TP.HCM: Trong 9 tháng phạt hơn 6,1 tỷ đồng hàng giả, kém chất lượng

author 08:45 13/10/2018

(VietQ.vn) - Thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP.Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm 2018, đơn vị này đã phát hiện, thu giữ hàng nghìn hàng hóa vi phạm và xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,1 tỷ đồng.

Trong các mặt hàng bị làm giả, hàng kém chất lượng đang lưu thông trên thị trường TP Hồ Chí Minh thì mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đông dược có mức độ vi phạm nhiều nhất. Điều đáng lo ngại là các mặt hàng kém chất lượng này đã gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe không ít người tiêu dùng.

 Cơ quan QLTT TP.Hồ Chí Minh kiểm tra hàng hóa tại một siêu thị trên địa bàn.

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) thành phố cho biết: Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, nhất là nhóm hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trên thị trường TP Hồ Chí Minh vẫn đang diễn ra rất phức tạp. Nhiều đối tượng đã sử dụng những nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, giá cả thấp hoặc không có công dụng để sản xuất các sản phẩm làm giả các nhãn hiệu nổi tiếng nhằm thu lợi bất chính. Các đối tượng đã lợi dụng những bất cập về cơ chế, chính sách, những sơ hở trong công tác quản lý và những hạn chế của người tiêu dùng để sản xuất, phân phối, hình thành các đường dây, băng nhóm sản xuất, tiêu thụ các mặt hàng này.

Trong chín tháng đầu năm 2018, Chi cục QLTT thành phố đã kiểm tra 447 vụ, phát hiện 443 vụ vi phạm hàng hóa vi phạm do không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ, tạm giữ 13.492 kg; gần 352 nghìn đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đông dược.

Đối với hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, tạm giữ 470 sản phẩm nước hoa, sơn móng tay; 2.734 hộp thực phẩm chức năng trà sâm thảo mộc, Cotipa 200, Btanol 500, Motafin 300… Hàng hóa hết hạn sử dụng là 11.536 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm; hàng hóa vi phạm về nhãn mác 221.991 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.

Trong nhóm hàng này, lực lượng QLTT còn phát hiện nhiều công ty, cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, không công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, không thực hiện việc mở sổ theo dõi hoạt động bán thuốc, để lẫn sản phẩm không phải là thuốc cùng với thuốc… và đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 6,1 tỷ đồng.

Chỉ trong một đợt kiểm tra (từ ngày 7 - 16/7) theo Quyết định 334 QĐ-BCT2018 của Bộ trưởng Công Thương, QLTT thành phố đã tạm giữ 21.843 sản phẩm mỹ phẩm, 30.454 sản phẩm dược phẩm, 755 sản phẩm thuốc đông dược, 5.490 thực phẩm chức năng, 6.697 vật tư sản xuất mỹ phẩm do không có hóa đơn chứng từ, hàng không rõ nguồn gốc của 109 cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Ngô Bách Phong, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, các mặt hàng mỹ phẩm và thực phẩm chức năng là những mặt hàng người tiêu dùng đến hội khiếu nại về chất lượng nhiều nhất trong thời gian gần đây. Các khiếu nại phần lớn là người tiêu dùng mua hàng có thương hiệu với giá rẻ, mua trên mạng, nguồn gốc hàng không rõ ràng, vì thế việc đi đòi quyền lợi là rất gian nan.

Phó Chi cục trưởng QLTT thành phố Nguyễn Văn Bách cho biết thêm: Mặc dù Chi cục QLTT đã tăng cường kiểm soát đối với nhóm hàng này nhưng tình hình gian lận trong sản xuất, kinh doanh vẫn đang diễn ra ngày một đa dạng với phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn.

“Thực tế cho thấy, nhiều đối tượng đã dùng phương thức kinh doanh tập trung trên mạng internet thông qua các trang web và mạng xã hội như facebook, Zalo… với việc giao hàng tại nhà, giao hàng tận nơi, rất khó để phát hiện, kiểm tra xử lý nên người dân cần cẩn trọng và đề cao cảnh giác khi lựa chọn mua các sản phẩm qua hình thức này”, ông Bách chia sẻ.

Trên thị trường mỹ phẩm hiện nay hơn 70% là hàng giả, hàng kém chất lượng(VietQ.vn) - Ngày 30/3, hội thảo “Nâng cao hiệu quả phối hợp giữa doanh nghiệp và lực lượng thực thi trong công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ” do Cơ quan Phát triển Pháp ở VN, Cục Quản lý thị trường, Expertise France tổ chức ở HCM

Bảo Anh

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang