TP.HCM: Xăng xuống giá liên tục, nhiều hãng xe vẫn ‘chây lỳ’ giảm giá vé

author 08:07 23/01/2015

(VietQ.vn) – Mặc dù xăng giảm giá liên tục, thế nhưng cho đến nay, vẫn còn 35% doanh nghiệp (119/344 doanh nghiệp) xe chất lượng cao, vận tải vẫn chưa chịu giảm giá cước.

Đó là thông tin được lãnh đạo bến xe miền Tây và miền Đông đưa ra tại Hội nghị triển khai kế hoạch phục vụ vận tải hành khách đường bộ dịp tết Nguyên Đán năm 2015, do Sở GTVT TP.HCM vừa tổ chức hôm 22/1.

Thống kê ban đầu cho biết, tính đến đợt giảm giá xăng cuối cùng vào ngày 21/1, đến nay, vẫn còn 119/344 doanh nghiệp vận tải vẫn chưa chịu giảm giá cước, mức giảm từ 7 đến 20% tùy theo từng tuyến.

Cụ thể, tại bến xe miền Tây vẫn còn 20/130 doanh nghiệp và tại bến xe miền Đông là 99/214 doanh nghiệp không chịu giảm giá cước. Theo lý giải của ông Phạm Văn Phương – Phó Tổng Giám đốc bến xe miền Tây, đa số các doanh nghiệp không chịu giảm giá vé vì trong các đợt tăng giá xăng, những doanh nghiệp này hoàn toàn không tăng giá vé.

Đặc biệt, tại bến xe miền Đông, trong dịp tết Nguyên Đán năm nay, có 5 doanh nghiệp đã đăng ký xin tăng giá vé, trong đó có các tuyến từ TP.HCM đi Tuy Hòa (Phú Yên) và TP.HCM đi Hải Phòng. Những doanh nghiệp này đã giải thích với các cơ quan chức năng, do phí nhân công, phí cầu đường tăng, cùng với thời gian khuyến mãi vé đã hết, nên xin tăng giá vé.

Ngay sau khi phát hiện vụ việc bất thường này, Sở GTVT TP.HCM đã gửi văn bản cho Sở Tài chính TP.HCM, cùng với Sở GTVT các tỉnh Phú Yên, Hải Phòng đề nghị doanh nghiệp phải có ngay hình thức giảm giá vé, vì giá xăng đã liên tục giảm mạnh trong thời gian vừa qua, tăng giá vé trong lúc này là không có lợi, sẽ tác động xấu tới thị trường vận tải.

Bất chấp lời kêu gọi của các cơ quan Nhà nước, cho tới nay, những doanh nghiệp này vẫn bất chấp, niêm yết giá vé tết với mức tăng hơn thường lệ.

Dù giá xăng liên tục giảm, nhưng vẫn còn có rất nhiều nhà xe không giảm giá vé. Ảnh: H.T

Theo ông Nguyễn Quốc Chiến – Trưởng ban vật giá, Sở Tài Chính TP.HCM, tính đến ngày 15/12/2014, sau 12 lần giảm giá xăng dầu đã có 25/26 hãng taxi giảm giá cước, 42/57 doanh nghiệp vận tải liên tỉnh giảm giá cước. Khi giá xăng giảm sâu tiếp tục thì cũng đã có thêm 12 hãng taxi và 32 doanh nghiệp vận tải tuyến cố định giảm giá cước lần hai.

Về việc 119 doanh nghiệp chưa chịu giảm giá cước, ông Chiến giải thích: Trong số những doanh nghiệp này, chỉ có 55 doanh nghiệp là có trụ sở chính đang hoạt động tại TP.HCM. Số doanh nghiệp còn lại đều đăng ký hoạt động chính tại các tỉnh, TP khác, nên TP.HCM không thể quản lý trực tiếp được.

Giảm giá cước bao nhiêu là thích hợp?

Theo tính toán của Sở Tài Chính TP.HCM, giá xăng chiếm từ 25 – 30% giá cước taxi, nên sau khi giá xăng đã giảm đến gần 8.000 đồng, dầu giảm hơn 7.000 đồng/lít, thì giá cước taxi cần phải giảm khoảng 8,4% mới là hợp lý. Đối với các doanh nghiệp vận tải tuyến cố định, xăng chiếm khoảng 35% giá cước, thì xăng giảm giá, giá cước phải giảm khoảng 11% mới gọi là hợp lý.

Đại diện cho Sở Tài Chính TP.HCM cũng cho biết thêm, sau đợt giảm giá xăng mới đây nhất, Sở Tài Chính cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải phải kê khai lại giá cước, trình Sở Tài Chính quyết định trước ngày 31/1. Những doanh nghiệp nào muốn được phụ thu từ 20 – 60% trong dịp tết sắp tới, Sở Tài Chính yêu cầu phải giảm giá cước mới cho phép phụ thu.

Chánh Thanh tra Sở Tài Chính TP.HCM – ông Nguyễn Tấn Bình cho biết, để tránh nguy cơ các doanh nghiệp ‘làm giá’ trong dịp tết sắp tới, lực lượng thanh tra của cơ quan này sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm khắc những doanh nghiệp nào bán vé quá giá niêm yết.

Trong vòng 3 tuần đầu tiên của tháng 1/2015, lực lượng thanh tra Sở Tài Chính TP.HCM đã xử phạt 1 doanh nghiệp bán vé quá giá niêm yết, với mức xử phạt 15 triệu đồng, còn trong năm 2014 đã phạt 8 doanh nghiệp với mức phạt 120 triệu đồng.

Hà Trang

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang