Top 100 CEO châu Á: Ông chủ bệnh viện Hoàn Mỹ

author 10:24 18/01/2013

(VietQ.vn) - Được biết đến với tư cách 'sáng lập viên' hệ thống bệnh viện tư lớn nhất Việt Nam - bệnh viện Hoàn Mỹ nhưng, ông thực sự nổi danh trên toàn châu Á với thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) với Tập đoàn Fortis, Ấn Độ, giá trị lên đến 100 triệu USD. Mới đây bác sĩ, doanh nhân Nguyễn Hữu Tùng được thời báo Japan Times vinh doanh 100 CEO châu Á xuất sắc nhất trong năm 2012.

Gian nan khởi nghiệp

Sài Gòn, nơi người trẻ tuổi thường mơ về chốn thiên đường để khởi nghiệp. Ông cũng nằm trong số họ. Cái giá của quyết định vào Nam của ông là 14 năm rong ruổi, không được làm nghề mà phải mưu sinh bằng những công việc gần giống với công việc của một bác sĩ.

Thế nhưng, khi được hỏi cảm nhận về vùng đất này, bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng bảo ông rất yêu nó, bởi nơi đây luôn có cơ hội dành cho người biết nắm bắt thời cơ.

Vấn đề cứ phải thay đổi công việc của ông trong suốt 14 năm đó thuộc về con người. Gọi ông là “chuyên gia nhảy việc” cũng không sai, bởi cứ hai năm một lần ông lại thay đổi công việc.

Ông kể về những công việc đã trải qua, từng là Giám đốc Bệnh viện Đại Lộc đến điều dưỡng ở một trường mẫu giáo, rồi chuyên viên phát triển thị trường cho một hãng dược, trưởng phòng phụ trách chích ngừa… Trong đó có những vị trí có thể mang lại cho ông cuộc sống đầy đủ để trang trải cho cuộc sống thường nhất, nhưng ông vẫn không thoát ra khỏi câu hỏi “Đây có phải là công việc mình muốn làm không?”. Chính câu hỏi này đã khiến ông trở thành một ‘chuyên gia nhảy việc’. Cũng trong thời gian này, tư tưởng khởi nghiệp bắt đầu hình thành.

Cho đến khi bắt tay vào làm Phòng Khám Hoàn Mỹ tôi mới biết đây chính là điều mình cần: tự xây nên một thế giới khám, chữa bệnh theo ý mình. Quá trình làm việc ở các nơi tôi đều thấy được những khiếm khuyết, nhưng những góp ý sửa chữa của tôi đều ít được đón nhận, mà nếu được đón nhận thì sẽ bị ganh ghét.

Bác sỹ, doanh nhân Nguyễn Hữu Tùng.
Bác sỹ, doanh nhân Nguyễn Hữu Tùng.

“Tôi khát khao thành lập một bệnh viện tư nhân, nhưng vì ngày đó Nhà nước chưa cho phép nên cứ trăn trở suốt ngần ấy năm.”
Khao khát của ông đã có lúc tưởng như đóng cửa, khi phòng khám đầu tiên ở đường Lý Thường Kiệt buộc phải đóng cửa vì khi ấy chưa có cơ chế. Rất may, nhờ kiên trì thuyết phục, tôi được Nhà nước cho phép thí điểm mô hình bệnh viện tư nhân. Bản thân tôi cảm thấy hạnh phúc khi làm được điều này.

Giàu có chỉ là cái bẫy

Từ ngày sáng lập và điều hành hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ, suốt 15 năm qua, điện thoại của bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng chưa bao giờ được ngắt sóng. Ông luôn có cảm giác nhân sự chưa tiếp cận được quy chế mình đưa ra. Ông sợ rủi ro về chuyên môn, về tài chính... nên lúc nào cũng đẩy cố gắng của mình đến mức tối đa.

Mười hai năm sau, khi áp dụng phân quyền tối đa cho cấp dưới, ông mới phần nào ngơi bớt lo toan. Tuy nhiên, cố gắng đó không đủ để đưa ông tránh khỏi việc M&A thụ động, dẫn đến mất quyền sở hữu đứa con tinh thần của mình khi vẫn còn nhiều hoài bão xây dựng.

Ông kể lại, khi thành lập được Phòng Khám đa khoa Lý Thường Kiệt và nâng cấp lên thành Bệnh viện Hoàn Mỹ sau này là nhờ sự giúp đỡ tài chính của người bạn Quách Thành Lai. Đó là sự giúp đỡ vô vụ lợi, giúp nhau vì tình.

Sau này, khi được ông Đặng Văn Thành, người điều hành Ngân hàng Sacombank, giúp vốn, tham gia đầu tư, giúp dự án để phát triển Hoàn Mỹ thành một hệ thống bệnh viện ở một số tỉnh - thành, tôi cũng vô tư đón nhận vì nghĩ rằng tâm huyết của mình được bạn bè đồng cảm, giúp sức.

Đến tận khi phải đối mặt với khoản lãi suất ngất ngưởng và thời hạn đáo hạn những khoản nợ đã lên đến hơn 300 tỷ đồng với Sacombank, tôi mới biết mình có nguy cơ phá sản...

Nguyên nhân của sự việc không phải vì hệ thống Bệnh viện Hoàn Mỹ không có khả năng sinh lợi nhuận, mà vì tôi đã đầu tư quá đà, đầu tư không bằng vốn thực lực nên lợi nhuận kiếm được không đủ để trả nợ với lãi suất lên đến 22%/năm.


“Đó là những ngày tuyệt vọng của đời tôi, đã có lúc tôi nghĩ đến việc mất trắng Hoàn Mỹ, đến bán nhà rồi cùng gia đình sống ở nhà thuê, nghĩ đến những xáo trộn khi Bệnh viện về tay người khác..., nhưng tất cả những điều đó đều không làm tôi đau bằng việc đã mất đi một người bạn. Cũng may, ông Trời kịp “đền” cho tôi một người bạn khác, chuyên gia tài chính Allen Yu.”

Chỉ trong một lần gặp gỡ, Allen Yu giúp ông đưa ra các giải pháp giãn nợ với Sacombank, giảm lãi suất bằng cách thuyết phục Eximbank mua lại khoản nợ từ Sacombank. Lúc đó, Eximbank chấp nhận cho Hoàn Mỹ ở mức lãi suất 19%/năm.

Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, Bệnh viện khó thể cầm cự với mức lãi suất như thế. Do vậy, tiến đến mở cửa cho quỹ đầu tư tham gia vào hệ thống Hoàn Mỹ, lúc bấy giờ đã nâng cấp lên thành Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, là điều không tránh khỏi.

“Khi Allen Yu nói với tôi rằng, trên thế giới chỉ có ngân hàng phá sản chứ chưa có bệnh viện phá sản, tôi đã tin và ủy quyền cho ông ấy xử lý nợ nần, “mai mối” với các quỹ đầu tư là VinaCapital và Deutsche Bank để có 20 triệu USD đầu tư và tiến đến M&A với Fortis sau này.

Trải qua hai lần M&A, đến tận bây giờ, Allen Yu vừa là nhà tư vấn tài chính, vừa là một người bạn mà tôi trân quý.” – Ông kể lại.

Nếu bạn hoài bão, hãy thử

Là một người từng nhảy việc nhiều lần trước khi sáng lập ra chuỗi bệnh viên Hoàn Mỹ. Ông không ủng hộ khi ai đó nói rằng “mỗi lần chuyển việc là một lần thất bại”. Ông biết, thất bại đó chỉ là tạm thời, phía sau thất bại đó sẽ là con đường thành công, nếu đi đúng hướng. Tìm được đúng công việc mình yêu thích, mình tâm huyết và mình dám hi sinh cả đời vì nó.

Ông luôn tôn trọng những người muốn nhảy việc, ngay cả đó là nhân viên của bệnh viện Hoàn Mỹ.

“Do vậy, nếu nhân viên rời bỏ vị trí hiện tại với mong muốn tìm vị trí cao hơn, tôi thực tâm khuyến khích họ nên làm điều đó. Những hoài bão cần được nuôi dưỡng bằng hành động thiết thực chứ không chỉ là ý nghĩ suông.”

Minh Bích

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang