Tôn vinh nghệ nhân- Những người lưu giữ tinh hoa nghề thủ công truyền thống

author 06:56 16/12/2020

(VietQ.vn) - Các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, là những “báu vật nhân văn sống” đã lưu giữ những tinh hoa của nghề thủ công truyền thống, đồng thời không ngừng sáng tạo để có thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị, góp phần làm rạng rỡ văn hóa Việt trong khu vực và trên thế giới.

Đây là khẳng định của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tại Lễ trao tặng, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” năm 2020 diễn ra tối 15/12/2020 tại Hà Nội.

Tại buổi lễ, 4 nghệ nhân đã được trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, truy tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” cho 1 nghệ nhân và phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú” cho 72 nghệ nhân.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” cho các nghệ nhân thủ công mỹ nghệ

Các nghệ nhân được phong tặng, truy tặng lần này là những nghệ nhân có nhiều cống hiến, tâm huyết, tận tụy với nghề; có kỹ năng, bí quyết nghề nghiệp đặc biệt trong thiết kế, kỹ thuật chế tác làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có giá trị kinh tế và mỹ thuật cao, mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo tồn, phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của các địa phương, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, tôn vinh.

Các nghệ nhân được vinh danh lần này ở là những nghệ nhân tiêu biểu, đại diện cho 27 nghề thủ công mỹ nghệ truyền thống tinh xảo, độc đáo: từ thêu, gốm sứ, kim hoàn, sơn mài, khảm trai, chạm bạc, đến điêu khắc gỗ, đúc đồng, tranh Đông Hồ… Đây là những nghề thủ công mỹ nghệ có tính truyền thống, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc và có tính hiện đại. Có những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã trở thành quà tặng chính thức phục vụ công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước trong những năm vừa qua.

Các nghệ nhân được vinh danh lần này tiếp tục là sự trân trọng, ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với công lao, tài năng và vai trò của nghệ nhân trong phát triển các nghề thủ công mỹ nghệ.

Tại buổi Lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh: các Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú, những “báu vật nhân văn sống” đã lưu giữ những tinh hoa của nghề thủ công truyền thống, đồng thời không ngừng sáng tạo để có thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị kinh tế, kỹ thuật, mỹ thuật cao, vừa phát huy được truyền thống dân tộc vừa thể hiện sức sáng tạo của Nghệ nhân trong điều kiện hội nhập quốc tế, góp phần làm rạng rỡ văn hóa Việt trong khu vực và trên thế giới.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh bày tỏ tin tưởng, qua Lễ trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú”,  trong thời gian tới, các nghệ nhân bằng tâm huyết cống hiến, lòng say mê nghề nghiệp, tiếp tục có nhiều đóng góp tài năng, phát huy ý tưởng sáng tạo, bàn tay khéo léo để làm ra những sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới; đồng thời liên tục đẩy mạnh việc đào tạo, truyền nghề cho nhiều thợ giỏi, kế thừa truyền thống, phát triển được nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh xảo, đặc sắc, đảm bảo tính thẩm mỹ - dân tộc - hiện đại - đại chúng, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội và xây dựng quê hương; góp phần tuyên truyền quảng bá hình ảnh, đất nước, con người, văn hóa, lịch sử dân tộc ta đến với nhân dân thế giới.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, sang năm mới 2021, Bộ Công Thương tiếp tục tạo điều kiện cho các nghệ nhân phát huy tài năng, phát triển tinh hoa nghề nghiệp, giữ gìn và trao truyền giá trị nghề thủ công mỹ nghệ, đóng góp nhiều hơn nữa vào an sinh xã hội; đồng thời tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan, các địa phương trên cả nước, đặc biệt quan tâm hỗ trợ ngành hàng thủ công mỹ nghệ thông qua các chương trình khuyến công, xúc tiến thương mại quốc gia và các chương trình khác của Bộ Công Thương.

Đặc biệt, Bộ sẽ có các giải pháp hỗ trợ, hình thành liên kết sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ theo chuỗi giá trị bền vững gắn với quảng bá, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng tại các vùng, miền, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội đất nước và hội nhập quốc tế- Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.

Ngành nghề thủ công mỹ nghệ có vai trò rất lớn trong triến trình phát triển kinh tế xã hội. Thị trường xuất khẩu ngày càng được mở rộng, sản phẩm thủ công mỹ nghệ của nước ta đã có mặt tại 163 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã đem về kim ngạch xuất khẩu hơn 2,35 tỷ USD trong năm 2019. Và trong 9 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu tác động bất lợi từ đại dịch Covid-19, tăng trưởng xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ vẫn đạt trên 10%.

Lê Kim Liên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang