Toàn bộ vật liệu hạt nhân của Việt Nam sử dụng cho mục đích hòa bình

author 14:48 02/11/2016

(VietQ.vn) - Chuyên gia IAEA kết luận, không chỉ những nhiên liệu mà toàn bộ các vật liệu hạt nhân của Việt Nam đều sử dụng cho mục đích hoà bình.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Ngày 2/11/2016, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, Thứ trưởng Phạm Công Tạc đã tiếp ông Gary Dyck, Trưởng phòng Thanh sát OA, Vụ Thanh sát, IAEA làm trưởng đoàn và các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)

Thứ trưởng Phạm Công Tạc tiếp và làm việc với đoàn chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) 

Tại buổi tiếp đón, Thứ trưởng Phạm Công Tạc bày tỏ sự biết ơn về vai trò của IAEA trong việc giúp đỡ Việt Nam. Đồng thời nhấn mạnh cam kết của Việt Nam trong việc sử dụng vật liệu hạt nhân vì mục đích hoà bình và đề nghị IAEA tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực này.

“Trong công tác thanh sát thì quan điểm của Chính Phủ cũng như Bộ KH&CN đều ủng hộ. Cơ quan đầu mối là Cục An toàn bức xạ hạt nhân (ATBXHN) đã có các phối hợp chặt chẽ với IAEA. Chúng tôi rất biết ơn IAEA đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều, đối với một nước đang phát triển như Việt Nam thì sự hỗ trợ này đặc biệt mang một ý nghĩa quan trọng” - Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu.

Về phía IAEA, ông Gary Dyck - Trưởng phòng Thanh sát OA, Vụ Thanh sát, IAEA cho rằng, trong lĩnh vực thanh sát, vũ khí hạt nhân ở Việt Nam đang đi đến một giai đoạn mới.

“Chúng ta đã đạt được kết luận cuối cùng, không chỉ những nhiên liệu mà toàn bộ các vật liệu hạt nhân của Việt Nam đều sử dụng cho mục đích hoà bình. Chúng tôi khẳng định việc triển khai thanh sát ở Việt Nam rất là tốt, đặc biệt là nhờ sự phối hợp từ các chuyên gia phía Việt Nam”. Ông Gary Dyck cho biết.

Đồng thời, đại diện phía IAEA cũng khẳng định sẽ luôn sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam trong hoạt động thanh sát và phát triển các chương trình điện hạt nhân.

“Chúng tôi luôn sẵn sàng hợp tác trong việc phát triển năng lượng nguyên tử ở Việt Nam. Chúng tôi muốn nói sự phát triển của Việt Nam là phát triển bằng nội lực và minh chứng là các bạn đã có các nhà khoa học ở tầm thế giới” - ”. Ông Gary Dyck nhấn mạnh.

 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cùng trao đổi với các chuyên giá IAEA về các vấn đề thanh sát ở Việt Nam

Tại buổi tiếp đoàn IAEA, tiến sĩ Nguyễn Nữ Hoài Vi - Trưởng phòng An ninh và Thanh sát hạt nhân - Cục ATBXHN có đề xuất mong nhận được sự hỗ trợ của IAEA về các vấn đề liên quan đến thực hiện thanh sát ở Việt Nam, đặc biệt là xây dựng hệ thống kế toán và kiểm sát vật liệu hạt nhân.

Kết thúc buổi trao đổi, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc cho biết, Việt Nam sẽ luôn luôn hợp tác chặt chẽ với cơ quan thanh sát. “Chúng tôi hiểu giá trị hoà bình và chúng tôi sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hoà bình là điều đương nhiên” - Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhấn mạnh.

Hiện nay, Việt Nam đã thực hiện Hiệp định Thanh sát với IAEA từ năm 1989 và Nghị định thư bổ sung từ năm 2012. Tháng 5/2015, IAEA đã có “Kết luận mở rộng” về hoạt động hạt nhân tại Việt Nam.

Theo Hiệp định Thanh sát, IAEA thực hiện thanh sát đối với Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt một năm một lần. Riêng đối với các cơ sở có lượng nhỏ vật liệu hạt nhân như Viện Công nghệ Xạ Hiếm, Viện Khoa học và Kỹ thuật hạt nhân, IAEA thực hiện thanh sát 4 năm một lần. Ngoài việc thanh sát của IAEA, hàng năm Việt Nam còn phải gửi báo cáo kế toán vật liệu hạt nhân cho IAEA theo mẫu quy định (khoảng 6 báo cáo một năm).

Từ tháng 9/2012, sau khi Nghị định thư bổ sung được phê chuẩn, hàng năm ta còn phải gửi các khai báo theo yêu cầu của Nghị định thư và chuyên gia thanh sát của IAEA vào thực hiện tiếp cận bổ sung (chỉ được báo trước 24 tiếng).

Hiện, IAEA thực hiện thanh sát hạt nhân đối với khoảng 180 quốc gia trên thế giới. Hàng năm, trên cơ sở thực hiện thanh sát tại chỗ, tiếp nhận các báo cáo kế toán vật liệu hạt nhân theo Hiệp định Thanh sát cũng như khai báo theo Nghị định thư bổ sung và thu thập thông tin từ các nguồn công khai, IAEA thực hiện đánh giá về chương trình hạt nhân của từng quốc gia, lập thành Báo cáo thực hiện thanh sát trình lên Hội đồng Thống đốc IAEA (thường là vào tháng 5 hàng năm).

Nguy cơ của các nhà máy điện hạt nhân Trung Quốc đặt gần Việt Nam(VietQ.vn) - Gần đây, Trung Quốc gỡ bỏ lệnh cấm xây dựng nhà máy điện hạt nhân, đồng thời cho xây dựng hàng loạt nhà máy điện hạt nhân dọc duyên hải phía Nam.

Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang