Tốt nghiệp càng cao, thất nghiệp càng nhiều?

author 08:00 18/06/2013

(VietQ.vn) - Cả nước đang “vào mùa” đỗ tốt nghiệp với các “tỷ lệ vàng” lên đến 95 – 99%. Nhưng cả nước cũng đang chứng kiến nạn thất nghiệp khắp nơi…

Làm gì, làm ở đâu?

Từ những đô thị phồn hoa, những “công chức cổ cồn” bị thất nghiệp bằng cách nhận lương thấp, không đủ mức để trụ lại chốn kinh kỳ, vì doanh nghiệp làm ăn bê bết. Những tân cử nhân, kỹ sư bị thất nghiệp qua những cái lắc đầu của các ông chủ, khi mà nợ của họ còn chưa trả hết ngân hàng, huống hồ muốn tuyển thêm.

Bài toán thi tốt nghiệp và bài toán việc làm, cái nào hóc búa hơn?
Bài toán thi tốt nghiệp và bài toán việc làm, cái nào hóc búa hơn?

Tại nông thôn, nơi thiếu thốn đủ đường, nông dân “thất nghiệp” bởi lúa đầy đồng mà thương lái ít thấy vãng lai. Tìm ai để bán để lấy tiền trang trải các khoản chi sinh hoạt, để gửi tiền cho con theo học ở thành phố, để neo giữ sức khỏe tuổi già…? Thanh niên nông thôn biết đi đâu khi quê nhà thì khổ cực mà lên thành phố thì nguy cơ thất nghiệp ngày càng cao?

Vừa rồi, có một bà Bộ trưởng khoe, có những trường dạy nghề đào tạo ra đến 80% có việc làm, nhưng lại không thấy bà thống kê tỷ lệ ấy cả nước là bao nhiêu? Những ngôi trường dạy nghề hàng chục tỷ đồng, huyện nào cũng có như nhận xét của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, cần thu gọn lại, để tạo ra các trung tâm đào tạo lớn, chất lượng cao.

Nhưng chỉ đạo đó không biết đến bao giờ mới thực hiện? Chỉ biết hiện nay, nhiều trường, nói như lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và xã hội: “mới đào tạo ra những cái mình có chứ chưa hẳn là những thứ doanh nghiệp cần”.

Nghĩa là, sản phẩm đầu ra chỉ là những công nhân có thể phải đào tạo lại, là những con người cam chịu mức sống đều đều, đủ ăn…?

Thay đổi

“Đại gia” Trung Hà của FPT gợi ý: giáo dục phải dạy cho học sinh biết làm kế toán từ nhỏ, để biết cân đối tài chính từ lúc ngồi trên ghế nhà trường.

Còn Bộ Giáo dục thì “nghe” các tổ chức quốc tế, thí điểm đưa môn kinh doanh vào trường học.

Một tia hy vọng mới được nhen nhóm, dù còn ở thì tương lai.

Bởi, người ta có thể hỏi: tại sao giới trẻ nước ngoài, dù chưa học xong, chưa đủ bằng cấp, vẫn dũng cảm lao ra thương trường để tự kinh doanh? Còn bạn trẻ trong nước thường phải trang bị bằng cấp, phải vào một công ty, cơ quan…để lập nghiệp?

Phải làm cho giới trẻ “máu” kinh doanh, tự tạo cho mình việc làm và thậm chí là làm chủ, chứ không cam chịu suốt đời làm nhân viên. Phải dạy cả nghề nông cho nông dân, với tư duy làm lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến…chứ không phải chỉ dạy những nghề dịch vụ.

Minh Nhật

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang