Tiếp tục đồng hành, tạo tiền đề vững chắc giúp doanh nghiệp hội nhập 4.0

author 07:27 12/02/2021

(VietQ.vn) - Khép lại năm 2020 với đầy ắp hoạt động và sự kiện nổi bật, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã gặt hái được nhiều thành công từ sự nỗ lực không mệt mỏi. Nhân dịp Tết đến Xuân về, PV Tạp chí Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng Trần Văn Vinh để cùng đánh giá lại thành quả trong năm qua và đưa ra những định hướng trong tình hình mới.

Trong Chương trình hành động năm 2020, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng đã đề ra 10 nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện, xin Tổng cục trưởng chia sẻ về những kết quả đã đạt được trong việc triển khai các nhiệm vụ này?

Năm 2020, Tổng cục đã hoàn thành các chỉ tiêu, nội dung kế hoạch do Bộ KH&CN giao; thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về TCĐLCL; duy trì tốt nền nếp làm việc đồng thời thực hiện và chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật. Những kết quả nổi bật có thể kể đến như: Triển khai mạnh mẽ, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được Chính phủ và Bộ KH&CN giao theo kế hoạch và đột xuất.

Về công tác xây dựng VBQPPL, văn bản kỹ thuật về TCĐLCL đã được thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng. Tổng cục đã chủ động trong công tác chỉ đạo chuyên môn, kịp thời hướng dẫn và phối hợp với các Bộ/ngành, Chi cục TCĐLCL, Sở KH&CN địa phương, Quản lý thị trường, Ban chỉ đạo 389,… thực hiện tốt Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, Luật Đo lường và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa; Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về TCĐLCL.

Về tăng cường tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ doanh nghiệp do ảnh hưởng của COVID-19, Tổng cục đã hỗ trợ cung cấp miễn phí các tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế và các tiêu chuẩn khu vực trong lĩnh vực trang thiết bị y tế phục vụ doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế cung cấp chống dịch và xuất khẩu; tổ chức miễn phí các khóa đào tạo về giải pháp quản trị doanh nghiệp để ổn định sản xuất kinh doanh và cải tiến năng suất lao động sau đại dịch COVID-19; hỗ trợ Bộ Y tế xây dựng Tiêu chuẩn, quy chuẩn về trang thiết bị y tế, hỗ trợ Tập đoàn Vingroup sản xuất máy thở...

Bên cạnh đó, Tổng cục đã đơn giản hóa thủ tục hành chính và đặc biệt là việc chuyển mạnh sang áp dụng biện pháp hậu kiểm theo quy định tại Nghị định số 74/2018/NĐ-CP giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp. Hoàn thành xây dựng phần mềm, kết nối với cơ chế 1 cửa quốc gia đối với 06 thủ tục hành chính của Bộ KH&CN. Cùng với đó, tổ chức triển khai tốt, có hiệu quả các Chương trình, Đề án quốc gia (Chương trình 712; Đề án 100; Đề án 996).

 Công nhân kiểm tra máy móc

Trong công tác hợp tác quốc tế, Tổng cục đã chủ trì, tổ chức thành công các sự kiện, hoạt động năm ASEAN 2020; đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch APO, ACCSQ, WG1, WG2, thể hiện xuất sắc vai trò trung tâm, dẫn dắt của Việt Nam trong việc điều hành hoạt động của APO, ASEAN/ ACCSQ, thúc đẩy tiến độ triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của các tổ chức này trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng chung đến các nước trong khu vực.

Xây dựng và ban hành tiêu chuẩn là một trong những hoạt động trọng tâm của Tổng cục, xin Tổng cục trưởng cho biết, trong năm 2020, công tác xây dựng và ban hành tiêu chuẩn đã được thực hiện như thế nào, kết quả ra sao?

Năm 2020, Tổng cục TCĐLCL đã thẩm định, công bố 895 TCVN tăng hơn 200% (năm 2019: 394 TCVN), nâng tổng số TCVN đã công bố hơn 13000 TCVN, với tỷ lệ 60% hài hòa tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đã bao trùm hầu hết các lĩnh vực góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Tổng cục TCĐLCL đã tổ chức góp ý, thẩm định 78 dự thảo QCVN của các Bộ, ngành xây dựng và hướng dẫn xây dựng, góp ý 68 QCĐP của các tỉnh, thành phố.

Hoạt động xây dựng, thẩm định ban hành TCVN, quy chuẩn kỹ thuật đã có sự đổi mới, gắn với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội bền vững, đồng thời đảm bảo tính minh bạch, đồng thuận giữa các thành phần xã hội, phù hợp thông lệ quốc tế. Với tỷ lệ hài hòa cao như hiện nay (60%), hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã trở thành công cụ hỗ trợ cho hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam hội nhập dễ dàng vào các thị trường lớn, khó tính như Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do như EVFTA, RCEP đã ký kết và có hiệu lực.

Hệ thống TCVN trên cũng là công cụ hỗ trợ hoạt động xây dựng hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) với hơn 800 QCVN tập trung vào sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, vệ sinh và ô nhiễm môi trường đảm bảo hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước.

 Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Trần Văn Vinh.

Năm 2020, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tiếp tục triển khai Đề án “tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2030”. Đến thời điểm hiện tại, thực hiện Đề án này đã đạt kết quả như thế nào, thưa ông?

Ngay sau khi Đề án được phê duyệt, Bộ KH&CN với vai trò cơ quan được giao chủ trì xây dựng kế hoạch và triển khai các nội dung của Đề án đã chủ động phê duyệt Kế hoạch triển khai Đề án Đo lường tại Quyết định số 82/QĐ-BKHCN ngày 16/01/2019. Thực hiện kế hoạch nêu trên, Tổng cục TCĐLCL với vai trò là cơ quan thường trực đã ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch triển khai đề án và Quyết định thành lập ban điều hành đề án.

Sau hai năm thực hiện, Đề án 996 đã triển khai, thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định. Trong đó, về sửa đổi, bổ sung chính sách hoạt động đo lường tạo thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp, đã phê duyệt Danh mục ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh trọng tâm cần tăng cường, đổi mới hoạt động đo lường đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Công bố Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 13187:2020) về tiêu chí quốc gia đánh giá các lĩnh vực đo lường.

Về xây dựng các nhiệm vụ khoa học công nghệ, Tổng cục tiến hành tổng hợp kế hoạch triển khai thực hiện Đề án của các bộ ngành, địa phương; tiếp thu ý kiến góp ý, đề xuất của các bộ ngành, địa phương về nhu cầu cụ thể để thực hiện nhiệm vụ trong từng giai đoạn; Xây dựng thuyết minh, dự toán nhiệm vụ Bộ KH&CN sẽ chủ trì triển khai cho giai đoạn 2021-2025 nhằm đáp ứng các mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Đề án.

Về xây dựng hạ tầng kỹ thuật đo lường, trong năm 2020 đã thiết lập, xây dựng và phê duyệt thêm 3 chuẩn đo lường quốc gia để tăng cường phát triển hạ tầng quốc gia phù hợp quy hoạch. Đến nay, đã nâng lên được 30/41 chuẩn đo lường quốc gia được phê duyệt. Đây là tiền đề vững chắc để cho mọi ngành nghề trong cả nước chuẩn bị hội nhập và tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tổ chức thành công các Diễn đàn, Hội nghị liên quan đến việc triển khai thực hiện Đề án 996. Ngoài ra, Tổng cục cũng đã hướng dẫn các bộ, ngành xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án 996.

Đề án 996 về đo lường như cú hích “thổi luồng gió mới” cho toàn ngành đo lường nhằm hướng đến hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế giai đoạn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Xin Tổng cục trưởng chia sẻ về những định hướng, kế hoạch trong năm 2021 để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa nói riêng, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam nói chung?

Trong năm 2021, Tổng cục sẽ hoàn chỉnh và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất quốc gia dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo và tổ chức triển khai thực hiện; Xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo chuyên gia NSCL quốc tế, khu vực; xây dựng quy định, quy chế đào tạo…

Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng đào tạo tiêu chuẩn hóa, NSCL vào các trường Đại học, Cao đẳng; Rà soát, xây dựng TCVN, QCVN cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực và các lĩnh vực liên quan; xây dựng TCVN cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh... Khảo sát, đánh giá hiện trạng NSCL của doanh nghiệp qua công cụ ViPA. Hướng dẫn DN áp dụng các giải pháp cải tiến NSCL để phục hồi, tăng trưởng năng suất sau Covid-19.

Ngoài ra, Tổng cục tiếp tục triển khai hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng, chứng nhận về truy xuất nguồn gốc, nông nghiệp hữu cơ… cùng với các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm NSCL trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Xin trân trọng cảm ơn Tổng cục trưởng!

Trương Vân (thực hiện)

Tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại với loạt tiêu chuẩn cây họ đậu (VietQ.vn) - ISO có nhiều tiêu chuẩn về cây họ đậu giúp tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại quốc tế công bằng, bình đẳng và đảm bảo an toàn từ nông trại đến chậu trồng.
Thích và chia sẻ bài viết:
Từ khóa:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang