Tóm gọn xe ô tô vận chuyển 730 khẩu súng đồ chơi bạo lực không rõ nguồn gốc

author 10:56 04/05/2019

(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng Thanh Hóa vừa phát hiện xe ô tô vận chuyển 730 khẩu súng đồ chơi bạo lực thuộc hàng cấm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vừa qua, khi xe ô tô mang biển kiểm soát 51R-07648 do đối tượng Nguyễn Văn Thiệt trú tại phường Phú Thọ Hoà, quận Tân Phú, TP.HCM điều khiển đang lưu thông qua địa bàn xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia thì bị lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) và Cảnh sát giao thông tỉnh Thanh Hoá kiểm tra.

730 khẩu súng đồ chơi bạo lực thuộc hàng cấm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Ảnh: ĐVCC. 

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên xe vận chuyển 730 khẩu súng đồ chơi bạo lực thuộc hàng cấm nhập lậu không rõ nguồn gốc xuất xứ. Số súng đồ chơi nói trên đã được lực lượng chức năng thuộc Đội QLTT số 9, Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa kiểm đếm, bàn giao cho cơ quan chức năng tiến hành xử lý theo quy định hiện hành. Hiện, vụ việc đang được cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Liên quan đến vấn đề chất lượng đồ chơi trẻ em, trước đó, Chất lượng Việt Nam Online (VietQ.vn) đã có cuộc trao đổi với ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng sản phẩm hàng hoá (QLCLSPHH) - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng.

Ông Tuấn cho biết, đồ chơi trẻ em là mặt hàng thiết yếu của trẻ nhỏ. Đây là mặt hàng thuộc danh mục hàng hóa nhóm 2 (hàng hóa có khả năng gây mất an toàn) do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý, các yếu tố an toàn của đồ chơi trẻ em đã được quy định đầy đủ, chặt chẽ trong các văn bản, quy chuẩn kỹ thuật. Và theo Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, đồ chơi trẻ em trong sản xuất, lưu thông, nhập khẩu và sử dụng đều phải được kiểm tra, chứng nhận hợp quy.

Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay, bên cạnh những đồ chơi phù hợp quy chuẩn, đảm bảo chất lượng vẫn còn những loại đồ chơi mang tính bạo lực, không an toàn cho trẻ. Đây là vấn đề các bậc phụ huynh cần quan tâm. Qua những đợt kiểm tra, thanh tra trước đây, các đồ chơi không đảm bảo chủ yếu có xuất xứ từ Trung quốc, thông qua các con đường nhập khẩu tiểu ngạch để vào Việt Nam. Những sản phẩm đồ chơi này được sản xuất đa dạng, phù hợp với tâm lý và nhu cầu trẻ em, giá thành rẻ (do nhập khẩu tiểu ngạch, nhập lậu không chịu thuế, không mất các chi phí kiểm tra, chứng nhận hợp quy…), do vậy các đồ chơi này cũng là một trong những lựa chọn của phụ huynh, trẻ nhỏ.

Ông Tuấn cho hay, thời gian tới, Cục QLCLSPHH sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan làm tốt công tác kiểm soát chất lượng, các quy định về nhãn hàng hóa, nguồn gốc đồ chơi trẻ em tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, phân phối trên cả nước, góp phần hạn chế việc phát tán, sử dụng đồ chơi có nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người. 

Bên cạnh đó, đề nghị ngành Giáo dục tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền sâu rộng về tác hại của đồ chơi trẻ em không có nhãn hàng hóa, không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không có dấu hợp quy cũng như không được chứng nhận và công bố hợp quy của sản phẩm đến giáo viên, phụ huynh và học sinh tại các cấp học, đặc biệt là ở cấp tiểu học và mầm non - nhóm lứa tuổi tiếp xúc thường xuyên với đồ chơi để biết cách lựa chọn hàng hóa an toàn, đảm bảo sức khỏe. 

Phát hiện 5,5 tấn bánh kẹo và đồ chơi trẻ em không có chứng nhận kiểm định chất lượng sản phẩm(VietQ.vn) - Lực lượng chức năng TP. Hà Nội vừa phát hiện và tạm giữ khoảng 5,5 tấn bánh kẹo và đồ chơi trẻ em không rõ nguồn gốc xuất xứ đang trên đường vận chuyển đi tiêu thụ.

Phương Mai

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang