Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt hơn 51 nghìn tỷ đồng

author 06:23 28/07/2020

(VietQ.vn) - Theo thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 51,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2020 cũng tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước

Theo Cục thống kê thành phố Hà Nội, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 ước tính đạt 51,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,5% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 31,9 nghìn tỷ đồng, tăng 2,2% và tăng 8%; doanh thu khách sạn, nhà hàng đạt 5.350 tỷ đồng, tăng 2,1% và tăng 7,8%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 1.025 tỷ đồng, tăng 26,9% và tăng 8,1%; doanh thu dịch vụ khác đạt 12,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% và tăng 6,4%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 319,5 nghìn tỷ đồng, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2019. Xét theo ngành kinh tế: Doanh thu bán lẻ hàng hóa 7 tháng đạt 210,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 65,8% tổng mức và tăng 9,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhóm ngành lương thực thực phẩm tăng 19,1%; đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình tăng 18,3%; hàng may mặc tăng 13,1%; ô tô con tăng 0,9%.

Bên cạnh đó, một số ngành hàng giảm so với cùng kỳ là vật phẩm, văn hóa giáo dục giảm 4%; xăng dầu giảm 4,4%; đá quý và kim loại quý giảm 0,6%. Doanh thu khách sạn, nhà hàng 7 tháng đạt 28,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,9% tổng mức và giảm 18,9% so với cùng kỳ năm trước (doanh thu dịch vụ lưu trú giảm 57,5%; doanh thu ăn uống giảm 10,8%) do lượng khách du lịch giảm và nhu cầu ăn uống tại các nhà hàng giảm sút.

Doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng mức và giảm 38,6% do ảnh hưởng của dịch Covid-19 do lượng khách du lịch thấp hơn nhiều cùng kỳ năm trước. Doanh thu dịch vụ khác đạt 76,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 24% tổng mức và giảm 6,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Ảnh minh họa 

Xét theo loại hình kinh tế, tính chung 7 tháng, khu vực kinh tế Nhà nước đạt 52,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 16,5% tổng mức và giảm 2,9% so với cùng kỳ năm trước; khu vực ngoài Nhà nước đạt 250,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 78,3% và tăng 2,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,2% và giảm 4,5%.

Cũng theo Cục thống kê thành phố Hà Nội, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2020 tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước và giảm 0,43% so với tháng 12/2019; CPI bình quân 7 tháng năm nay tăng 3,51% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Trong tháng 7, có 9/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng so với tháng trước, trong đó, cao nhất là nhóm giao thông tăng 3,52% (tác động làm tăng CPI chung 0,32%) do giá xăng, dầu điều chỉnh tăng 9% so với tháng trước.

Tiếp theo là nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,36% do tháng 7 là tháng cao điểm, học sinh được nghỉ hè nên nhu cầu du lịch, văn hóa, giải trí của người dân tăng cao; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,34% do thời thiết miền Bắc nắng nóng kéo dài, sản lượng tiêu thụ điện cao, mặc dù Nhà nước hỗ trợ giá nhưng giá điện vẫn tăng 1,07%; giá dầu hỏa tăng 8,25%, giá gas tăng 1,12%. Các nhóm còn lại có chỉ số giá tăng nhẹ 0,02% - 0,18%. Có 2 nhóm CPI giữ ở mức tháng trước là bưu chính, viễn thông và giáo dục.

Chỉ số giá vàng tháng 7, tăng cao 3,78% so với tháng trước, tăng 27,57% so với cùng kỳ năm trước và tăng 19,98% so với tháng 12/2019. Bình quân 7 tháng, chỉ số giá vàng tăng 24,57% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 7 giảm 0,23% so với tháng trước, giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước và tăng 0,2% so với tháng 12/2019. Bình quân 7 tháng, chỉ số giá USD tăng 0,28% so với cùng kỳ năm trước.

Bảo Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang