Việt Nam sẽ thiệt thòi khi TPP chỉ có tiêu chuẩn chung?

author 07:46 14/10/2015

(VietQ.vn) - Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) chỉ có một tiêu chuẩn chung. Đây chính là thách thức lớn đối với Việt Nam khi chúng ta có trình độ phát triển được đánh giá là thấp nhất trong 12 nhóm nước TPP.

Sức ép từ tiêu chuẩn chung của TPP

TPP là một FTA thế hệ mới, FTA của thế kỷ 21. Bởi vậy, Bộ Công Thương cho hay, các nước trong TPP không tạo ra tiêu chuẩn kép trong TPP, tức là TPP không có tiêu chuẩn cao cho nhóm các nước có mức độ phát triển cao và tiêu chuẩn thấp cho nhóm còn lại. TPP chỉ có một tiêu chuẩn chung. Đây chính là thách thức lớn đối với Việt Nam khi chúng ta có trình độ phát triển được đánh giá là thấp nhất trong 12 nhóm nước TPP.

Việt Nam phải vượt qua những khó khăn nào trong TPP

TPP sẽ khiến Việt Nam gặp sức ép vô cùng lớn từ vị thế một nước "yếu" nhất TPP

Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho hay, tuy không được tạo ra tiêu chuẩn riêng nhưng những nước có nền kinh tế phát triển hơn cam kết sẽ hỗ trợ về kỹ thuật cho nhóm nước còn lại để đáp ứng được lộ trình tham gia TPP có hiệu quả. Theo đó, Việt Nam cũng được một số nước đồng ý sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong thời gian tới.

Một số chủng loại nông sản mà Hoa Kỳ và một số nước khác trong TPP (Australia, New Zealand, Chile) có thế mạnh, sức ép cạnh tranh với Việt Nam là khá lớn khi thuế được đưa về 0%, trong đó nổi bật là thịt lợn, thịt gà. Theo Bộ Công thương, đây là những mặt hàng Việt Nam đã sản xuất được nhưng sức cạnh tranh còn yếu.

Ngoài ra, một số sản phẩm công nghiệp mà bạn hàng TPP có thế mạnh cũng có thể gây khó khăn cho sản xuất của ta, thí dụ như giấy, thép, ô tô. Tuy nhiên, sức ép cạnh tranh sẽ không lớn ở những nhóm sản phẩm này vì sản phẩm của Việt Nam hướng đến phân khúc thị trường trung bình trong khi sản phẩm của các nước TPP thường hướng đến phân khúc thị trường cao cấp.

Để vượt qua thách thức này, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp - chăn nuôi, Việt Nam sẽ phải hết sức nỗ lực, biến thách thức thành cơ hội, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, trong đó đặc biệt coi trọng cơ cấu lại ngành nông nghiệp, tổ chức lại sản xuất, thúc đẩy ứng dụng khoa học- công nghệ... để sản phẩm nông nghiệp đủ sức đứng vững trên sân nhà.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng nhận định: “Với những chương trình cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp như việc triển khai cánh đồng mẫu lớn, nước ta cần sớm rút kinh nghiệm để nhân rộng và phát triển hợp lý trong tương lại. Theo kết quả đàm phán, việc mở cửa thị trường trong một số lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ được thực hiện theo lộ trình phù hợp để hỗ trợ cho tiến trình cơ cấu lại”.

Lộ trình cần được sử dụng một cách chủ động, hiệu quả, tránh tình trạng ỷ lại vào lộ trình dẫn đến chậm đổi mới và từ đó là bị động, lúng túng khi thách thức đến.

Đặc biệt, theo Bộ Công thương, cần đổi mới và tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến để mọi doanh nghiệp đều nhận thức được cơ hội và thách thức của TPP nói riêng cũng như tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới nói chung.

Chuyên gia lo "sức đề kháng" của các ngành với TPP

Hội nhập không có nghĩa là tất cả các nước hội nhập đều được hưởng lợi. Bên cạnh nhiều lợi ích mà TPP mang lại như lợi ích xuất khẩu, thu hút đầu tư và áp lực với quá trình cải cách nói chung cũng như cải cách thể chế ở Việt Nam, ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, có những ngành, nhóm xã hội phải chịu thiệt thòi.

“Ở thời điểm hiện tại, chúng ta chưa biết được kết quả cam kết cuối cùng. Do vậy, còn những mặt hàng thời gian về 0 là có lộ trình và lộ trình này có thể kéo dài 5-15 năm”, ông Thành nói.

Xét về mặt ngành hàng, những ngành Việt Nam vốn không có khả năng cạnh tranh được bảo hộ nhiều năm có thể chịu tác động tiêu cực gồm chăn nuôi, thép, ôtô...

Ở góc nhìn khác, ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nguyên Trưởng đoàn đàm phán Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho rằng, tham gia TPP, chúng ta có nhiều cơ hội nhưng cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, sức mạnh trên chiến trường. “Tôi rất lo cho doanh nghiệp, nhưng tôi lo cho Nhà nước nhiều hơn bởi doanh nghiệp chịu sức ép của cạnh tranh thì phải vươn lên, có anh sẽ chết có anh trưởng thành, song bộ máy Nhà nước trì trệ rất nguy hiểm”, ông Tuyển nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với ông Tuyển, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, khi tham gia TPP, việc số 1 Việt Nam phải tập trung làm là cải cách thể chế, cải cách hệ thống hành chính. Theo bà Lan: “Nếu không cải cách mạnh mẽ về thể chế và hệ thống hành chính thì chúng ta tự đẩy mình vào vị thế bất lợi so với các quốc gia khác có hệ thống thể chế và hành chính hiện đại hơn. Vì vậy, đối với tôi, cơ hội TPP đối với Việt Nam ở cả hai mặt nhưng tôi coi cơ hội về cải cách là quan trọng hơn vì nó có thể mang lại những thay đổi rất cơ bản tạo nền tảng cho sự phát triển dài hạn của Việt Nam”.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, các nhà đầu tư không nên quá lạc quan vào TPP bởi TPP có sự góp mặt của các cường quốc kinh tế mạnh nhất thế giới. So sánh tương quan giữa 12 nước thành viên, Việt Nam có thể là nước kinh tế yếu hơn cả. “Với một sân chơi chung và luật chơi chung, nước yếu hơn vừa có cơ hội nhưng vừa phải chịu khó khăn lớn nhất, thậm chí khó khăn gấp bội lần”, ông Long nói.

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang