Tổng cục TCĐLCL nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành - Thực thi Nghị quyết 19

author 06:02 08/07/2017

(VietQ.vn) - Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (TCĐLCL) đã thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Sự kiện: Hoạt động Khoa học & Công nghệ

Triển khai Nghị quyết 19/2017/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm tra chuyên ngành đối với các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 là những hàng hóa có ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Trong đó, thực hiện đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành thông qua việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 27/2012/TT-BKHCN quy định việc kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa nhập khẩu thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TCĐLCL Nguyễn Hoàng Linh cho rằng trong thời gian vừa qua Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành để tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp (DN).

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho biết, Tổng cục TCĐLCL đã tích cực tham mưu cho Bộ KH&CN, nghiên cứu và đề xuất một loạt các cơ chế chính sách để đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo tinh thần "Đổi mới phục vụ kiến tạo" 

“Có rất nhiều ý kiến từ phía cộng đồng DN cho rằng hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã gây rất nhiều khó khăn vướng mắc cho DN, đặc biệt là trong công tác xuất nhập khẩu sản phẩm hàng hóa gây tốn kém về chi phí, giảm lợi thế cạnh tranh của DN. Chính vì vậy trong nhiều năm vừa qua Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành để tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cộng đồng DN. Và việc này được thể hiện cụ thể qua nghị quyết 19 của Chính phủ” – Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh chia sẻ.

Để triển khai nghị quyết 19 của Chính phủ, Tổng cục TCĐLCL đã tích cực tham mưu cho Bộ KH&CN, nghiên cứu và đề xuất một loạt các cơ chế chính sách để đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo tinh thần "Đổi mới phục vụ kiến tạo", tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ, phù hợp với tình hình mới, đáp ứng tối đa nhu cầu của DN đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa, đáp ứng nhu cầu của nhân dân và người tiêu dùng.

Đầu tiên, Tổng cục đã kiến nghị Bộ KH&CN, Chính phủ rà soát sửa đổi khung pháp lý để đổi mới hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa; Bổ sung cơ chế kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa nhập khẩu theo hướng hậu kiểm, đơn giản hóa công tác tiền kiểm, công tác kiểm tra chất lượng Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa, công bố hợp quy để giải quyết một số bất cập trong thời gian vừa qua thông qua việc ban hành Thông tư 02/2017/TT-BKHCN; Việc kiến nghị Chính phủ ban hành nghị định sửa đổi nghị định 132/2008/NĐ-CP. Như vậy, với tinh thần này việc kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu có thể được thực hiện chỉ trong vòng một ngày, vượt mục tiêu trung bình ASEAN+4.

Trực tiếp rà soát nhóm sản phẩm hàng hóa thuộc trách nhiệm của Bộ KH&CN, qua đó thay đổi cơ chế hậu kiểm đối với phần lớn nhóm sản phẩm hàng hóa. Cụ thể, duy nhất chỉ có nhóm sản phẩm hàng hóa về xăng dầu và LPG là thực hiện tiền kiểm. Còn lại tất cả các nhóm sản phẩm hàng hóa chuyển sang hậu kiểm như: Thép, mũ bảo hiểm, điện điện tử, đồ chơi trẻ em...

Kiến nghị Chính phủ hủy bỏ quyết định 50/QĐ-TTg về danh mục sản phẩm hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng. Hiện nay, Bộ Tư pháp đã thống nhất với Bộ KH&CN để kiến nghị Chính phủ hủy bỏ quyết định này. Việc này sẽ tạ điều kiện thuận lợi lớn cho một loạt DN bị vướng mắc về quy định này trong thời gian vừa qua.

Khuyến khích tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện đánh giá tại nguồn để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp nhập khẩu vì nếu được đánh giá tại cơ sở sản xuất nước ngoài, giấy chứng nhận có giá trị 03 năm, khi đó hàng nhập khẩu vào Việt Nam không phải thực hiện lấy mẫu thử nghiệm, đánh giá phù hợp.

Bên cạnh đó, Tổng cục đang tiếp tục triển khai một loạt các hoạt động để đưa tinh thần đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành vào thực tiễn theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ KH&CN, Chính phủ.

Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, giảm thời gian thông quan hàng hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần Nghị quyết 19. Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, thời gian tới cần rà soát để thống nhất danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành để tránh chồng chéo cùng một mặt hàng phải thực hiện nhiều biện pháp quản lý khác nhau.

Rà soát, làm rõ danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành trước thông quan (tiền kiểm) theo hướng ít nhất có thể, chuyển mạnh sang hậu kiểm; Quy định rõ các biện pháp quản lý trong các QCVN để giúp doanh nghiệp, cơ quan kiểm tra, cơ quan hải quan trong quá trình thực hiện.

Đồng thời rà soát, chỉnh sửa các văn bản quy phạm pháp luật quy định về chứng nhận hợp quy, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa không phù hợp với Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật An toàn thực phẩm.

 Hùng Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang