Bộ Công Thương xác minh thông tin vụ 20.000 USD xin giấy phép xuất khẩu gạo

authorĐỗ Thu Thoan 09:23 24/02/2017

(VietQ.vn) - Chiều 23-2, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã chỉ đạo thành lập Đoàn xác minh làm rõ thông tin việc doanh nghiệp phải tốn 20.000 USD để có giấy phép xuất khẩu gạo.

Cụ thể, chiều 23/2, Bộ trưởng Công Thương đã chỉ đạo Thanh tra Bộ thành lập đoàn do Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dẫn đầu, làm việc với các đơn vị, tổ chức và cá nhân liên quan nhằm xác minh thông tin trên do ông Ngô Văn Nam - Tổng giám đốc Công ty TNHH ADC chia sẻ tại tọa đàm ‘Định hướng về đề xuất sửa đổi Nghị định 109 về kinh doanh xuất khẩu gạo’ diễn ra mới đây tại TP HCM, thông tin trên Vnexpress cho biết.

ton-20000-usd-xin-giay-phep-xuat-khau-gao-bo-cong-thuong-xac-minh

Bộ Công Thương xác minh thông tin xin giấy phép xuất khẩu gạo tốn 20.000 USD - Ảnh minh họa

Tại buổi tọa đàm, ông Nam đề xuất bãi bỏ Nghị định 109 vì cho rằng những điều kiện được quy định đã lỗi thời, gây lãng phí và khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo. Người đứng đầu công ty này cho biết, mỗi lần xin giấy phép xuất khẩu gạo thì công ty phải chi vài chục nghìn USD. Tuy nhiên, khi ban tổ chức đặt vấn đề khoản tiền này sử dụng vào từng công việc cụ thể nào và cho ai thì ông Nam không tiết lộ ‘vì lý do nhạy cảm’.

Trước đó, theo Vnexpress, đầu tháng 1/2017, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng ký quyết định bỏ quy hoạch thương nhân xuất khẩu gạo và thành lập nhóm soạn thảo Nghị định sửa đổi bổ sung một số điều về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo để báo cáo Chính phủ trong quý II. Đây được xem là hành động cấp thiết trong bối cảnh xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn, sức cạnh tranh yếu, sản lượng sụt giảm...

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Dân trí thông tin, kể từ cuối thập kỷ 80 đến nay, ngành lúa gạo của Việt Nam đã phát triển liên tục theo định hướng gia tăng sản lượng giúp Việt Nam liên tục là một trong ba nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Vấn đề đặt ra hiện nay là sản lượng lúa tăng nhưng cải thiện thu nhập của người nông dân không tăng.

Tuy nhiên, việc quá chú trọng đến tăng sản lượng dẫn đến chất lượng gạo xuất khẩu không cao, thị trường xuất khẩu tập trung ở phân đoạn thấp, kém đa dạng và đặc biệt đang tập trung vào thị trường Trung Quốc. Khi những thị trường xuất khẩu này gặp khó khăn, lập tức tạo sức ép giảm giá lên thị trường nội địa, gây thiệt hại đặc biệt cho người nông dân.

Năm 2016, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã không đạt được mục tiêu đề ra. Giá trị và lượng xuất khẩu mặt hàng này giảm khá mạnh so với cùng kỳ. Chiều đi xuống vẫn là xu thế ám ảnh đối với hạt gạo của Việt Nam.

Đỗ Thu Thoan (t/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang