Trái cây vào thị trường Trung Quốc sẽ được truy xuất nguồn gốc bằng hệ thống chuẩn

author 14:02 29/07/2019

(VietQ.vn) - Thông tin trên được ông Bùi Bá Chính – Phụ trách Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia (NBC) cho biết khi đề cập đến công tác triển khai Đề án 100 của Thủ tướng Chính phủ về triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc.

Sự kiện: CHÀO MỪNG 60 NĂM THÀNH LẬP NGÀNH TIÊU CHUẨN ĐO LƯỜNG CHẤT LƯỢNG

Theo lãnh đạo NBC, nhằm đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động truy xuất nguồn gốc để phục vụ hội nhập quốc tế và nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, bảo đảm chất lượng, tính an toàn của sản phẩm, hàng hóa, năm 2019, NBC đề xuất đầu tư nhiệm vụ Nghiên cứu phát triển phần mềm kê khai thông tin truy xuất nguồn gốc, bao gồm mô- đun truy xuất nguồn gốc trái cây xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Sản phẩm là hệ thống phần mềm quản lý tổng thể truy xuất nguồn gốc quốc gia, bước đầu bao gồm mô- đun dành riêng cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Các đơn vị giải pháp sẽ xây dựng phần mềm, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia sẽ thực hiện tham mưu, xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn, đưa ra tiêu chuẩn chung để chuẩn hóa hệ thống.

“Từ đó doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc có thể kê khai thông tin truy xuất nguồn gốc theo đúng yêu cầu của Tập đoàn Chứng nhận và Kiểm định Trung Quốc”, ông Chính cho biết.

Việt Nam đang tích cực triển khai các hoạt động hỗ trợ cho nông sản xuất khẩu trước những yêu cầu khắt khe về truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc.

Cũng theo ông Chính, sử dụng hệ thống phần mềm quản lý tổng thể truy xuất nguồn gốc quốc gia giúp cơ quan quản lý có được công cụ quản lý thông tin doanh nghiệp, người dân kê khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm trái cây lên hệ thống, đồng thời giúp người dân có được ứng dụng hoạt động tốt trên phần mềm quét của điện thoại, máy tính bảng.

Bên cạnh đó, còn là công cụ làm cơ sở để xây dựng dịch vụ tra cứu thông tin cho các tổ chức liên quan như: Hải quan, quản lý thị trường, các đơn vị khai thác, đơn vị cung cấp giải pháp tra cứu thông tin, truy xuất nguồn gốc...

Không chỉ phát triển phần mềm kê khai thông tin truy xuất nguồn gốc, trong kế hoạch năm 2020, Trung tâm Mã số mã vạch Quốc gia cũng đã đề xuất đầu tư nhiệm vụ Xây dựng Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia - hỗ trợ kết nối cho sản phẩm rau quả.

“Bước đầu thiết lập môi trường, hệ thống trang thiết bị, phần mềm cho Cổng thông tin Truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hoá quốc gia hỗ trợ kết nối cho rau, củ, quả, trái cây. Nhờ Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia này sẽ góp phần hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu rau, củ, quả sang Trung Quốc có thể kê khai thông tin truy xuất nguồn gốc theo đúng yêu cầu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc”, ông Chính thông tin thêm.

Được biết, dữ liệu Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia có đầu vào được thu thập thống nhất từ phần mềm kê khai thông tin truy xuất nguồn gốc quốc gia và từ hệ thống quản lý thông tin truy xuất của Bộ, ngành, địa phương hoặc từ các hệ thống truy xuất nguồn gốc của doanh nghiệp. Thông qua hệ thống trí tuệ nhân tạo AI, hệ thống tối ưu, chống lặp… mà các dữ liệu được chuẩn hoá và thống nhất theo quy tắc chung nhưng phù hợp với nhiều loại tiêu chuẩn như GS1, ISO 22005, EU, GlobalGAP… Và do đó đầu ra của Cổng có tính tương thích cao với nhiều loại yêu cầu và ứng dụng khác nhau.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, Trung Quốc luôn chiếm tỷ trọng cao trong xuất khẩu rau quả của Việt Nam: Từ 302 triệu USD năm 2013, chiếm khoảng 28% tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả đã tăng lên hơn 2,7 tỷ USD, chiếm hơn 73% trong năm 2018. Do đó, Trung Quốc là thị trường lớn cần phát huy, khai thác; bên cạnh việc tiếp tục mở rộng thị trường nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, xuất khẩu rau quả Việt Nam có giá trị cao và bền vững.

Hiện nay, Trung Quốc đã cho phép nhập khẩu chính ngạch đối với 8 loại trái cây tươi của Việt Nam gồm: Thanh long, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chuối, mít với bên cạnh yêu cầu cơ bản về bảo vệ thực vật như giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật và không nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật. Từ năm 2018, Trung Quốc yêu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu, cụ thể trên bao bì phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

Đồng loạt triển khai các hoạt động thúc đẩy thực hiện Đề án về truy xuất nguồn gốc(VietQ.vn) - Thực hiện nhiệm vụ xây dựng, triển khai, ứng dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc thống nhất trong cả nước, thời gian qua, Trung tâm MSMV Quốc gia (NBC) đã ‘bắt tay’ triển khai hoạt động này.

Thanh Uyên

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang