Tổng cục trưởng Quản lý thị trường chỉ rõ 'điểm yếu' khi tham gia EVFTA

author 06:13 07/09/2019

(VietQ.vn) - Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh, một trong những điểm yếu và thách thức lớn nhất của nước ta khi tham gia EVFTA chính là hiệu quả của hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp tư pháp còn thấp...

Theo nhận định của ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, Việt Nam ngày càng hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới thông qua việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) thời gian qua, trong đó có Hiệp định EVFTA.

"Hiệp định EVFTA được coi là một FTA thế hệ mới, với những cam kết sâu hơn và bao trùm nhiều lĩnh vực, trong đó nâng cao việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ là một nội dung quan trọng mà quốc gia thành viên phải nghiêm túc thực thi. Do đó, việc nhận diện những thách thức đối với việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ của Việt Nam là hết sức cần thiết, nhằm tránh những rủi ro trong dài hạn, cũng như có những điều chỉnh phù hợp, tận dụng được những cơ hội do EVFTA mang lại đối với sự phát triển kinh tế bền vững và khai thác tối đa lợi thế so sánh của Việt Nam", Tổng cục trưởng Trần Hữu Linh nhận định.

Chế định về sở hữu trí tuệ là một trong những khía cạnh cam kết của EVFTA được cho là sẽ tác động trực tiếp và lớn tới thể chế pháp luật và thực thi của Việt Nam. Đây là chế định tập hợp các nguyên tắc, yêu cầu về các tiêu chuẩn bảo hộ cũng như thực thi việc bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ. EU là khu vực xuất khẩu các sản phẩm sở hữu trí tuệ hàng đầu thế giới, do đó có nhu cầu tăng cường bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ.

EU đồng thời cũng có chế độ bảo hộ đặc thù đối với chỉ dẫn địa lý và rất chú trọng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ này. Về phần mình, là một nước đang phát triển, chỉ sở hữu một số lượng rất ít các sản phẩm sở hữu trí tuệ so với đối tác EU, Việt Nam rất cần không gian cho phép các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tiếp cận các sản phẩm sở hữu trí tuệ phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế, khoa học, xã hội với chi phí thấp nhất có thể. Không phải ngẫu nhiên mà vấn đề sở hữu trí tuệ đặc biệt là chỉ dẫn đại lý trở thành một trong những vấn đề đàm phán khó khan, phức tạp nhất trong EVFTA, và Chương trình Sở hữu trí tuệ cũng là một trong những Chương trình có dung lượng lớn nhất trong toàn bộ Hiệp định.

 Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương). Ảnh: Petrotimes 

Cũng theo ông Trần Hữu Linh, kết quả rà soát pháp luật cho thấy, pháp luật Việt Nam đã khá tương thích với đa số các cam kết trong EVFTA về sở hữu trí tuệ trong tất cả các nhóm cam kết, từ nguyên tắc chung về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tới các tiêu chuẩn bảo hộ sở hữu trí tuệ cũng như các yêu cầu về biện pháp thực thị tại biên giới.

"Tuy nhiên, kết quả rà soát cũng cho thấy, hiện có 4 cam kết mà pháp luật Việt Nam chưa tuân thủ, bao gồm: quyền độc quyền công bố đến công chúng của người biểu diễn, nhà sản xuất các bản ghi âm, ghi hình; quy trình và cách thức bảo hộ đối với 169 chỉ dẫn địa lý của EU liệt kê trong EVFTA; cam kết bù đắp thời hạn sáng chế dược phẩm cho những chậm trễ trong cấp phép lưu hành; nguyên tắc suy đoán về quyền của người có tên trên tác phẩm. Đây là các quy định rất chi tiết mà pháp luật Việt Nam hiện chưa ghi nhận", ông Trần Hữu Linh cho biết.

Mặc dù vậy, rà soát pháp luật mới chỉ là bước đi đầu tiên và một trong những nội dung quan trọng tiếp theo là phải rà soát, đánh giá việc thực thi không chỉ là ở hiện trạng quyền sở hữu trí tuệ mà là ở cả năng lực trong tương lai về thực thi các cam kết để có những biện pháp điều chỉnh phù hợp. Những quy định của EVFTA không chỉ đòi hỏi thay đổi pháp luật mà còn có thể mang đến những thách thức thực thi cho Việt Nam (đặc biệt là về mặt năng lực của các bên liên quan), ít nhất là trong ngắn hạn.

Hiện tại, pháp luật Việt Nam quy định việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng các biện pháp dân sự, hình sự và hành chính. Trên thực tế, việc thực thi bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ chưa thật sự hiệu quả. Hầu như chỉ có biện pháp hành chính là được áp dụng chủ yếu. Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp hành chính cũng tương đối hạn chế do có nhiều lực lượng tham gia như Hải quan, thanh tra chuyên ngành, Quản lý thị trường và công an kinh tế, nhưng không xác định rõ rang cơ quan nào làm đầu mối và chư có sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan với nhau. Trong khi đó, biện pháp dân sự theo yêu cầu của các bên liên quan còn hạn chế.

Theo số liệu thống kê của ngành tòa án, việc xử lý các vụ tranh chấp, xâm phạm quyền bằng biện pháp dân sự tại tòa án chỉ chiếm tỷ lệ rất thấp so với hàng chục ngàn các vụ xâm phạm quyền bị xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào các tranh chấp liên quan tới lĩnh vực quyền tác giả (83,5%), các tranh chấp trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp chiếm tỷ lệ rất thấp (5,5%). Số lượng các vụ xâm phạm quyền bị xử lý về hình sự cũng không nhiều.

Ông Trần Hữu Linh khẳng định, thực tiễn cho thấy hầu hết các vụ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đều được xử lý bằng biện pháp hành chính và tập trung chủ yếu vào đối tượng hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và hàng xâm phạm kiểu dáng công nghiệp. Hình thức xử phạt được áp dụng chủ yếu là phạt tiền, đình chỉ có thời hạn hoạt động sản xuất và kinh doanh hàng hóa, dịch vụ vi phạm; tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hoặc buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, phương tiện kinh doanh hoặc tiêu hủy hàng hóa, phương tiện kinh doanh vi phạm.

Năng lực chuyên môn của cán bộ các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ đã từng bước được cải thiện. Cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ ở nhiều địa phương đã có sự chủ động hơn trước trong việc đánh giá, xem xét và xử lý các hành vi xâm phạm quyền. Đây cũng là kết quả của nỗ lực từ phía các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, lực lượng chức năng trong việc tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo kiến thức, pháp luật, chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ.

"Tuy đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan thực thi quyền sở hữu trí tuệ nhưng thực tế cho thấy tình trạng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ở nước ta vẫn đang diễn ra khá phổ biến và phức tạp. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể quyền, làm nản long các nhà đầu tư, gây tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Có thể khẳng định rằng một trong những điểm yếu và thách thức lớn nhất của nước ta hiện nay chính là hiệu quả của hoạt động thực thi còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đặc biệt là việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp tư pháp", người đứng đầu Tổng cục Quản lý thị trường nhấn mạnh.

Hán Hiển

EVFTA mở ra tiềm năng lớn đối với nông nghiệp hữu cơ (VietQ.vn) - Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) sẽ mở ra tiềm năng phát triển mạnh đối với nông nghiệp hữu cơ. Bởi vậy, cần phải nâng cao vai trò của nhà nước trong việc hỗ trợ nông dân sản xuất và chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang