TP.Pleiku (Gia Lai): Nhiều dấu hỏi về chất lượng môi trường sống

author 13:48 17/03/2021

(VietQ.vn) - Dù đã được công nhận là TP loại 1 trực thuộc tỉnh Gia Lai, TP.Pleiku vẫn khiến nhiều người đặt dấu hỏi về chất lượng môi trường sống.

Pleiku là TP lớn thứ 2 tại Tây Nguyên về diện tích lõi đô thị và quy mô dân số, được đánh giá là đô thị quan trọng nhất của vùng Bắc Tây Nguyên, là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh Gia Lai, đầu mối giao lưu với các tỉnh Tây Nguyên, duyên hải miền Trung và các huyện, thị xã trong tỉnh. Thế nhưng, hơn một năm qua, người dân TP.Pleiku liên tục than phiền khi môi trường sống tại đây quá ô nhiễm.

Theo phản ánh của người dân, cả thành phố ngập trong rác, mặc dù đã kêu than, cầu cứu khắp nơi những vẫn không được giải quyết. 

Trong thành phố, không khó bắt gặp những bãi rác lớn nhỏ, tự phát xuất hiện tràn lan, bất chấp việc công ty môi trường vẫn tiến hành thu gom thường xuyên. Nguyên nhân xuất phát từ việc nhiều người tự ý xả rác bừa bãi, không bỏ rác đúng thời gian nhân viên môi trường đi thu gom. Từ đó, tạo thành những bãi tập kết rác ngay cạnh đường giao thông. Không những thế, cả TP cũng có nhiều bãi rác lớn nhỏ bốc mùi hôi thối, vừa gây mất mĩ quan đô thị, vừa ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân nhưng không thấy ai xử lý.

Những bãi rác tự phát khiến cho TP.Pleiku bị ôm nhiễm nghiêm trọng

Được biết, bãi rác thành phố Pleiku thuộc danh mục cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của tỉnh Gia Lai. Trước đó, dự án công trình xây dựng cải tạo, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại bãi rác với tổng mức đầu tư 73 tỉ đồng đã được UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa được triển khai.

Hiện tại, TP Pleiku đang xử lý rác thải bằng cách chôn lấp, tồn tại rủi ro môi trường nước cũng như ô nhiễm không khí, ảnh hưởng tới cuộc sống của cư dân.

Các tuyến đường trong nội đô TP cũng tồn tại nhiều hố ga, miệng cống xuống cấp, hư hỏng mặc dù vừa nâng cấp sửa chữa để được công nhận là đô thị loại 1. Điển hình người dân trên tuyến đường Phan Đình Phùng (một trong những tuyến đường trung tâm của TP. Pleiku) phản ánh việc hàng loạt nắp cống trên đường này bị xuống cấp mặc dù vừa mới được cơ quan chức năng nâng cấp, sửa chữa không lâu. 

Một số người dân sống tại khu vực cho biết, nắp cống trước đây hư sẽ nhanh chóng được thay mới, nhưng thời gian gần đây thì ít được quan tâm. Có những miệng cống sụp xuống tạo thành hố sâu, ai đi đường mà không chú ý, lọt xuống sẽ rất nguy hiểm.

Miệng hố ga bị sụp, người dân phải lấy tấm gỗ đè lên để đảm bảo an toàn cho người đi đường.

Để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra, người dân đành phải lấy gỗ, đá hoặc các vật liệu khác để che lấp miệng hố ga, ống cống này lại. Đồng thời, cũng để cảnh báo nguy hiểm cho các phương tiện lưu thông.

Trong thời gian dịch covid -19 xảy ra, nhiều địa phương đã hạn chế, thậm chí ra văn bản đóng cửa các quán bar, beer club hay quán nhậu… để tránh tình trạng dịch bệnh lây lan. Thế nhưng, ở Pleiku, các quán bar, quán nhậu mở cửa liên tục, thu hút hàng trăm người tụ tập khiến nhiều người dân lo lắng.

Từ đây, nhiều người đặt ra câu hỏi, có hay không việc sử dụng không hiệu quả các nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, kiến trúc, cảnh quan tại TP.Pleiku? Tại sao những phản ánh, kiến nghị của người dân về chất lượng sống của TP rất lâu rồi vẫn chưa nhận được phản hồi? Từ đó, nguyện vọng xây dựng TP Pleiku trở thành “đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe” liệu có thể thành hiện thực?

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã có quy định về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, đưa ra các nguyên tắc xây dựng, yêu cầu đối với quy chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường xung quanh, về chất thải... Đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, để bảo đảm việc quản lý chất thải, quản lý chất lượng môi trường phù hợp với yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập quốc tế với quan điểm lấy con người làm mục tiêu để bảo vệ, Luật mới đã bổ sung quy định cụ thể hơn về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, quy định nguyên tắc xây dựng, lộ trình áp dụng quy chuẩn nhằm bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường của Việt Nam tương đồng với các nước phát triển.

Bộ Tài nguyên & Môi trường đã ban hành 48 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường (QCVN), làm công cụ quản lý quan trọng, cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường trong những năm vừa qua.

48 QCVN về môi trường có 12 QCVN về chất lượng môi trường xung quanh và 36 QCVN về chất thải và xử lý chất thải.

Nhìn chung, các QCVN về môi trường hiện nay đã được xây dựng đảm bảo tính chặt chẽ, nghiêm ngặt, thậm chí một số ngưỡng quy định còn tiệm cận với quy định của các quốc gia phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU).

Phúc Lâm

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang