Trái Đất đang ở trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu

author 16:12 07/11/2019

(VietQ.vn) - Các nhà khoa học cho biết, Trái Đất đang ở trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Nó có thể đe dọa hệ sinh thái tự nhiên và số phận con người.

Cuộc khủng hoảng khí hậu đe dọa hệ sinh thái tự nhiên và số phận con người

Cảnh báo trên được công bố trên chuyên san BioScience nhân kỷ niệm 40 năm ra đời hội nghị khí hậu thế giới đầu tiên (tổ chức tại Geneva năm 1979). Tuyên bố dựa trên kết quả nghiên cứu của hàng chục nhà khoa học và được hơn 11.000 nhà khoa học đến từ 153 quốc gia trên thế giới công nhận.

Cụ thể, các nhà khoa học cảnh báo rằng, Trái Đất đang ở trong tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Để bảo đảm một tương lai bền vững, chúng ta phải thay đổi cách chúng ta đang sống. Điều này đòi hỏi những thay đổi lớn trong cách xã hội vận hành và tác động đến các hệ sinh thái tự nhiên. Cuộc khủng hoảng khí hậu đã đến và ngày càng nghiêm trọng hơn hầu hết những gì các nhà khoa học dự tính. Nó đe dọa hệ sinh thái tự nhiên và số phận của con người.

Các nhà khoa học cho biết thêm, những thay đổi cấp bách cần thực hiện bao gồm ngừng gia tăng dân số, không khai thác nhiên liệu hóa thạch trong lòng đất, không tàn phá rừng và giảm bớt việc ăn thịt.

 Khí hậu đang biến đổi trầm trọng gây họa cho cả hệ sinh thái lẫn con người

Giáo sư William Ripple từ Đại học bang Oregon, tác giả chính của nghiên cứu trên cho biết, ông bắt đầu nghiên cứu khi chứng kiến thời tiết ngày càng trở nên khắc nghiệt. Mục đích chính của cảnh báo là đưa ra đầy đủ các chỉ số quan trọng về nguyên nhân và hậu quả của biến đổi khí hậu, thay vì chỉ có chỉ số phát thải carbon và tăng nhiệt độ bề mặt.

Đồng tác giả nghiên cứu, ông Thomas Newsome từ Đại học Sydney cũng cho rằng, một tập hợp các chỉ số rộng hơn cần được theo dõi, trong đó có tăng trưởng dân số, lượng thịt tiêu thụ, giảm số lượng cây xanh bao phủ, lượng năng lượng tiêu thụ và mức thiệt hại kinh tế hàng năm liên quan tới hiện tượng thời tiết khắc nghiệt.

Một số dấu hiệu khác đáng lo ngại không kém là sự bùng nổ nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, tăng trưởng GDP thế giới, và "cuộc khủng hoảng khí hậu có liên quan mật thiết đến lối sống giàu sang".

Biện pháp hạn chế biến đổi khí hậu toàn cầu

Trong một diễn biến liên quan khác, vừa qua, theo báo cáo của ông Robert Watson - cựu Chủ tịch Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc (IPCC), phần lớn những cam kết mang tầm cỡ quốc gia được đưa ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015 vẫn chưa tương xứng để có thể ngăn chặn hậu quả tồi tệ nhất của tình trạng Trái Đất ấm lên.

Tác giả báo cáo đánh giá chính phủ các nước đang đi đúng hướng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, song những nỗ lực này chưa đủ và các nước cần đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn tại Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 25), dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới tại Tây Ban Nha.

Báo cáo của ông Wastson chỉ rõ chỉ có 36 trong tổng số 184 nước tham gia Hiệp định Paris đưa ra cam kết phù hợp và quyết tâm theo đuổi cam kết đó để đạt được mục tiêu chung kiềm chế mức tăng nhiệt độ dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Cụ thể, 28 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu đến năm 2030 cắt giảm 40% lượng khí thải carbon so với mức năm 1990. Hơn 10 nước, như như Australia, Nhật Bản và Brazil, được đánh giá có những nỗ lực vừa đủ để chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có tới 136 nước, chiếm 75%, thiếu những cam kết và hành động đủ mạnh mẽ chống biến đổi khí hậu theo Hiệp định. Trong danh sách này có tên các nước phát thải hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ.

Khí hậu toàn cầu nóng lên nghiêm trọng hơn những gì con người nghĩ(VietQ.vn) - Các nhà khoa học đã cảnh báo rằng biến đổi khí hậu trong thời điểm hiện tại nghiêm trọng hơn bất kì hiện tượng thời tiết nào từng xảy ra trong vòng 2000 năm qua.

Nhìn vào con số thực tế nêu trên, ông Wastson dự báo ngay cả khi tất cả các nước hoàn tất mục tiêu chống biến đổi khí hậu đã đề ra trong Hiệp định Paris, nhiệt độ Trái Đất vẫn sẽ tăng khoảng từ 3 đến 3,5 độ C và hậu quả là sự gia tăng tần suất các thảm họa thiên nhiên, mực nước biển tăng và nhiều loài động, thực vật biến mất.

Trước tình trạng khẩn cấp trên, các nhà khoa học nhấn mạnh rằng, một loạt biện pháp khẩn cấp cần được thực hiện bao gồm sử dụng năng lượng hiệu quả hơn, áp thuế carbon, ổn định tăng dân số toàn cầu (hiện thế giới đón thêm 200.000 người/ngày), ngừng tàn phá thiên nhiên, phục hồi rừng và rừng ngập mặn để hấp thụ CO2, ăn ít thịt hơn, thay đổi mục tiêu tăng trưởng kinh tế.

Để có thể ứng phó tốt với biến đổi khí hậu thì quốc gia phải thực hiện một số hoạt động như: Hạn chế sử dụng những nguyên liệu từ hóa thạch; Cải tạo và nâng cấp hạ tầng; Ngăn chặn các hành vi chặt phá rừng; Ứng dụng các công nghệ mới trong việc bảo vệ môi trường và Trái đất.

Việt Nam là nước ảnh hưởng nghiêm trọng trước khí hậu biến đổi

Việt Nam là một trong những quốc gia phải chịu ảnh hưởng cực kỳ nghiêm trọng của biến đổi khí hậu như: mực nước biển tăng lên, đặc biệt tình trạng nước biển xâm lấn đang diễn ra theo chiều hướng tích cực ở những vùng ven biển.

Việt Nam nằm trong khu vực có khí hậu nhiệt đới gió mùa lên tình trạng thường xuyên xuất hiện những cơn bão từ biển vào và phải ứng phó với tình trạng ngập lụt do biến đổi khí hậu gây ra.

Tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới Việt Nam được biểu hiện rõ nhất là diện tích đất ở sẽ bị ngập nước điều này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường sống của người dân. Cứ mỗi năm thì Việt Nam phải gánh chịu hơn 10 cơn bão đổ bộ vào do khí hậu gây ra. Để có thể giảm tình trạng biến đổi khí hậu thì đã có nhiều công ước chung của Liên hợp quốc đưa gia về biến đổi khí hậu, và đây cũng là phát lý cho các nỗ lực của thế giới trong việc chống lại sự biến đổi khí hậu trên toàn thế giới.

Mục tiêu của các công ước này là để ổn định nồng độ khí thải nhà kính trong bầu khí quyển ở mức độ vừa phải. Công ước đã đưa ra một số nguyên tắc để thực hiện mục tiêu ôn định nồng độ khí nhà kính như: phòng ngừa, hiệu quả chi phí, bền vững và trách nhiệm chung yêu cầu các nước phát triển phải đi đầu trong công cuộc chống lại sự biến đổi khí hậu.

An Dương (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang