TP.HCM truy xuất nguồn gốc thịt heo, nhiều thương lái vẫn phớt lờ, bất chấp quy định

author 07:31 01/08/2017

(VietQ.vn) - Nhiều thương lái vẫn phớt lờ, bất chấp quy định về truy xuất nguồn gốc thịt heo tại hai chợ đầu mối của TP.HCM.

UBND TP.HCM vừa giao Sở Công Thương TP.HCM thông tin về quy trình và quy định của Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo tại hai chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn đến các cơ quan, đơn vị tỉnh có cung ứng nguồn thịt heo cho thị trường thành phố.

Theo đó, Sở Công thương cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Thành phố được yêu cầu phải đồng thời thông báo đến các chủ thể tham gia Đề án, các cơ sở chăn nuôi, giết mổ heo trên địa bàn thông tin là từ ngày 31/7/2017, TP.HCM chính thức kiểm soát toàn bộ thông tin truy xuất nguồn gốc thịt heo được kinh doanh tại hai chợ đầu mối này.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được UBND TP.HCM giao thực hiện việc kiểm soát, chốt chặn tại các trạm đầu mối giao thông vận chuyển heo, sản phẩm thịt heo từ các tỉnh vào thành phố.

UBND 24 quận-huyện có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát số lượng cơ sở, hộ gia đình chăn nuôi heo trên địa bàn chưa đăng ký tham gia Đề án; bố trí nhân sự vào các ngày trọng điểm, kiểm tra, giám sát tại hai chợ đầu mối và các cơ sở giết mổ trên địa bàn; phối hợp với hai công ty quản lý chợ đầu mối tăng cường tuyên truyền, vận động thương nhân kinh doanh thịt heo nghiêm túc chấp hành các quy định của Đề án.

Trong ngày đầu ra quân truy xuất nguồn gốc thịt heo, cơ quan chức năng TPHCM phát hiện nhiều thương lái cố tình phớt lờ, không tuân thủ quy định. Ảnh minh họa 

Ở một diễn biến khác, trong ngày 31/7, TP.HCM chính thức bắt buộc thịt heo khi vào 2 chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn phải có truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, ngay trong ngày đầu thực hiện, các chủ thể tham gia chuỗi truy xuất (bao gồm trại chăn nuôi, thú y, thương nhân bán sỉ và thương nhân bán lẻ thịt heo) vẫn phớt lờ quy định, nhiều cơ sở vẫn phát hiện thịt heo không nguồn gốc, không tuân thủ quy định.

Theo báo cáo về kết quả kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án quản lý, nhận diện truy xuất nguồn gốc thịt heo trong ngày 31/7 của ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, chỉ có 3.351 con heo trong tổng số 9.600 con tiêu thụ tại thành phố được các cơ sở chăn nuôi kích hoạt và khai báo thông tin.

Sau khi giết mổ, ghi nhận tại hệ thống cho thấy chỉ còn 21% số heo được kích hoạt thông tin và 13% trong tổng số 9.600 con có truy xuất nguồn gốc được bán ở 2 chợ đầu mối.Trước tình hình này, ban quản lý chợ đầu mối Hóc Môn đã tiến hành lập biên bản một số trường hợp, yêu cầu nghiêm túc thực hiện.

Đặc biệt, tại cơ sở giết mổ An Hạ (H.Củ Chi), đoàn công tác của Sở Công thương Thành phố qua kiểm tra phát hiện chỉ có 8/78 xe heo nhập vào lò giết mổ này có đeo vòng nhận diện, truy xuất nguồn gốc; có 63/78 xe dây niêm cửa xe... nhưng lại chưa được cơ quan thú y kích hoạt nên lực lượng chức năng tại cơ sở giết mổ không thể thực hiện quét thông tin  về nguồn gốc dù rằng theo lời các nhà xe thì trước đó heo thịt đã được đeo vòng nhận diện, truy xuất nguồn gốc theo quy định tại trang trại. Tại chợ đầu mối Bình Điền, 100% heo đưa vào đây không tuân thủ quy định nên ban quản lý chợ quyết định lập biên bản chung, báo cáo tình hình lên UBND TP.HCM.

Về nguyên nhân các chủ thể dù đã ký kết tuân thủ nhưng vẫn bỏ qua, phớt lờ việc thực hiện đề án, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết thành phố là địa phương duy nhất trong cả nước thực hiện việc quản lý chất lượng thực phẩm theo chuỗi từ khâu chăn nuôi đến tiêu thụ nên gặp nhiều khó khăn.

Người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc thịt heo bán tại một cửa hàng thuộc hệ thống CoopFood trên địa bàn quận 3, TP.HCM 

Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, hàng hóa lưu thông trên thị trường cần có hóa đơn chứng từ hợp lệ; TP.HCM yêu cầu cao hơn nhưng không chủ động được nguồn hàng vì 85% thịt heo cung ứng đến từ các tỉnh. Vì vậy, sự thành công của đề án phụ thuộc rất lớn vào mức độ hợp tác của các tỉnh. Ngoài ra, khó khăn còn xuất phát từ việc các cơ sở chăn nuôi, thương lái phải thực hiện theo đề án thì khó chịu vì ảnh hưởng đến quyền lợi riêng.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho biết Sở Công Thương đã báo cáo tình hình và chờ chỉ đạo cụ thể của UBND TP. Trước mắt, cơ quan chức năng phải tiếp tục khắc phục khó khăn để đề án đi đúng hướng và hiệu quả.

Từ ngày 16/12/2016, Sở Công thương TP.HCM chính thức vận hành đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo thông qua ứng dụng di động TE-FOOD (tải về miễn phí từ App Store hay Play Store). Đây là đề án thuộc dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2016-2020.

Theo đó, tại các quầy hàng, người tiêu dùng có thể sử dụng smartphone được cài sẵn ứng dụng TE-FOOD để truy xuất thông tin “nguồn gốc” về miếng thịt như trang trại, địa điểm, thời gian giết mổ, chợ đầu mối, chủ sạp, chợ bán lẻ, tiểu thương…; hoặc sử dụng thiết bị chuyên dụng được các siêu thị, điểm kinh doanh cung cấp. Ngoài ra, ứng dụng TE-FOOD còn có thêm tính năng “gợi ý” các địa điểm bán thịt heo sạch ở khu vực lân cận bằng bản đồ theo chế độ thời gian thực.

Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho hay, heo xuất chuồng sẽ được đeo vòng nhận diện có khắc mã vạch QR code chứa các thông tin về trang trại chăn nuôi, và các thông tin ở những công đoạn tiếp theo (đến cơ sở giết mổ, chợ đầu mối, chợ, siêu thị bán lẻ). Sau đó, thịt khi bán ra thị trường sẽ được dán tem truy xuất nguồn gốc. Qua mỗi công đoạn, thông tin về sản phẩm thịt heo được lưu trữ trên hệ thống quản lý TE-FOOD trong vòng 5-10 năm.

Từ tháng 9/2017, người dân tại TP.HCM sẽ có thể sử dụng chính ứng dụng TE-FOOD để truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm là thịt và trứng gia cầm.

Phong Lâm

TP.HCM đẩy mạnh việc truy xuất nguồn gốc thịt heo, đảm bảo ATVSTPVietQ.vn - Trong thời gian qua, TP.HCM đã từng bước đẩy mạnh việc thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo với mục tiêu đảm bảo ATVSTP cho người dân.

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang