Trầm cảm – căn bệnh xã hội đang bủa vây cuộc sống

authorDiệu Hằng 06:18 18/04/2018

(VietQ.vn) - Trầm cảm đang là một căn bệnh mang tính xã hội. Trầm cảm xuất hiện ở mọi lứa tuổi bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Nhưng phần lớn là do những lo lắng và áp lực trong cuộc sống đem đến.

Ngoài tâm thần phân liệt, động kinh được xem là bệnh mãn tính thì loại bệnh mà Bệnh viện Tâm thần TP.HCM đang tiếp nhận nhiều nhất là trầm cảm do những áp lực cuộc sống...

Biểu hiện của những người bị chứng trầm cảm, ngại giao tiếp, ít nói và luôn tự thu mình lại. Số khác lại hay cáu gắt với những người xung quanh muốn quan tâm, tiếp cận để trò chuyện cùng mình.

Theo chia sẻ, một chàng trai 27 tuổi ở Kiên Giang ngồi vào ghế khám bệnh với nguyên nhân cách đây một tháng đi tập yoga, có uống loại thuốc tan mỡ và sau đó người cứ nóng bừng bừng, đi nhiều nơi uống thuốc không khỏi nên được chỉ sang BV Tâm thần. Đây là một trong những dấu hiệu của rối loạn cảm xúc do căng thẳng trong công việc, trong cuộc sống. Vì vậy, bác sĩ điều trị đã kê toa thuốc giúp anh tránh rơi vào trầm cảm.

Muôn vàn lý do dẫn đến trầm cảm

Bác sĩ Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Tâm thần TP.HCM, phân tích: Bệnh tâm thần phân liệt là do yếu tố sinh học, luôn chiếm 0,3 - 1% dân số. Còn những rối loạn khác là đi theo tập quán và sự phát triển của xã hội, trong đó cũng có một phần yếu tố sinh học. “Không ai nghĩ người nông dân lo âu, trầm cảm mà thực tế họ khám rất nhiều. Ngay cả người có cốt cách tâm lý, tâm linh tốt như người đi tu vẫn bị trầm cảm, lo âu. Như vậy, trong cuộc sống không ai dám chắc mình không có bị ức chế về tâm lý”, bác sĩ Tâm chia sẻ.

Trầm cảm – căn bệnh xã hội đang bủa vây cuộc sống

 Những mệt mỏi, áp lực trong cuộc sống là nguyên nhân chính dẫn đến chứng trầm cảm. Ảnh minh họa.

Theo các bác sĩ, có muôn hình vạn trạng nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, lo âu. Một nữ học sinh lớp 9 tại TP.HCM được gia đình đưa đến khám vì ghét… môn văn trong nhà trường. Nữ sinh cho biết mình rất thích văn chương, rất thích đọc truyện, lên Facebook chia sẻ văn chương rất nhiều, nhưng văn học theo em không phải là lý thuyết suông, miêu tả, khẳng định như trong trường dạy; không để cho em bộc lộ suy nghĩ; không văn hoa như em mơ ước; không có nội dung cho em thể hiện cái tôi… Nhưng thật may em học sinh chỉ đang dừng ở mức độ stress, rối loạn nhưng nêu không có phương pháp can thiệp cũng sẽ dẫn đến căn bệnh trầm cảm.

Một trường hợp khác là do trục trặc trong tình cảm cũng là nguyên nhân khiến nhiều người trầm cảm. Chiều 13.4, tại ghế chờ của BV Tâm thần, ông Đ.X.L (48 tuổi, ngụ Q.Thủ Đức), đến khám và chia sẻ ông đã uống thuốc điều trị 19 năm qua, nếu ngưng thuốc là người buồn không muốn sống nữa. “Mình bị thất tình triền miên. Mà cuộc đời “vô duyên” lắm, mình yêu ai cũng bị bỏ. Mình khóc rất nhiều và có biểu hiện trầm cảm, gia đình đưa đi khám, bác sĩ phát hiện mình bị trầm cảm nặng, cho thuốc điều trị đã gần 20 năm nay”, ông L. kể.

Trầm cảm – căn bệnh xã hội đang bủa vây cuộc sống

 Những người bị trầm cảm thường có dấu hiệu mệt hỏi, rối loạn cảm xúc và thưởng cuyên suy nghĩ tiêu cực.(ảnh minh họa)

Trầm cảm – căn bện dễ tái phát, khó điều trị
Theo một nghiên cứu cắt ngang, chọn ngẫu nhiên trên 3.000 bệnh nhân tại TP.HCM, cho thấy 16% có vấn đề về sức khỏe tâm thần; trong đó 6% mắc bệnh trầm cảm và 30% người trầm cảm tự tử.

“Trước đây, tại các phòng khám chúng tôi chỉ khám bệnh loại loạn thần, tâm thần phân liệt quậy phá, kích động, ảo giác, hoang tưởng. Nhưng giờ số ấy chỉ còn chừng 30%, còn lại 70% là lo âu, trầm cảm, stress…”, bác sĩ Trần Duy Tâm nói và cho biết hiện mỗi ngày tại cơ sở Võ Văn Kiệt (Q.5) BV Tâm thần khám trên 800 bệnh nhân; tại cơ sở trên đường Phan Đăng Lưu (Q.Phú Nhuận) mỗi ngày khám trên 150 bệnh nhi có vấn đề về tâm lý - tâm thần.

Theo bác sĩ Trần Minh Khuyên, chuyên khoa tâm thần kinh và trị liệu tâm lý, giám định viên pháp y tâm thần, những người bị stress lâu dài, mãn tính sẽ đưa đến trầm cảm và rối loạn lo âu. Trầm cảm là bệnh lý thuộc về rối loạn cảm xúc, gồm 3 triệu chứng lớn: giảm khí sắc, giảm năng lượng và giảm sở thích. Trầm cảm có 3 mức độ: nhẹ, trung bình và nặng. Trầm cảm nặng có trầm cảm không loạn thần và loạn thần. Thường bệnh nhân trầm cảm nặng có loạn thần dẫn đến tự sát khi có ý nghĩ tiêu cực, chán sống, tự ti và nghe có tiếng nói trong tai xúi giục “chết đi”.

Trầm cảm – căn bệnh xã hội đang bủa vây cuộc sống

 Mỗi năm có không ít trường hợp tự sát do mắc chứng trầm cảm kéo dài. Ảnh minh họa.

Rối loạn lo âu là tập hợp các triệu chứng lo lắng, run rẩy, căng thẳng cơ bắp, ra mồ hôi, đầu óc trống rỗng, hồi hộp bồn chồn, đánh trống ngực, lo sợ mình bệnh tật, đi khám nhiều chuyên khoa không khỏi và cuối cùng đến chuyên khoa tâm thần. Thông thường trầm cảm đi với rối loạn lo âu và ngược lại.

Những đối tượng dễ mắc trầm cảm, rối loạn lo âu là do thần kinh không ổn định, nhân cách yếu và dễ bị tác động dẫn đến rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh trong cơ thể.

Khi chẩn đoán bệnh nhân mắc trầm cảm, rối loạn lo lâu thì bác sĩ sẽ cho thuốc an thần kinh, vitamin B liều cao, thuốc ức chế beta… kết hợp khuyến cáo thư giãn, tập thể dục, trị liệu tâm lý, nghỉ ngơi. Nếu điều trị như vậy sau 2 tuần thuyên giảm thì bệnh nhân sẽ được chỉ định điều trị kéo dài 1 - 3 tháng, thậm chí 6 tháng. Tuy nhiên, các bệnh này dễ tái phát. Do vậy phải thay đổi lối sống, sinh hoạt thì mới mong khỏi bệnh”, bác sĩ Khuyên khuyến cáo.

Diệu Hằng (t/h)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang