TP.HCM kêu gọi không cho tiền người ăn xin: Vì sao Hà Nội không làm?

author 07:05 27/12/2014

(VietQ.vn) - Ông Phan Đăng Long – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội lí giải, Hà Nội không làm như TP.HCM bởi mỗi địa phương có điều kiện hoàn cảnh khác nhau…

Mới đây, TP.HCM ra chủ trương kêu gọi người dân không cho tiền người ăn xin. Chính quyền cũng đề nghị quần chúng khi thấy người ăn xin thì gọi điện thoại tới đường dây nóng thông báo để các cơ quan chức năng đưa các đối tượng này vào Trung tâm bảo trợ xã hội.

Bên cạnh đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị Thành Hội Phật giáo có văn bản hướng dẫn không để tu sĩ đi khất thực trên địa bàn TP, tránh tình trạng giả danh tu sĩ xin ăn (khất thực) lợi dụng lòng tốt của người dân để xin tiền.

ăn xin ở thành phố hồ chí minh

Nạn ăn xin đang làm đau đầu các nhà chức trách thành phố Hồ Chí Minh

Cách làm này của TP. Hồ Chí Minh đang nhận được hai luồng ý kiến trái chiều. Một bên rất ủng hộ, luồng dư luận còn lại thì cho rằng như vậy không nhân văn.

Trao đổi với PV Chất lượng Việt Nam, ông Phan Đăng Long – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, cá nhân ông rất ủng hộ cách làm trên của TP. Hồ Chí Minh.

Ông Long đánh giá, tại TP. Hồ Chí Minh tình trạng ăn xin giả (những người khỏe mạnh, hoàn cảnh không khó khăn nhưng vẫn đi ăn xin) và nhà sư giả đi khất thực rất nhiều. Có không ít trường hợp còn bóc lọt trẻ em, bắt chúng phải đi ăn xin lấy tiền mang về đưa cho họ.

Theo ông Long, khi gặp những người như vậy, tâm lí của người dân thường muốn làm phúc, giúp đỡ họ nhưng đâu biết rằng đang vô tình tiếp tay cho những kẻ lười lao động.

“Tôi còn biết là có người đi ăn xin để làm giàu, để xây nhà. Hành vi này không thể chấp nhận được, cần phải có biện pháp ngăn chặn,” ông Long khẳng định.

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết thêm, thông thường nhiều người ăn xin hầu như không để ý đến lòng tự trọng của mình. Họ làm mọi cách để xin được tiền của người khác. Hành động đó gây phiền toái cho mọi người, tạo ấn tượng xấu trong mắt du khách nước ngoài.

“Việc để những người tự do đi ăn xin trên đường phố trông vào rất nhếch nhác. Chính vị vậy, tôi thấy cách  mà TP.HCM đang triển khai là rất hay và nên làm. Tôi rất ủng hộ”, ông Long chia sẻ.

ông Phan Đăng Long

Ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Ảnh Viết Cường

Trước câu hỏi của phóng viên, Hà Nội có nên làm như thành phố Hồ Chí Minh hay không, ông Long cho rằng mỗi địa phương có hoàn cảnh khác nhau nên không thể lấy cái của TP. Hồ Chí Minh để áp vào Hà Nội.

“Tôi nói không phải là bênh Hà Nội hay “ăn cây nào rào cây ấy” nhưng quả thực mấy năm gần đây, tại Hà Nội tình trạng ăn xin không còn nhiều. Chỉ thi thoảng mới thấy xuất hiện ở một số khu vực ngoại thành, còn ở trung tâm thì gần như không có”, ông Long nhìn nhận.

Bên cạnh đó, ông Long cho rằng, mấy năm nay các trung tâm bảo trợ xã hội của Hà Nội đã rất quyết liệt trong việc đưa những người lang thang cơ nhỡ về trung tâm để chăm sóc.

“Hà Nội quyết liệt như vậy có nhiều lí do. Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị, kinh tế của cả nước, mỗi năm có rất nhiều du khách nước ngoài đến tham quan, nếu để người ăn xin tràn lan ở các phố phường thì sẽ làm xấu đi hình ảnh của thủ đô trong mắt du khách. Họ không thích thì sẽ không quay lại nữa. Và không phải ngẫu nhiên năm vừa rồi Hà Nội được trang Lifehack đánh giá là 10 thành phố giàu bản sắc văn hóa nhất thế giới, du khách nên đến thăm ít nhất một lần trong đời”, ông Long vui mừng chia sẻ.

Về chất lượng sống trong các trung tâm bảo trợ, ông Long đánh giá, tuy các trung tâm bảo trợ xã hội ở nước ta đã có nhiều cố gắng nhưng do nước mình còn nghèo, đời sống của những người trong trung tâm chưa được đầy đủ nên nhiều người họ không muốn ở trong đó và tìm cách trốn ra ngoài tiếp tục đi ăn xin.

Ông Long tái khẳng định, Hà Nội rất quyết tâm trong việc giải quyết nạn ăn xin tại thành phố.

“Có lần tôi nghe anh Nghị (Bí thư Thành ủy Hà Nội – PV) kể, lúc đang tập thể dục buổi sáng trong công viên Thống Nhất thì nhìn thấy người ăn xin. Anh Nghị gọi điện luôn cho lãnh đạo Sở Lao Động-Thương binh-Xã hội lưu ý để đưa họ về trung tâm bảo trợ xã hội”, ông Long cho biết.

Cuối cùng, vị Phó Ban Tuyên giáo Hà Nội nhấn mạnh lại rằng, mỗi địa phương có hoàn cảnh riêng nên cần áp dụng những chính sách, cơ chế sao cho phù hợp.

“Còn cá nhân tôi rất ủng hộ phương án trên của Thành phố Hồ Chí Minh”, ông Long nói./.

Viết Cường

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang