TPP – Sức ép không nhỏ để doanh nghiệp đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ

author 14:28 10/02/2016

(VietQ.vn) - Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, TPP tạo ra sức ép, thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong việc bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp các chuẩn mực quốc tế về sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh

Sự kiện Việt Nam vừa kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), trong đó, sở hữu trí tuệ là một trong những nội dung được đặc biệt chú trọng đã mở ra cơ hội lớn để Việt Nam tham gia vào chuỗi sản xuất, thương mại khu vực và toàn cầu.

Do tính chất quan trọng của sở hữu trí tuệ nên trong 30 chương của Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã có hẳn một chương riêng cho vấn đề này, trong đó điều chỉnh các lĩnh vực về bằng sáng chế, nhãn hiệu, bản quyền, bí mật thương mại, các hình thức khác của quyền sở hữu trí tuệ.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Trần Việt Thanh kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ cho rằng, Hiệp định TPP trong đó Việt Nam là thành viên có tiêu chuẩn cao về thương mại, nhất là về khía cạnh sở hữu trí tuệ với các quy định phải thực hiện rất cao so với các Hiệp định trước đây.

“Do đó, TPP tạo ra sức ép và thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp trong việc bảo đảm các hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp các chuẩn mực quốc tế về sở hữu trí tuệ và tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm, hàng hóa”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh nói.

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, các doanh nghiệp đều nhận thức được phải nghiên cứu thêm rất nhiều vấn đề về sở hữu trí tuệ, về thực thi quyền sở hữu trí tuệ và về bảo hộ quyền về sở hữu trí tuệ trong kinh doanh quốc tế, theo các nội dung rất mới trong Hiệp định TPP. Có như vậy thì các doanh nghiệp mới có thể chủ động để phát huy hoạt động quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình một cách hiệu quả hơn, và rất nên có nhân sự được đào tạo chuyên môn về quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp.

Về phía Bộ KH&CN, ngay từ năm 2011, nhận thức rõ vai trò và tầm quan trọng của tài sản trí tuệ đối với doanh nghiệp và nền kinh tế, Bộ đã xây dựng và Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cho triển khai Chương trình Hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ (Chương trình) nhằm thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ, nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, cải thiện năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Qua 5 năm triển khai, được sự phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành, địa phương, chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong giai đoạn 2011 – 2015, Chương trình đã hỗ trợ việc bảo hộ sáng chế cho 61 giải pháp kỹ thuật và công nghệ và áp dụng thực tiễn 11 sáng chế; quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ cho 9 trường đại học và viện nghiên cứu; bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với 109 đặc sản địa phương mang địa danh; hỗ trợ thành lập 52 hiệp hội, hội để quản lý tài sản trí tuệ của cộng đồng; tập huấn về sở hữu trí tuệ cho hơn 30.000 lượt người; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên đài truyền hình của 49 địa phương với gần 3.000 số phát sóng.

Hoạt động sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ cũng đã và đang được khởi xướng mạnh mẽ ở các địa phương. Đến nay, đã có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt và triển khai Chương trình riêng của địa phương mình, góp phần tích cực thúc đẩy năng suất, chất lượng của sản phẩm, hàng hóa là thế mạnh và tiềm năng vùng, miền và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Những thành công bước đầu của chương trình cho thấy tính đúng đắn, kịp thời và phù hợp với thực tiễn của chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề này. Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Việt Thanh đánh giá, kết quả của Chương trình vẫn còn khiêm tốn, chưa hoàn toàn đáp ứng được kỳ vọng, nhu cầu và vướng mắc của doanh nghiệp và nền kinh tế về bảo hộ, sử dụng và khai thác tài sản trí tuệ.

Trên cơ sở phát huy những kết quả đạt được của Chương trình giai đoạn 2011 – 2015, chính sách phát triển nền kinh tế và yêu cầu từ công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam, Bộ KH&CN đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Chương trình Hỗ trợ Phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2 từ 2016 – 2020.

Điểm đặc biệt trong giai đoạn 2 này, theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, cách tiếp cận, đề xuất nội dung, phương án triển khai có nhiều điểm mới so với giai đoạn 2011 – 2015. “Chương trình sẽ tập trung vào đối tượng là các doanh nghiệp, sản phẩm được gắn biểu trưng thương hiệu quốc gia, sản phẩm trọng điểm, bảo hộ ra nước ngoài cho các sản phẩm của Việt Nam, bảo hộ và khai thác sáng chế, tăng cường hiệu quả hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, giúp doanh nghiệp khai thác và phát triển tài sản trí tuệ của mình trở thành công cụ để doanh nghiệp phát triển bền vững”, Thứ trưởng Trần Việt Thanh khẳng định.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang