Trạm không gian Trung Quốc bị mất kiểm soát, Trái đất có thể sẽ gặp nguy

author 15:05 24/09/2016

(VietQ.vn) - Từ nhiều tháng qua, các chuyên gia theo dõi hoạt động vệ tinh đã phát hiện Trạm không gian Thiên Cung-1 của Trung Quốc có dấu hiệu bất thường.

 Trạm không gian Thiên Cung 1 của Trung Quốc đang rơi tự do mất kiểm soát

 Trạm không gian Thiên Cung 1 của Trung Quốc đang rơi tự do mất kiểm soát. Ảnh Thanh Niên

Trạm không gian đang biệt vô âm tín

Báo NLĐ dẫn tin từ Independent cho biết, Trung Quốc hy vọng có thể dùng Thiên Cung-1 để bắt đầu xây dựng một trạm vũ trụ không gian cạnh tranh với Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).

Tuy nhiên, truyền thông Trung Quốc từng đưa tin các nhà chức trách gặp khó khăn trong việc liên lạc với vệ tinh. Trong những tháng gần đây, không có thêm bất cứ thông tin nào về Thiên Cung- 1 được cập nhật, khiến các chuyên gia cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy có vấn đề thực sự xảy ra.

Trả lời trên trang Space, nhà thiên văn học nghiệp dư tên Thomas Dorman đã quan sát sự di chuyển của Thiên Cung 1 và tin rằng Trung Quốc để mất kiểm soát nó. Việc Trung Quốc không đưa ra tuyên bố nào về Thiên Cung-1 cũng chỉ ra khả năng trên.

“Nếu tôi đúng, Trung Quốc sẽ đợi đến phút giây cuối cùng mới thông báo với thế giới rằng có vấn đề xảy ra với trạm không gian của họ” – ông Dorman nói.

Phát hiện mới nhất chứng minh về nguồn gốc của Trái Đất (VietQ.vn) - Mới đây, các nhà nghiên cứu khoa học đã phát hiện ra rằng, Trái Đất và các vật thể hành tinh khác được hình thành có các gốc hóa học tương tự.

Được biết, Thanh Niên đưa tin, Trung Quốc phóng Thiên Cung-1 cách đây 5 năm nhằm làm cơ sở phát triển các trạm không gian có kích cỡ lớn hơn với nhiệm vụ cụ thể là thử nghiệm việc thu thập dữ liệu không gian và ghép nối với tàu vũ trụ.

Sự kiện Thiên Cung-1 lên quỹ đạo trái đất vào ngày 29/9/2011 được giới truyền thông quốc gia đưa tin rầm rộ, kèm theo những lời ca tụng đầy hoa mỹ.

Với chiều dài khoảng 10,5 m, trọng lượng 8,5 tấn, trạm không gian có thể chứa tối đa 3 phi hành gia trong 20 ngày. Giới chức Bắc Kinh gọi Thiên Cung-1 là mốc thành công đầu tiên trong nỗ lực xây dựng một trạm không gian dài ngày trên quỹ đạo vào đầu thập niên 2020.

Thảm họa liệu có thể xảy ra? 

Theo kế hoạch, sau khi Thiên Cung-1 hoàn thành nhiệm vụ, trạm kiểm soát dưới mặt đất sẽ gửi mệnh lệnh đưa cỗ máy khổng lồ này hạ độ cao dần dần cho đến khi tới điểm an toàn và rơi vào tầng khí quyển xuống vị trí đã định, thường là rơi xuống biển hoặc những khu vực không có người sinh sống. Tuy nhiên, có vẻ như giới hữu trách Trung Quốc cũng xác định được số phận cuối cùng của trạm không gian này.

Trong khi đó, Space dẫn lời tiến sĩ Dean Cheng thuộc Quỹ Heritage (Mỹ) cho rằng, việc nhà chức trách Trung Quốc giữ im lặng về hoạt động của Thiên Cung-1 trong thời gian dài có nghĩa là họ không thể kiểm soát vấn đề. “Thiên Cung-1 dường như đang rời quỹ đạo một cách tự do. Khi bạn cần đưa những vật thể lớn rời khỏi quỹ đạo, bạn phải có kinh nghiệm để lèo lái chúng trở lại bầu khí quyển”, ông nói.

Hình ảnh Trung Quốc phóng Thiên Cung 1

Hình ảnh Trung Quốc phóng Thiên Cung 1. Ảnh: Reuters

Tương tự, nhà vật lý học thiên thể Jonathan McDowell tại ĐH Harvard (Mỹ) cảnh báo, nếu thật sự Thiên Cung-1 rơi tự do thì sẽ rất khó xác định thời gian và địa điểm “hạ cánh”. “Phải gần đến sát ngày cỗ máy trở lại bầu khí quyển thì mới có thể xác định thời điểm và sai số cũng lên đến 6 hoặc 7 tiếng đồng hồ. Không biết thời điểm thì cũng đồng nghĩa với việc không biết vị trí điểm rơi”.

Đáp lại các lo ngại, Phó giám đốc CMSE Ngô Bình tuyên bố: “Dựa trên các tính toán và phân tích của chúng tôi, hầu hết các phần của phòng thí nghiệm trên không sẽ bị tiêu hủy trong quá trình rơi qua khí quyển”.

Tuy nhiên, hãng thông tấn Sputnik dẫn lời tiến sĩ McDowell cho biết, vẫn sẽ có những mảnh vỡ nặng cỡ 90 kg có thể vượt qua quá trình ma sát khi vào lại bầu khí quyển để rơi xuống mặt đất. Có lẽ bản thân giới chuyên gia Trung Quốc cũng không “chắc ăn” khi CMSE cam kết sẽ theo dõi sát sao tình hình và “nếu có nguy hiểm” thì sẽ nhanh chóng phát cảnh báo cho thế giới.

An Thiên (T/h)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang