Tội phạm ăn cắp tiền qua thẻ tín dụng hình thành đường dây xuyên quốc gia

author 14:54 28/09/2012

Không chỉ dừng ở việc đem khoan, đục cậy "kho tiền" là các cây ATM hay lấy cắp thông tin cá nhân rồi làm thẻ giả để rút tiền ngân hàng. Hiện nay, tại Hà Nội và một số thành phố lớn đã xuất hiện bọn tội phạm xuyên quốc gia sử dụng công nghệ cao để lấy tiền trong tài khoản cá nhân gửi ở các ngân hàng trong và ngoài nước thông qua việc mua các mặt hàng giá trị bằng hình thức thanh toán qua thẻ tín dụng.

 

Lắp camera, gắn chíp lấy trộm thông tin cá nhân
 
Chỉ sau vài giờ nhập cảnh vào Việt Nam, tênWu Wen Tsung đã cùng đồng bọn đem đồ nghề đến một số cây ATM được lắp đặt trên các tuyến phố chính để "hành nghề". Các đối tượng lắp camera để đọc trộm mật mã cá nhân, gắn chíp để lấy cắp thông tin trong tài khoản. Và sau đó ít giờ, khi quay lại các cây ATM này, các đối tượng này đã thu được kha khá những thông tin "cần và đủ".
 
Trở về phòng khách sạn mới thuê ở phố Nguyễn Thị Định (Hà Nội), chúng dùng đầu in thẻ, phôi thẻ ATM ra để làm thẻ giả. Sau khi có trong tay những thẻ ATM giả, chúng ung dung đến các cây ATM để thực hiện giao dịch rút tiền. Không may cho chúng là trong số thẻ ATM làm giả, có 2 thẻ bị cây ATM nuốt. Từ những thẻ ATM nuốt được này, hệ thống giám sát an ninh hoạt động thẻ của một ngân hàng đã phát hiện dấu hiệu bất thường.
Wu Wen Tsung.
Wu Wen Tsung.
 
Sau khi nhận được tín hiệu của hệ thống giám sát an ninh hoạt động thẻ, ngân hàng này đã kiểm tra toàn bộ cây ATM. Tại cây ATM trên đường Trường Chinh, bộ phận này phát hiện 2 thẻ ATM giả. Thông tin này lập tức được báo cho Phòng Bảo vệ an ninh tài chính tiền tệ và đầu tư, Công an TP Hà Nội.
 
Đơn vị này đã triển khai các biện pháp nghiệp vụ và lúc 5h30' ngày 29/8, các trinh sát phát hiện một thanh niên có dấu hiệu bất thường khi đến một cây ATM. Ập vào kiểm tra, trinh sát bắt quả tang đối tượng đang tháo thiết bị ăn cắp thông tin cá nhân gắn vào trước đó. Đồng thời, thu giữ tang vật là camera, chíp.
 
Kiểm tra người đối tượng, các trinh sát thu 9 thẻ tín dụng của một số ngân hàng, trong đó có cả thẻ của ngân hàng nước ngoài; 3 điện thoại di động; một hộ chiếu; 1 sổ thông hành; 2 giấy phép lái xe do Đài Loan cấp. Tiếp đó, cán bộ điều tra khám xét nơi đối tượng đang tạm trú và thu: 1 đầu in thẻ; nhiều đề can lô gô các ngân hàng; 1 máy khoan; các hộp sơn, xì, giáp, phôi thẻ ATM.
 
Tại cơ quan Công an, Tống còn khai hắn có một đồng bọn đã bỏ trốn. Ngày 30/8, cơ quan điều tra đã khởi tố Tống về tội danh thu thập bí mật Nhà nước.
 
Ngày 1/9, Công an Hà Nội phối hợp với Cục Chống tội phạm công nghệ cao làm rõ hành vi làm giả thẻ ATM của Đinh Văn Long và đồng bọn. Sau khi ăn cắp thông tin, bọn chúng đã làm thẻ giả và rút tiền giống như với trường hợp đã nêu ở trên.
 
Hành vi lấy cắp thông tin cá nhân, làm giả thẻ ATM, rút tiền ngân hàng của tên Tống và đồng bọn không mới. Trước đó, Công an TP Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác đã làm rõ hành vi phạm tội của một số đối tượng. Do hạn định mỗi lần rút không quá 2 triệu nên số tiền mà bọn tội phạm rút ra mỗi lần chỉ dừng lại con số nhất định và phải thực hiện trong nhiều lần. Tuy nhiên, hành vi này đã làm ảnh hưởng đến vấn đề bảo mật, an toàn trong giao dịch thẻ và gây thiệt hại cho chủ sở hữu.
 
Ăn cắp tiền trong tài khoản cá nhân ở phạm vi toàn thế giới
 
Không bị hạn định ở mức không quá 2 triệu đồng/lần rút tiền, các đối tượng sử dụng công nghệ cao để ăn cắp tiền trong tài khoản cá nhân thông qua việc mua hàng đắt tiền (vàng bạc, kim cương, đồ điện tử...) có thể "quẹt" mỗi lần hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói là chủ nhân của các tài khoản này có thể ở bất kỳ quốc gia nào.
 
Nói về loại tội phạm này, đồng chí Lê Minh An, Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao, Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội cho biết: Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng thường vào các trang điện tử rao bán thông tin thẻ tín dụng của hacker mũ đen. Sau đó, chúng sản xuất thẻ tín dụng giả và dùng thẻ này để mua các mặt hàng có giá trị cao tại các cửa hàng thanh toán bằng thẻ. Sau đó, chúng sẽ bán số hàng đã mua được hoặc chuyển số hàng về nước. Nếu bán số hàng vừa mua được, chúng sẽ chuyển sang ngoại tệ rồi... rút quân. Với các đối tượng trong nước, chúng cũng có những hình thức biến hàng hóa thành tiền thật rất tinh vi.
 
Mặc dù về cơ bản, bọn tội phạm này đều áp dụng cách trên để thực hiện hành vi phạm tội, song tùy từng trường hợp, chúng có thể áp dụng các phương thức khác nhau. Đối tượng Nguyễn Văn Cầm và đồng bọn sau khi có thông tin thẻ tín dụng đã làm thẻ giả. Chúng dùng thẻ giả vào việc mua bán vé máy bay trực tuyến. Do các hãng hàng không quy định, trước khi lên máy bay phải xác nhận thông tin mua bán vé thông qua việc xác nhận giấy chứng minh nhân dân nên bọn chúng còn làm cả chứng minh nhân dân giả. Kết quả điều tra cho thấy, thông qua hình thức này, Cầm và đồng bọn đã sử dụng thẻ giả để mua 1 tỷ đồng vé máy bay qua hình thức trực tuyến.
 
Với các đối tượng người nước ngoài, sau khi có thông tin thẻ tín dụng, các đối tượng người nước ngoài sản xuất thẻ giả tại nước mình rồi mang vào Việt Nam hoặc mang phôi thẻ giả sang Việt Nam sản xuất. Chúng dùng thẻ giả mua hàng giá trị lớn, rồi bán số hàng này thành tiền và đổi ra ngoại tệ chuyển về nước. Làm thế nào để các cửa hàng thanh toán qua thẻ phát hiện bị thanh toán bằng thẻ giả?
Các phương tiện sử dụng trong đường dây sử xài thẻ tín dụng giả
Các phương tiện sử dụng trong đường dây sử xài thẻ tín dụng giả
 
Đồng chí An cho rằng, các đối tượng thường chia thành hai nhóm. Một nhóm vào mua hàng, một nhóm đợi bên ngoài. Sau khi mua, chúng đưa cho đồng bọn bên ngoài mang đi. Nếu chủ cửa hàng phát hiện yêu cầu kiểm tra thì trong người đối tượng mua hàng sẽ không còn thẻ và hàng nữa. Do không nắm trong thẻ tín dụng có số dư bao nhiêu nên khi thanh toán, có khi đối tượng phải rút ra vài thẻ. Đây là dấu hiệu bất thường để người bán hàng phát hiện đối tượng phạm tội.
 
Đội Phòng chống tội phạm công nghệ cao từng tham gia đấu tranh một vụ việc mà ngân hàng M. phát hiện dấu hiệu bất thường. Ngân hàng này phát hiện tại một điểm thanh toán bằng thẻ tín dụng chỉ trong một thời gian ngắn thanh toán hàng chục tỷ đồng. Cập nhật thông tin trong hệ thống liên ngân hàng quốc tế, ngân hàng này biết chủ tài khoản ở nước ngoài và chưa từng đến Việt Nam.
 
Sự việc sau đó đã được làm rõ, đối tượng tội phạm quốc tế đến Việt Nam, thành lập công ty và đăng ký với ngân hàng giao dịch mua bán qua tài khoản. Sau đó, chúng tự thực hiện các giao dịch mua bán rồi gom hóa đơn đến ngân hàng lấy tiền thật. Theo đồng chí An, đây là hình thức tinh vi. Để thực hiện được, trước đó các đối tượng phải sang Việt Nam nắm tình hình, câu kết với người trong nước.
 
Để thực hiện hành vi phạm tội, các đối tượng tội phạm quốc tế không chỉ mua thông tin tài khoản cá nhân của hacker mũ đen, đến Việt Nam nắm tình hình trước, câu kết với tội phạm trong nước mà còn phải kỳ công trong cả việc viết chữ ký giả. Sau khi có thẻ giả, cả bọn ngồi tập ký cùng một chữ ký sao cho giống nhau để khi đối chiếu với chữ ký ở hóa đơn thanh toán, các cửa hàng không phát hiện dấu hiệu bất ngờ. Hoặc là với mỗi thẻ sau khi thực hiện xong giao dịch mua bán, chúng cất vào chỗ riêng rồi đánh dấu giá trị số hàng mua được.
 
Có thể, chúng làm việc này để về báo công với ông chủ ở nước ngoài. Thông thường, ông chủ sẽ trích cho chúng từ 10-15% giá trị số hàng mà chúng mua được. Việc bọn tội phạm hay tập trung ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vì dễ trà trộn vào khách du lịch, có nhiều địa điểm bán hàng lớn. Qua theo dõi, các đối tượng thường thực hiện hành vi phạm tội vào cuối tuần.
 
Đây là loại tội phạm công nghệ cao, thủ đoạn tinh vi nên tính chất phức tạp và việc đấu tranh gặp nhiều khó khăn. Để bảo vệ mình, chủ tài khoản nên đăng ký dịch vụ mobil banking để biết những thay đổi trong tài khoản, khi bấm mật mã cá nhân nên lấy tay che. Còn ngân hàng thường xuyên kiểm tra, nếu phát hiện thấy tài khoản có nhiều giao dịch không thành công thì nên đặt dấu hiệu nghi vấn.
 
Theo Công an nhân dân

 

 
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang