TP.HCM: Chiếc ô tô ‘made in Việt Nam’ hoàn chỉnh giá 500 triệu đồng có gì đặc biệt?

author 16:06 07/05/2018

(VietQ.vn) - Chủ một tiệm bán xe đạp điện tại TP.HCM là người đã chế tạo thành công chiếc ô tô điện với chi phí 500 triệu đồng.

Sự kiện: Ô tô - Xe máy

Tuổi Trẻ thông tin, thời gian gần đây, ông Trần Minh Tâm, chủ một tiệm bán xe đạp điện ở thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TP.HCM bỗng trở nên nổi tiếng khắp vùng với biệt danh "Tâm xe điện" khi công bố chế tạo thành công chiếc ôtô 5 chỗ ngồi chạy bằng điện với vận tốc tối đa 50km/h.

Điều đặc biệt ở chỗ, chiếc ôtô điện "nhìn như thật" này được chế tạo hoàn toàn thủ công mà không qua một dây chuyền công nghệ nào.

Y nghĩ chế tạo chiếc ôtô chạy điện nảy ra đời năm 2015 khi ông xem một bản tin trên truyền hình nói rằng một số nước châu Âu đang tính tới việc hạn chế dần lượng xe chạy bằng xăng, dầu và thay bằng xe điện để bảo vệ môi trường.

tphcm-chiec-o-to-made-in-viet-nam-hoan-chinh-gia-500-trieu-dong-co-gi-dac-biet
tphcm-chiec-o-to-made-in-viet-nam-hoan-chinh-gia-500-trieu-dong-co-gi-dac-biet

 Cận cảnh chiếc ô tô điện "made in Vietnam" của chủ tiệm sửa xe máy. Ảnh: Vnexpress/Tuổi Trẻ

Theo ông Tâm, chiếc xe mà ông đặt tên là CITY 18 có vận tốc tối đa 50km/h, phù hợp với điều kiện lưu thông trong nội ô đô thị và khi sạc đầy có thể chạy được 160km mới phải sạc lại. Trên xe có cả máy lạnh và hệ thống karaoke kết nối với điện thoại qua mạng bluetooth.

Nguồn điện cấp cho máy lạnh và karaoke được thiết kế độc lập với nguồn điện cho động cơ nên không ảnh hưởng tới cự ly di chuyển của xe. Đặc biệt, bộ phận nạp điện được thiết kế rời, chỉ cần có nguồn điện 220V là có thể cắm dây và sạc điện cho xe.

Và theo tính toán của ông, chi phí tiền điện để chạy 100km thấp hơn khoảng 100.000 - 120.000 đồng so với chi phí nhiên liệu xe chạy xăng.

Chiếc ôtô điện được ông Tâm chế tạo có hai cửa nhưng không mở ra hai bên như những chiếc xe thường thấy mà được thiết kế dạng cánh gấp khi mở được nâng thẳng lên trên nhờ hệ thống thủy lực.

Ưu điểm của thiết kế này là khi đóng mở cửa không chiếm diện tích và an toàn cho người và phương tiện bên ngoài. Khi đóng cửa, bốn cánh tay thủy lực được giấu gọn gàng trong khe trên mui.

Chỉ riêng bộ phận cửa, ông Tâm đã phải làm đi làm lại đến bốn lần mới tạm hài lòng về sự tiện dụng và tính thẩm mỹ. Ông Tâm cho biết nếu có điều kiện làm phiên bản khác, ông sẽ thiết kế thêm hệ thống điện để khi đóng mở cửa chỉ cần bấm nút, không phải dùng tay.

Sau khi hoàn tất việc chế tạo, ông Tâm đưa xe ra các con đường vắng người qua lại ở gần nhà để chạy thử và đo đạc các thông số kỹ thuật và độ ổn định của xe.

Theo ông Tâm, chiếc ôtô điện đầu tay mà ông chế tạo đến nay đã hoàn thành. Nếu có tiền, ông sẽ chế tạo những phiên bản khác có thể chạy tốc độ tối đa theo quy định hiện nay 120km/h với cự ly 300km khi nạp đầy điện và đặc biệt là có khả năng "lội nước phà phà" trên những con đường ngập sâu đến nửa mét.

Chia sẻ với Vnexpress về thời gian đầu làm xe, ông Tâm cho biết: "Việc đầu tiên là mua những thứ mình không sản xuất được như lốp, ghế, gương. Vì một người bán hủ tiếu cũng đâu thể tự mình làm hết các thành phần", ông Tâm nói. "Tôi đặt bốn bánh xe trên nền nhà để ướm thử chiều dài hai trục bánh, xem xét không gian hai hàng ghế làm sao thoải mái cho người ngồi. Sau đó tự mình ngồi vào vị trí ghế lái có vô-lăng, tính toán không gian cabin, rồi mới tính đến khung gầm".

Bộ khung thành hình trong đầu với kích thước ba chiều nhỏ hơn một mẫu Kia Morning, ông tiến đến bước chế tạo khung sườn và thùng xe. Công đoạn này trải qua khoảng hơn một năm rưỡi với nhiều người thợ tham gia. Người đến, kẻ đi như lời ông nói, khung xe mới hoàn thành với các mối cắt, hàn, bo tròn thẩm mỹ như những mẫu ôtô của các hãng lớn. Vài lần chạy thử trên dàn gầm đặt bốn ghế và bộ khung trống hoắc, cho đến khi chắc chắn độ an toàn, ông Tâm mới quyết định đóng thùng xe.

Ông thích thú nói về màu sơn mẫu xe điện mà khi nhìn tổng thể, ít ai nghĩ rằng nó được thực hiện thủ công. Tám người thợ với bốn lần sơn, màu nâu của thân xe hiện ra.

Trên mẫu xe điện với chi phí thực hiện khoảng hơn 500 triệu đồng, động cơ gồm một motor đặt ở bánh sau và hai ở bánh trước. Nút tùy chọn một cầu hoặc hai cầu có thể kích hoạt tại vị trí cần số. Hệ thống ly hợp tương tự xe hơi số tự động với ba chế độ tiến, lùi và mo (N).

Theo tính toán của ông Tâm, tiền công thợ làm chiếm chi phí lớn nhất của mẫu xe điện. Vì thế, nếu được thương mại hóa bằng dây chuyền công nghiệp, giá trị có thể dưới 250 triệu đồng hoặc thậm chí là 200 triệu đồng.

Hà Thu (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang