa ông Sĩ, ông có đề xuất gì để việc phát triển đô thị thông minh tại địa phương được thuận lợi và hiệu quả?

Ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng CNTT, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Quảng Ninh:

Như tôi chia sẻ, để Quảng Ninh hay các tỉnh, thành phố trong cả nước thuận lợi xây dựng thành phố thông minh, trước hết chúng ta phải xây dựng và ban hành được khung kiến trúc về đô thị thông minh để làm căn cứ, cơ sở cho các tỉnh không phải Quảng Ninh, các tỉnh có thể bám căn cứ vào đó chúng xây dựng các đề án, dự án đô thị thông minh được nhanh gọn, thuận lợi.

Thứ 2, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng sớm ban hành những tiêu chuẩn về các lĩnh vực như y tế, giáo dục; và bộ tiêu chuẩn khung. Từ đó các địa phương chúng tôi căn cứ vào điều kiện thực trạng của đơn vị, chúng tôi xây dựng nên những chương trình, dự án, đề án, dự án phù hợp với thực tiễn để triển khai sớm và nhanh đô thị thông minh.

Thứ 3, các bộ ngành khi đưa công nghệ thông minh vào ứng dụng điện tử hóa và chuyển đổi số thì sớm tháo dỡ khó khăn trong quy định pháp lý về ứng dụng công nghệ thông tin, quản lý, lưu trữ điện tử. Như vậy, các lĩnh vực đó chúng tôi đưa công nghệ thông tin vào mới thuận lợi được.

Thứ 4, việc xây dựng đô thị thông minh không phải 1 đơn vị, địa phương hay cá nhân hay công ty, doanh nghiệp nào có thể thực hiện được mà nói đòi hỏi sự cộng tác, chung tay của rất nhiều đơn vị đặc biệt trong cả công tác truyền thông cho người dân và doanh nghiệp cùng tham gia. Người dân và doanh nghiệp đối với chúng tôi là trung tâm. Người dân vừa là đơn vị độc lập cũng là người tương tác cung cấp ngược lại các thông tin bổ ích để chúng tôi xây dựng thành phố thông minh.

Như vậy, cần có sự chung tay đóng góp của rất nhiều cơ quan ban ngành, đơn vị, tổ chức.

MC: Với các giải pháp chiếu sáng LED và các ứng dụng chiếu sáng mới cùng năng lực công nghệ và kinh nghiệm tích lũy trong nhiều năm trong ngành chiếu sáng. Ông có gợi mở như thế nào để cho các địa phương áp dụng công nghệ chiếu sáng để phát triển đô thị thông minh một cách hiệu quả?

Ông Nguyễn Đoàn Thăng – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn phích nước Rạng Đông:

Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra rất mạnh mẽ và trong quá trình đô thị hóa như vậy chúng ta phải bắt đầu từ xây dựng các đô thị thông minh ngay từ bây giờ. Đặc biệt là trong thời kì CMCN 4.0 nó sẽ thay đổi trong xã hội số hóa, kinh tế số hóa và hành vi con người cũng thay đổi rất nhiều. Việc quan trọng nhất là chúng ta phải có hoạch định một lộ trình xây dựng đô thị thông minh ở Việt Nam để có bước triển khai thích hợp. Không vì cấp bách, không vì vội vã mà chúng ta không xây dựng những hoạch định, nền tảng và chúng ta làm theo kiểu phong trào bởi vì hậu quả sẽ rất lớn.

Để thực hiện hoạch định này, việc quan trọng nhất chúng ta phải sớm ra đời được tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh. Nhưng không chỉ có tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh mà Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng phải xúc tiến việc xây dựng những tiêu chuẩn kĩ thuật của những cấu phần hệ thông đô thị thông minh. Phải làm được như vậy thì những lĩnh vực mà từng thành phố một thực hiện đô thị thông minh sẽ không vênh nhau, sẽ kết nối được với nhau và thực hiện đô thị thông minh là một quá trình dài và rất nhiều lĩnh vực. Không thể làm lĩnh vực này rồi thực hiện lĩnh vực sau thì không sử dụng được hệ thống cũ lại phải thay đổi và gây ra những thiệt hại kinh tế rất lớn.

Chúng tôi rất mong Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng sớm đưa ra thảo luận tiêu chuẩn khung về đô thị thông minh, về tiêu chuẩn kĩ thuật cho những cấu phần của hệ thống thông minh và Rạng Đông xin sẵn sàng là nơi thử nghiệm để trình diễn những bộ tiêu chuẩn như vậy trước khi ban hành chính thức thành tiêu chuẩn Nhà nước.

Xin cảm ơn các khách mời đã tham gia chương trình tọa đàm, xin cảm ơn độc giả đã theo dõi chương trình của chúng tôi!

Tọa đàm trực tuyến kết thúc lúc 11 giờ 15 phút.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang