Cơ hội và thách thức lớn cho ngành dệt may Việt Nam

author 07:04 08/11/2013

(VietQ.vn) - Đối với ngành dệt may Việt Nam, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương là một cơ hội quan trọng để mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ rộng lớn.

131106_tppLãnh đạo các nước tham gia đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện vẫn đang ở trong quá trình đàm phán và là một thỏa thuận tự do thương mại đa phương nhằm hội nhập các nền kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương. Đã có 5 nước ký kết TPP và 5 nước đang thương lượng là Australia, Malaysia, Peru, Mỹ và Việt Nam. Mục tiêu ban đầu của TPP là cắt giảm 90% các loại thuế nhập khẩu giữa các nước thành viên và đến năm 2015, mức thuế sẽ bằng 0.

Đối với ngành dệt may - một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và đã nhiều lần lao đao trước rào cản thuế quan và hạn ngạch của các nước, đây là một cơ hội quan trọng để mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường Mỹ rộng lớn, đầy hấp dẫn. Nếu thành công trong việc đàm phán, 95 chủng loại sản phẩm dệt may của Việt Nam đang xuất khẩu vào Mỹ sẽ được hưởng thuế suất 0%, trong khi thuế suất hiện nay lên đến 17,5%.

Theo với thời gian, Việt Nam nay là nước xuất khẩu hàng dệt may vào Mỹ lớn thứ hai, chỉ sau Trung Quốc. Trong năm 2012, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may đạt 17,1 tỷ USD, đưa Việt Nam thành quốc gia xuất khẩu hàng dệt may đứng hàng thứ 5 trên thế giới.

Tuy nhiên, nhược điểm lớn của ngành dệt may Việt Nam là nguồn nguyên liệu bị phụ thuộc vào nước ngoài. Chẳng hạn bông phải nhập đến 99%, nguyên liệu xơ nhập 50%, chưa kể các loại phụ liệu đến từ Trung Quốc. Trong khi đó một trong những điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế quan là phải chứng minh nguyên, phụ liệu có xuất xứ từ Việt Nam hay các nước thành viên TPP.

Như vậy việc gia nhập TPP là cơ hội hay thách thức đối với ngành dệt may Việt Nam?

Trả lời phỏng vấn của của RFI, ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan Thành phố Hồ Chí Minh, cho rằng gia nhập TPP vừa là lợi thế, vừa là thách thức đối với những ngành có tính cạnh tranh chưa cao. Theo ông, ngành dệt may Việt Nam được đánh giá là ngành có tính cạnh tranh khá cao.

Ông Diệp Thành Kiệt cho rằng bên cạnh tỉ lệ nội địa hóa trong vùng 55%, phía Mỹ đang yêu cầu phải dùng sợi trong khu vực và đây mới thực sự là trở ngại lớn nhất đối với ngành dệt may Việt Nam. Theo nghiên cứu của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, một số nước ký FTA với Hoa Kỳ, sau 1-2 năm đầu thì hầu hết xuất khẩu dệt may của các nước này đều sút giảm do rào cản của chính sách này.

Washington đang muốn áp đặt việc Việt Nam phải mua bông và mua sợi - trước hết là của các nước trong vùng, nhưng thực chất là của Mỹ. Để mua bông và sợi của Hoa Kỳ, đòi hỏi hai điều. Thứ nhất là chi phí sản xuất, giá thành sẽ bị đội lên cao. Thứ hai là những sản phẩm dùng bông, sợi Mỹ phải có đẳng cấp cao. Đây là thách thức lớn nhất của Việt Nam sắp tới.

Nhìn chung, theo ông Diệp Thành Kiệt, TPP là một cơ hội lớn cho ngành dệt may để vào được thị trường khổng lồ trên thế giới là thị trường Mỹ.

Trong thời gian qua khi nền kinh tế Việt Nam đối đầu với những khó khăn, ngành dệt may là ngành không có tập trung lớn về vốn liếng, mà vẫn tiếp tục phát triển. Điều này cho thấy bản thân ngành dệt may có được sức sống nhất định.

 

Văn Bảo


 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang