TP. HCM: 'Nóng' truy xuất nguồn gốc thịt lợn

author 15:23 01/09/2017

(VietQ.vn) - Một ngày, TP.HCM tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn với khoảng 1.200 đơn vị cung cấp tại nhiều tỉnh, thành, địa phương khác nhau, khiến công tác kiểm soát truy xuất nguồn gốc thịt lợn trở nên vô cùng nan giải.

Khó khăn trong việc ngăn thịt lợn không nguồn gốc vào chợ đầu mối

Vừa qua, đoàn công tác liên ngành TP Hồ Chí Minh đã chốt chặn nguồn thịt lợn nhập vào thành phố thông qua cửa ngõ phía Tây để kiểm tra thực tế việc đeo vòng nhận diện truy xuất nguồn gốc. Kết quả kiểm tra 16 trường hợp thì chỉ có 3 trường hợp đeo vòng đúng quy định. Số còn lại không đeo vòng hoặc đeo vòng chỉ để đối phó (không có thông tin nguồn gốc).

Thực trạng này cũng diễn ra tương tự ở cửa ngõ phía Đông, nguồn thịt lợn chủ yếu được nhập vào thành phố từ các trại nuôi ở Đồng Nai nhưng quy định đeo vòng truy xuất nguồn gốc vẫn chưa được các nhà phân phối chấp hành triệt để.

Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, hiện thành phố có hai kênh cung ứng nguồn thịt lợn là kênh tiêu thụ truyền thống thông qua hai chợ đầu mối (chiếm khoảng 80%) và kênh phân phối hiện đại thông qua hệ thống siêu thị (chiếm khoảng 20%).

Các cơ quan chức năng cho rằng, nếu tập trung quản lý chặt chẽ nguồn thịt lợn tại các chợ đầu mối thì TP Hồ Chí Minh sẽ kiểm soát được thị trường. Tuy nhiên, sau một tháng UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu bắt buộc thịt lợn nhập vào các chợ đầu mối phải truy xuất được nguồn gốc, thực tế tỷ lệ vi phạm lên tới khoảng 1/3.

Trong khi đó, bình quân một ngày thành phố tiêu thụ khoảng 10.000 con lợn với khoảng 1.200 đơn vị cung cấp tại nhiều tỉnh, thành, địa phương khác nhau, khiến công tác kiểm soát truy xuất nguồn gốc trở nên vô cùng nan giải.

Công tác truy xuất nguồn gốc thịt lợn tại TP.HCM vẫn đang gặp nhiều khó khăn, trở ngại. Ảnh: Soha

Nhằm bảo đảm nguồn thịt lợn sạch, an toàn cho người dân, UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Ban Quản lý an toàn thực phẩm tổ chức lấy mẫu nhanh, kiểm tra vi sinh, chất cấm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đối với các sản phẩm thịt lợn không có vòng nhận diện hoặc không đủ thông tin truy xuất nguồn gốc tại tất cả các điểm phân phối trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng yêu cầu Chi cục Quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động vận chuyển thịt lợn tại các cửa ngõ thành phố (kể cả các đầu tuyến cao tốc); tập trung kiểm tra hóa đơn, chứng từ, phiếu xuất kho, lấy mẫu, test nhanh kiểm tra chất cấm... thực hiện xử phạt "nóng" các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trong tháng 9/2017, thành phố sẽ bắt buộc 100% thịt lợn phải có đầy đủ thông tin truy xuất nguồn gốc mới được nhập vào các chợ đầu mối. Ông Hòa cũng khuyến cáo các công ty quản lý kinh doanh chợ phải áp dụng nội quy từ chối không đưa vào chợ kinh doanh những sản phẩm không thực hiện việc truy xuất nguồn gốc rõ ràng.

"Khi nào người tiêu dùng biết rõ nguồn gốc miếng thịt lợn họ mua đến từ đâu, do ai sản xuất, có bảo đảm chất lượng hay không thì lúc đó người tiêu dùng mới ủng hộ ngành chăn nuôi lợn", ông Hòa khẳng định.

Trong khi đó, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đã yêu cầu các cơ quan chức năng có liên quan đẩy mạnh hơn nữa hoạt động kiểm tra, kiểm soát nguồn thịt lợn nhập về thành phố. Đối với các trường hợp sản phẩm thịt lợn không có vòng nhận diện hoặc có vòng nhận diện nhưng không có thông tin nguồn gốc sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.

"Mặc dù còn không ít trở ngại nhưng thành phố sẽ kiên quyết, kiên trì thực hiện thành công việc quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn. Điều này giúp bảo đảm nguồn cung ứng thịt lợn sạch, an toàn cho người tiêu dùng, từ đó thay đổi thói quen sản xuất của người chăn nuôi", ông Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh.

Dự kiến tăng mức phạt vi phạm an toàn thực phẩm

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến về dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. Theo dự thảo, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.

Trường hợp áp dụng mức phạt cao nhất của khung tiền phạt theo quy định mà vẫn thấp hơn 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm (đối với cá nhân) hoặc thấp hơn 7 lần tổng giá trị (đối với tổ chức) thì mức phạt được áp dụng bằng 3,5 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với cá nhân, hoặc 7 lần tổng giá trị thực phẩm vi phạm tại thời điểm vi phạm đối với tổ chức.

Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như: tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy có thời hạn, tước quyền sử dụng giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm có thời hạn...; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; buộc chịu mọi chi phí cho việc xử lý ngộ độc thực phẩm, khám, điều trị người bị ngộ độc thực phẩm trong trường hợp xảy ra ngộ độc thực phẩm.

Phong Lâm (T/h)

 

Giá cả thị trường ngày 31/8: Vì sao thịt lợn miền Bắc tăng, miền Nam giảm? (VietQ.vn) - Theo khảo sát thị trường tại Hà Nội, giá thịt lợn có xu hướng tăng nhẹ trong khi đó, giá rau có xu hướng giảm.
Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang