Trả lương cao cho 50 chuyên gia, dự báo thời tiết sẽ chính xác hơn

author 06:34 18/04/2013

(VietQ.vn) – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng Quốc gia cho rằng, nếu ông được quyền trả lương cao hẳn cho 50 người, chắc chắn bản tin dự báo sẽ chính xác hơn.

Để tìm ra những căn nguyên sâu xa và cách khắc phục việc dự báo thời tiết chưa thực sự chuẩn xác, PV Chất lượng Việt Nam có cuộc phỏng vấn với ông Phạm Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia.

Phó Tổng Giám đốc Phạm Văn Đức. Ảnh: HT
Phó Tổng Giám đốc Phạm Văn Đức. Ảnh: HT

- Thưa ông, muốn dự báo được thời tiết, chúng ta cần có những gì?

Phải có hệ thống quan tắc, hệ thống truyền tin và hệ thống dự báo. Trong đó, hệ thống dự báo cần các chuyên gia dự báo (dự báo viên), để thu thập các số liệu, tính toán trên các mô hình, để đưa ra các dự báo thời tiết.

- Các nhà khoa học đã đề xuất gì để nâng cao khả năng dự báo?

Đề án Nâng cao dự báo thời tiết được phê duyệt 140 tỷ trong 3 năm. Tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đến nay mới chỉ thực hiện được 20%, nên đến 2015 mới hoàn thành. Mục tiêu là nâng cấp, xây dựng một số trạm thu thập số liệu, để truyền về cá trạm trung tâm để dự báo.

Dự kiến phải đến năm 2030, chúng ta mới cơ bản xây dựng hệ thống dự báo vào loại tương đương với các nước tiên tiến trung bình của khu vực.

Bởi, nước ta còn đang gặp khó khăn về kinh tế, nên cũng chưa thể đầu tư một lúc nhiều ngay, mà phải làm từ từ. Các nước khác cũng phải mất hàng chục năm mới hiện đại hóa hết được các trạm đo đạc.

- Theo chúng tôi tìm hiểu, nguồn nhân lực có vai trò quan trọng trong việc phân tích số liệu, đưa ra các dự báo chính xác. Điều này phải cần có những người giỏi Toán và Vật lý. Tình hình nhân sự hiện nay so với ngày xưa ra sao?

Thời bao cấp ngày xưa, thế hệ những người được phân công đi học về khí tượng toàn là những người giỏi Toán và Lý. Tuy nhiên, giỏi các môn này chưa đủ,mà phải có kiến thức về dự báo. Vì vậy, cần có những người giỏi Toán và Lý, được đào tạo về khí tượng.

Nhưng ngày nay, kinh tế thị trường đã tác động lớn đến việc thu hút nhân tài.

Ngành Khí tượng ở ĐH Quốc gia Hà Nội nhiều năm nay có điểm đầu vào thuộc hàng…thấp nhất. Vì thế, Nhà nước phải có cơ chế để thu hút tài năng. Bởi tiền chỉ là một phần, còn con người mới là quan trọng.

- Nhưng Việt Nam không phải không có những người giỏi Toán và Lý. Làm thế nào để những người này đóng góp vào việc dự báo thời tiết?

Việc thu hút nhân tài đã có trong Chiến lược phát triển ngành khí tượng đến năm 2020. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thoát khỏi được những quy định về tài chính hiện hành, nên khó có thể trả lương cao và thu hút các nhà Toán, Lý giỏi về nước làm việc.

- Nếu ông có quyền tăng lương thì dự báo có chính xác hơn không?

Nếu tôi được quyền tăng lương thì chỉ cần tăng lương cao cho khoảng 40 – 50 người, chắc chắn sẽ thu hút nhân tài và dự báo thời tiết chính xác hơn.

- Ví dụ như ngành Điện hạt nhân, người ta đã có cơ chế cấp học bổng cho các em theo học ngành này, đề ra mức lương “sàn” khởi điểm hấp dẫn cho các kỹ sư ra trường. Vậy ngành khí tượng có nên học tập?

Chiến lược phát triển ngành khí tượng đến 2020 đã tính đến chuyện đó. Nhưng từ chủ trương đến chính sách còn dài. Nếu điều đó được áp dụng, sẽ khuyến khích học sinh giỏi ở nông thôn theo học ngành khí tượng, nâng cao nguồn nhân lực dự báo thời tiết

Xin cảm ơn ông !

Hoàng Tuân

(thực hiện)

 (

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang