Tôn vinh đỉnh cao chất lượng và doanh nghiệp Việt ở quốc tế

author 16:32 25/11/2016

(VietQ.vn) - Ngày 21/11, Tổ chức Chất lượng Châu Á – Thái Bình Dương (APQO) vinh danh 3 doanh nghiệp Việt Nam đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương (GPEA) năm 2016.

Sự kiện: Chào mừng GIẢI THƯỞNG CHẤT LƯỢNG QUỐC GIA

Điều này khẳng định, đẳng cấp chất lượng của doanh nghiệp Việt tiếp tục được tổ chức quốc tế về chất lượng hàng đầu ở thế giới - APQO đánh giá cao, ghi nhận.

Vinh danh chất lượng Việt

Thêm 3 doanh nghiệp Việt Nam vừa được tổ chức APQO vinh danh, điều này đồng nghĩa, đã có 40 doanh nghiệp Việt Nam được tổ chức này đánh giá và trao giải thưởng.

Thông thường, như mọi kỳ trao thưởng, tổ chức APQO sẽ phân loại các doanh nghiệp để trao giải ở các hạng mục như giải: World Class Award cho loại hình Dịch vụ lớn; Best in Class Award cho loại hình sản xuất lớn và Quest for Excellence Award cho loại hình Sản xuất nhỏ.

Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương trao Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương 2015 cho 3 doanh nghiệp

 Ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương trao Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương 2015 cho 3 doanh nghiệp

Năm 2016 này, 3 doanh nghiệp Việt Nam được APQO vinh danh gồm: Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 – Cienco 4 (Hà Nội), đạt World Class Award cho loại hình Dịch vụ lớn; Công ty Cổ phần Thiết bị Điện – Thibidi (Đồng Nai) đạt Best in Class Award cho loại hình sản xuất lớn; Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng – LADOPHAR (Lâm Đồng) đạt Quest for Excellence Award cho loại hình Sản xuất nhỏ.

Qua tìm hiểu được biết, GPEA là giải thưởng danh giá mà các công ty lớn ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương đều hướng tới và mong muốn đạt được. Điều này không hề dễ dàng đối với các doanh nghiệp bởi lẽ các tiêu chí đề cử tham gia rất khắt khe. Các tiêu chí xét duyệt giải thưởng đều áp dụng theo các tiêu chí của Mô hình Giải thưởng Chất lượng Quốc gia Hoa Kỳ (Malcolm Baldrige). Việc đánh giá, chấm điểm phải do các chuyên gia kinh tế, kỹ thuật hàng đầu châu Á và thế giới thực hiện.

Đặc biệt, để dự giải GPEA, các doanh nghiệp phải được nhận giải Vàng Chất lượng Quốc gia ở nước sở tại trong vòng 2 năm gần nhất và phải do cơ quan Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) đề cử.

Trong khi đó, các doanh nghiệp muốn được nhận GTCLQG phải trải qua các quy trình và tiêu chí xét giải rất khắt khe được thực hiện từ địa phương lên đến hội đồng ở cấp Trung ương. Nhiều doanh nghiệp chỉ vì bị phạt do ô nhiễm môi trường hoặc có vướng mắc nhỏ về chất lượng sản phẩm hàng hóa cũng sẽ bị xem xét và loại bỏ khỏi danh sách đề xuất trao giải.

Trong lần Họp hội đồng GTCLQG diễn ra vào cuối tháng 10/2016 vừa qua, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh – Chủ tịch Hội đồng Quốc gia GTCLQG  khẳng định, thời gian qua GTCLQG đã khẳng định uy tín trong cộng đồng doanh nghiệp, giải thưởng hướng đến việc thúc đẩy phong trào năng suất chất lượng; tăng cường khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường. GTCLQG được đánh giá là giải thưởng duy nhất của Việt Nam và là giải thưởng đầu tiên về chất lượng hội nhập được với GTCLQG của các nước tiên tiến trên thế giới.

Để thuận tiện cho doanh nghiệp dự xét giải ở trong nước và quốc tế, có sự tham gia của các Bộ, ngành, Thứ trưởng Trần Việt Thanh cho biết, hiện Bộ KH&CN đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định về GTCLQG. Trong đó có những điểm mới như sẽ thành lập Hội đồng sơ tuyển tại các bộ, ban, ngành, vì thời gian qua các doanh nghiệp trực thuộc bộ, ban, ngành biết đến và tham gia giải thưởng còn rất ít.

Cũng tại phiên họp vào dịp đó, nhận định của các thành viên Hội đồng giải thưởng cho thấy, càng có nhiều doanh nghiệp tham gia và được trao giải, càng thể hiện diện mạo năng suất, chất lượng của doanh nghiệp, của sản phẩm hàng hóa và dịch vụ Việt Nam đang trên đà phát triển.

Nỗ lực vươn lên khẳng định mình

Trong một lần trả lời câu hỏi của PV, ông Phạm Ngọc Bích, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thiết bị điện (THIBIDI) đã cho biết, vì sao doanh nghiệp này đến được với đỉnh cao chất lượng và được tôn vinh tại lễ trao giải thưởng của Tổ chức APQO.

Ông Bích cho biết, kể từ đầu năm 2000, THIBIDI đã đạt được chứng nhận về hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001 do tổ chức chứng nhận quốc tế BUREAU VERITAS – Anh Quốc và Trung tâm Chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn Quacert– Việt Nam cấp. Phòng thử nghiệm máy biến áp của THIBIDI được VILAS công nhận phù hợp theo tiêu chuẩn ISO/IEC-17025. Sản phẩm máy biến áp của THIBIDI được sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), tiêu chuẩn Quốc tế (IEC) và đạt tiêu chuẩn sản phẩm tiết kiệm năng lượng TCVN 8525.

Nhờ không ngừng cải tiến, đầu tư công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, mức tăng trưởng bình quân của công ty luôn đạt trên 20%/năm. Chỉ tính riêng năm 2015, công ty đạt doanh thu hơn 2 ngàn tỷ với hơn 45% thị phần được xuất khẩu sang thị trường ngoài nước.

Ban tổ chức Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương 2016 (GPEA 2016) trao giải thưởng cho ông Phan Ngọc Thảo - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Điện – Thibidi (Đồng Nai) nhận giải thưởng Best in Class Award với loại hình sản xuất lớn.

 Ban tổ chức Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương 2016 (GPEA 2016) trao giải thưởng cho ông Phan Ngọc Thảo - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thiết bị Điện – Thibidi (Đồng Nai) nhận giải thưởng Best in Class Award với loại hình sản xuất lớn.

Với những nỗ lực của mình, THIBIDI đã được tặng nhiều giải thưởng cao quý của lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Đặc biệt là nhiều lần ghi danh vào danh sách các doanh nghiệp đạt GTCLQG do Thủ tướng Chính phủ ký quyết định trao tặng. Đây chính là tiền đề để doanh nghiệp được giới thiệu và đề cử với tổ chức APQO, trao giải thưởng cho loại hình sản xuất lớn vừa diễn ra vào ngày 21/11 vừa qua.

Cũng giống như THIBIDI, Công ty Cổ phần Dược Lâm Đồng – LADOPHAR  cũng nhiều năm liền tham gia và đạt GTCLQG. Theo lãnh đạo LADOPHAR, tham dự vào GTCLQG, các doanh nghiệp trên toàn quốc nói chung và Lâm Đồng nói riêng có điều kiện học hỏi, đánh giá và cải tiến một cách toàn diện từ các hoạt động quản lý cho đến chất lượng sản phẩm… Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp có chất lượng sản phẩm tốt quảng bá thương hiệu sản phẩm, nâng cao vị thế các sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam, tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh và hội nhập trên thị trường trong nước và quốc tế. Đặc biệt là xây dựng văn hoá, phong trào thi đua đạt năng suất, chất lượng trong tổ chức, doanh nghiệp nhằm đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước.

Còn theo Lãnh đạo Cienco 4 – một doanh nghiệp cũng đạt giải GPEA năm nay, cho biết, sự ổn định và phát triển bền vững của doanh nghiệp được khởi nguồn từ những chính sách và bước đi có định hướng. Doanh nghiệp không ngừng đầu tư và phát triển khoa học công nghệ, đi đôi với phát triển nguồn nhân lực, kết hợp hài hòa các lợi ích. Đa dạng hóa các nghành nghề, sản phẩm. Nâng cao tất cả các tiêu chí cạnh tranh, coi trọng các giá trị văn hóa tinh thần, hội nhập với nền kinh tế quốc tế mà trong đó luôn tồn tại uy tín và thương hiệu Cienco 4.

Cienco 4 cũng tự hào là một trong những Tổng công ty có uy tín nhất trong nghành xây dựng Việt Nam. Trong vòng 10 năm trở lại đây, mức tăng trưởng trung bình hàng năm của Tổng công ty là 22%/năm. Hướng tới các mục tiêu vì sự ổn định, phát triển bền vững, Lãnh đạo Cienco 4 xác định không ngừng thực hiện các biện pháp để đổi mới công tác tổ chức quản lý, đổi mới công nghệ và năng lực chỉ đạo điều hành. Bằng việc đề cao các tiêu chuẩn về an toàn, chất lượng, tiến độ, mỹ thuật của các dự án.

Theo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Giải thưởng Chất lượng Quốc tế Châu Á -Thái Bình Dương (GPEA) do Tổ chức Chất lượng Châu Á - Thái Bình Dương (APQO) thành lập dựa trên mô hình GTCLQG của Mỹ (Malcolm Baldrige), một mô hình chuẩn đang được nhiều Quốc gia trên thế giới áp dụng. Giải thưởng Chất lượng Quốc gia (GTCLQG) nằm trong hệ thông GPEA.

Giải thưởng GPEA có sự tham gia của 38 quốc gia là thành viên, nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đã đạt GTCLQG của các nước trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Giải thưởng GPEA được thiết lập từ năm 1999 và cho đến nay Việt Nam đã có 40 doanh nghiệp tham dự và đạt giải.

Nguyễn Nam

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang