Trạm biến áp nổ: Sai lầm nghiêm trọng khi sơ cứu người bị bỏng

author 16:31 20/11/2016

(VietQ.vn) - Liên quan tới việc sơ cứu người bị bỏng bằng nước đá lạnh trong vụ trạm biến áp nổ tại Hà Nội vừa qua, các chuyên gia cho rằng làm thế rất nguy hiểm.

Zing News đưa tin, chiều 17/11, trạm biến áp trên phố Hoàng Văn Thụ (Hà Đông, Hà Nội) bất ngờ phát nổ, tia lửa bắn vào ít nhất 3 người ngồi quán trà đá bên cạnh gây bỏng nặng. Sau tiếng nổ, lửa bốc cao, một nam thanh niên quần áo bốc cháy lăn ra đường cầu cứu. Tại vỉa hè, bà bán hàng nước và chồng là ông Th bị liệt ngồi xe lăn cũng bị lửa bén vào khiến cho hai vợ chồng bị bỏng nặng.

Theo Tổng công ty điện lực Hà Nội, tai nạn xảy ra trong quá trình đóng điện vận hành không tải trước khi vận hành chính thức, máy biến áp đã bất ngờ tràn dầu, gây cháy. Công an quận xác nhận vụ nổ khiến 5 người bị thương, trong đó có 3 trường hợp bỏng nặng. Ngay sau tai nạn, Công ty Điện lực Hà Đông đã đưa người bị nạn đi cấp cứu, phối hợp với cơ quan chức năng điều tra sự cố.

Ngay sau tai nạn, Công ty Điện lực Hà Đông đã đưa người bị nạn đi cấp cứu, phối hợp với cơ quan chức năng điều tra sự cố.

Người dân dùng nước đá lạnh dội lên người nạn nhân sau sự cố nổ trạm biến áp. Ảnh cắt từ clip: Pháp luật TP HCM 

Cho đến sáng 18/11, nguồn tin từ Viện bỏng quốc gia Lê Hữu Trác xác nhận ông Vũ Đình Th (63 tuổi) tử vong. Ông Th là một trong ba nạn nhân bị bỏng nặng nhất vụ nổ bốt điện tại Hà Đông (Hà Nội) còn vợ ông Th, đã cử động được ngón tay và nhận biết được lời nói của mọi người xung quanh. Tuy nhiên, bà Hạnh còn rất yếu và chưa mở được mắt. Gia đình hiện rất hy vọng sức khỏe bà Hạnh tiến triển tốt.

Điều đáng nói ở đây là được biết khi xảy ra vụ nổ các nạn nhân bỏng được người dân sơ cứu bằng cách dội nước đá vào người. Tuy nhiên, đây là cách sơ cứu không đúng.

Cho biết về vấn đề này trên báo Pháp luật TPHCM, ThS-BS Phan Thái Sơn, Trưởng khoa Cấp cứu BV ĐH Y Dược TP.HCM nói, về bản chất của bỏng do nổ bốt điện tại Hà Nội mới đây thực chất là do quá trình chập điện làm cho bốt điện phát nổ. Và khi phát nổ, trong bốt điện có chứa các dung dịch, bị nóng lên và tăng áp suất làm vỡ ra. Khi đó, những người đứng bên cạnh đã bị các chất lỏng bên trong bốt điện văng vào người gây ra hiện tượng bỏng. Đây là một dạng bỏng do chất lỏng (hóa chất) không phải là bỏng điện.

Tiết lộ mới nhất về nguyên nhân nổ trạm biến áp ở Hà Đông(VietQ.vn) - Tổng công ty điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) đã thông tin về nguyên nhân vụ nổ trạm biến áp ở Hà Đông xảy ra vào chiều ngày hôm qua (17/11).

Cũng theo ông Sơn, tại hiện trường, khi người dân sơ cứu bằng cách dội nước đá lên người bỏng là hoàn toàn sai lầm. Theo tất cả khuyến cáo của thế giới về vấn đề sơ cứu bỏng thì việc lấy nước đá lạnh dội vào một phần cơ thể khi bị bỏng là không đúng. Cách sơ cứu cho nạn nhân tốt nhất thời điểm đó chỉ cần đưa phần cơ thể bị bỏng dội dưới vòi nước sạch hoặc ngâm trong chậu nước với nhiệt độ bình thường trong khoảng thời gian 15-20 phút là cách an toàn, hiệu quả nhất.

Việc sử dụng nước đá dội lên người còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Bản thân nhiệt độ của nước đá sẽ thấp hơn nhiệt độ của cơ thể rất nhiều. Thậm chí nếu bỏ nhiều đá trong nước thì nhiệt độ đó có thể xuống gần 0 độ C. Trong khi đó, tại chỗ bị bỏng nhiệt độ cao hơn nhiệt độ cơ thể, có thể lên đến 45-50 độ C. Nếu dùng nước đá để hạ nhiệt độ nhanh tại chỗ như vậy thì nó sẽ làm tình trạng tổn thương của bỏng nặng lên.

Với từng trường hợp bỏng khác nhau, BS Sơn hướng dẫn, khi gặp nạn nhân bị bỏng đầu tiên cần cách ly nạn nhân ra khỏi tác nhân gây bỏng. Thứ hai, để hạ nhiệt độ tại chỗ nên đưa phần cơ thể bị bỏng dội dưới vòi nước sạch hoặc ngâm trong chậu nước với nhiệt độ bình thường trong khoảng thời gian 15-20 phút.

Đối với những nạn nhân khi bị bỏng mà hóa chất văng vào, thấm trên quần áo thì cần nhanh nhất cắt bỏ quần áo trên người nạn nhân nhưng không nên trực tiếp lột bỏ quần áo của nạn nhân ra vì có thể làm bóc phần da bị bỏng. Sau khi cắt bỏ quần áo, tiếp tục làm phần cơ thể mà quần áo che phủ với nước sạch trong thời gian 15-20 phút để rửa sạch các dị vật bẩn, hóa chất và hạ nhiệt độ xuống gần nhiệt độ cơ thể bình thường.

Tiếp theo, người sơ cứu sẽ dùng các băng gạc sạch phủ lên các tổn thương, tránh để các tạp bẩn tiếp tục vương vào các vết thương và vận chuyển nạn nhân đến các cơ sở y tế để đánh giá mức độ tổn thương và cấp cứu kịp thời.

 An Dương (T/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang