Tràn lan hàng không nguồn gốc ở chợ Bến Thành

author 06:34 04/10/2013

Ngoài bán hàng không rõ nguồn gốc, nói thách vô tội vạ, khách không mua liền chửi bới ì xèo thì tình trạng chèo kéo khách, nhất là du khách nước ngoài diễn ra tràn lan ở chợ Bến Thành khiến nhiều người rất ái ngại mỗi khi vào chợ tham quan, mua hàng.

Thích giá nào ghi giá đó

Vừa vào cổng Tây chợ Bến Thành (phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM), chúng tôi bị nhiều người chèo kéo. Một phụ nữ trạc 25 tuổi kéo tay chúng tôi vào trong quầy hàng bán bóp da, túi xách, thắt lưng chào mời: “Hàng mới về, mẫu mã đẹp. Mua nhiều, em giảm giá”. Chúng tôi cầm một chiếc thắt lưng lên xem. Phía đầu bấm chiếc thắt lưng gắn thương hiệu của hãng thời trang Chanel nhưng bên cạnh lại treo lủng lẳng một miếng giấy nhỏ ghi chi chít chữ Trung Quốc. Giá chiếc thắt lưng là 950 ngàn đồng. Chúng tôi kêu mắc quá! Chủ quầy trấn an: “Ghi vậy cho oách thôi chứ tụi em bán giá mềm”. Đây là hàng xịn làm hoàn toàn bằng da bò, không bị quét xi hoặc pha trộn đồ dỏm. Buổi sáng mới mở hàng, em bớt cho anh một xị cà phê”. Chúng tôi bỏ đi thì chủ quầy gọi lại ra giá rẻ bất ngờ... 450 ngàn đồng?! Chúng tôi thắc mắc: “Giá chỉ 450 ngàn đồng sao lại ghi tới 950 ngàn?”, chủ quầy tỉnh queo “Thích giá nào, ghi giá đó. Giá cả muốn ghi sao chẳng được?!”.

Chợ Bến Thành về đêm


Cầm đôi dép nam ở cửa hàng bán giày dép lên xem, chúng tôi được một phụ nữ khoảng 45 tuổi đứng cạnh tiếp thị: “Hàng Dior. Loại này quai mềm, đế dẻo, không thấm nước, mang rất bền và hợp thời trang”. Quan sát kỹ đôi dép, chúng tôi thấy quai dép đã bạc màu, chữ bị tróc sơn, lật dưới đế lên thấy có nhiều lỗi. Chúng tôi thắc mắc: “Hàng tốt sao đế dép bị bung từa lưa hết vậy?”. Chủ quầy giải thích: “Dép làm bằng máy thì mười đôi như chục nhưng dép này làm thủ công nên đế hơi lệch một xíu, kiểu nó vậy chứ không phải bị lỗi đâu. Chất liệu tốt lắm!”. Thấy kiểu dáng đôi dép cũng bình thường, có nhiều lỗi và bị bung nhưng có giá tới 550 ngàn đồng, chúng tôi chê đắt rồi bỏ đi, chủ quầy liền hạ giọng: “Buổi sáng mới mở hàng, bớt em “xị” rưỡi”.

Đến quầy hàng kính mắt, chúng tôi được chủ hàng lôi ra một loạt sản phẩm mang thương hiệu của các hãng lớn như Rayban, Chanel, Dior... quảng cáo: “Những mẫu này là hàng của Hàn Quốc mới lấy về. Kính ôm sát mặt, rất mốt và chống nắng cực tốt”. Chúng tôi cầm hai chiếc lên xem thì thấy mặt kính bị mờ, vài con ốc bị lỏng, gọng xộc xạch, có chỗ tróc. “Kiếng tốt sao ọp ẹp vậy?”, chúng tôi hỏi. “Gọng của nó phải thụt vô thụt ra chứ không phải ọp ẹp đâu”, chủ quầy giải thích. Mặc dù có nhiều lỗi nhưng những chiếc kính này có giá từ 300 ngàn đồng đến 700 ngàn đồng. Chúng tôi không mua thì chủ quầy quay sang tiếp thị kiếng gọng nhựa. Bà đưa cho chúng tôi chiếc kiếng hiệu Okey tiếp tục quảng cáo: “Loại này thì trẻ trung mà giá cả rẻ hơn”. Với chiếc kính này, những người bán hàng rong chỉ bán từ 25 ngàn đồng đến 30 ngàn đồng nhưng chủ quầy hét 250 ngàn đồng, chúng tôi không mua thì bị bà ta “khuyến mãi” cho một tràng chửi tục.

Tràn lan hàng trôi nối

Thấy chúng tôi ngắm chiếc túi xách không nhãn mác, màu vàng, ngoài túi treo lủng lẳng mảnh giấy hình tròn, ghi giá 4,4 triệu đồng ở quầy hàng Miss Nhi, người bán hàng là một cô gái trạc 25 tuổi giới thiệu: “Hàng da bò đó anh”. “Hàng này do hãng nào sản xuất?”, chúng tôi thắc mắc. “Cái này tụi em thiết kế cho các cơ sở thủ công trong nước làm, không phải hàng thương hiệu”, người bán hàng giải thích. Chúng tôi hỏi: “Cái này thật bán là bao nhiêu?”. “Anh mua, tụi em sẽ lấy 3,9 triệu đồng, đây là giá bán thấp hơn giá khuyến mãi sáu cái rồi đó”. Dứt lời, người bán hàng lôi ra một tấm bảng màu đỏ ghi chi chít các con số tiếp tục phân bua: “Khách mua một cái, tụi em bán 4,4 triệu đồng; ba cái, giá 4,1 triệu đồng/cái; sáu cái, giá 3,95 triệu đồng/cái; 50 cái, giá 3,3 triệu đồng/cái”. Chúng tôi hỏi: “Hàng này có hóa đơn không?”. Người bán hàng: “Ở đây chỉ có hóa đơn của cửa hàng thôi, không có hóa đơn nguồn gốc hàng hóa”.

Quầy đồng hồ ở cổng Nam chợ Bến Thành dán giá 1,4 triệu đồng cho nhiều loại. Chúng tôi được người bán hàng đưa cho hai chiếc đồng hồ hiệu Philippe patek và Cavena quảng cáo nghe khá rất “Tây”. “Hàng của Korea, bảo hành một năm, khỏi phải lăn tăn về chất lượng, mẫu mã. Hai chiếc này chạy bằng cơ nên giá hơi đắt, nếu anh lấy, tụi em giảm giá”. “Giảm được bao nhiêu?”, chúng tôi hỏi. “Buổi sáng chưa mở hàng, giảm cho anh một “xị””. Chúng tôi bỏ đi. Người này níu lại năn nỉ: “Thôi mà, hàng “xịn” chứ có phải hàng “đểu” đâu, lấy anh một “chai” (một triệu đồng - N.V)”. Chúng tôi khoát tay. Bước khoảng chục bước, người bán hàng lại gọi: “Giá chót, năm “xị”, anh lấy thì để em gói hàng”. Chúng tôi hỏi: “Có hóa đơn không?”. Người bán hàng huỵch toẹt: “Có phải hàng chính hãng đâu mà có hóa đơn? Tụi em viết giấy bảo hành sáu tháng. Hóa đơn hay giấy bảo hành cũng như nhau cả, chỉ khác nhau cái chữ thôi”.

Ghé cửa hàng bán ba lô, túi xách ở cửa Bắc chợ Bến Thành, chúng tôi cầm chiếc túi xách hiệu Lacos lên xem. Chiếc túi được gắn giá 1,35 triệu đồng, nhưng người bán hàng cho biết: “Nếu anh mua, em lấy rẻ 800 ngàn đồng”. Ngạc nhiên vì giá chỉ bằng gần 2/3 giá công bố trên sản phẩm, chúng tôi thắc mắc thì người bán hàng khoát tay: “Giá dán trên túi xách là bán cho người nước ngoài, người Việt Nam thì giá “mềm” hơn”. Cũng giống với nhiều quầy hàng khác, chúng tôi hỏi hóa đơn hàng hóa thì người bán hàng nói không có, khi chúng tôi nói không mua thì họ lập tức văng tục, chửi thề như tát nước vào mặt. 

Cơ quan chức năng bó tay?

“Lần trước đi du lịch, mình ghé chợ Bến Thành mua đôi dép hiệu Levis giá 800 ngàn đồng và chiếc đồng hồ Pentak, giá ba triệu tặng đứa bạn. Họ quảng cáo là hàng “xịn”, có thương hiệu, nhưng dùng được nửa tháng thì đứt quai te tua, đế dép bị bung và rất nhanh mòn. Chiếc đồng hồ đeo được hai tháng đã phai màu, tróc xi, vô nước. Mang đi sửa thì thợ bảo “đồng hồ Trung Quốc mua làm gì cho tốn tiền”, chị Nguyễn Anh Thư (32 tuổi, quê Đắk Lắk) kể. Thấy bạn bè có nhiều túi xách mẫu mã đẹp, anh Lê Minh Ngọc (28 tuổi, ngụ quận Thủ Đức) ra chợ Bến Thành mua một chiếc về đựng laptop và giấy tờ. “Lúc mua, chủ quầy bảo hàng “xịn” của Hàn Quốc làm bằng da bò, không thấm nước, nhưng về đi mưa được vài tháng thì bị bung từa lưa, nước thấm vào như nhà dột, da ngả màu và có mùi rất khó chịu. Mất toi 4 triệu đồng đã đành nhưng quảng cáo một đằng, chất lượng một nẻo mình mới tức”, anh Ngọc bức xúc. Ngoài bán hàng không rõ nguồn gốc, nói thách vô tội vạ, khách không mua liền chửi bới ì xèo thì tình trạng chèo kéo khách, nhất là du khách nước ngoài diễn ra tràn lan ở chợ Bến Thành khiến nhiều người rất ái ngại mỗi khi vào chợ tham quan, mua hàng. Không ít sản phẩm cùng loại nhưng cửa hàng này bán giá một đằng, cửa hàng kia bán một nẻo. Để tạo niềm tin cho khách hàng, một số người bán hàng còn quả quyết “tôi đã sang tận bên Hồng Kông, Hàn Quốc... quan sát nhà máy sản xuất của họ mới lấy hàng về bán nên chất lượng rất đảm bảo”, tuy nhiên khi hỏi về hóa đơn hàng hóa thì gần như không một quầy hàng nào đưa ra được.

Làm việc với Ban quản lý (BQL) chợ Bến Thành, chúng tôi được bà Dương Thị Mai Lan, Phó BQL chợ cho biết: “Chợ Bến Thành có năm doanh nghiệp và 1.439 hộ kinh doanh với 1.470 sạp hàng. Với chức năng của BQL là đảm bảo trật tự kinh doanh, phòng cháy chữa cháy, vận động bà con niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Tiểu thương ở đây tự lo nguồn hàng, tự định giá sản phẩm, mình không thể ấn định được giá cả và buộc tiểu thương bán theo giá mình đưa ra. Có một số hàng hóa có hóa đơn chứng từ nguồn gốc, nhưng cũng có rất nhiều nguồn hàng trôi nổi, hàng xách tay. Khi có vấn đề về hàng nhái, hàng giả, hóa đơn chứng từ nguồn gốc hàng hóa thì BQL phải phối hợp với các cơ quan chức năng như BQL thị trường, Phòng Kinh tế, Sở Tài chính... tiến hành kiểm tra, chúng tôi không thể đi kiểm tra độc lập. Khi khách hàng phàn nàn về sự chênh lệch giá cả quá lớn, chất lượng sản phẩm không đảm bảo, thái độ của người bán hàng không tốt thì chúng tôi mời những hộ kinh doanh đó lên làm việc. Tùy vào mức độ vi phạm của tiểu thương mà chúng tôi sẽ đình chỉ kinh doanh từ một đến bảy ngày. Nếu có phạt tiền thì chúng tôi phải báo cáo về quận chứ BQL chợ không có chức năng này. Quận cũng đã tổ chức nhiều buổi tập huấn về kỹ năng bán hàng cho tiểu thương nhưng không ít người vẫn chưa chấp hành tốt. Trường hợp bán quá giá, hàng giả, hàng nhái thì BQL chợ đã xử lý nhiều, nhưng do số lượng tiểu thương ở đây lớn mà lực lượng BQL chợ thì mỏng, chức năng hạn hẹp nên chúng tôi không thể kiểm tra, kiểm soát được giá cả cũng như nguồn hàng ở chợ”. Với sự hạn chế về chức năng của BQL chợ, sự lỏng lẻo trong kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng, không biết đến bao giờ khách hàng mới hết chịu cảnh “chặt chém” và “dính” phải hàng “dỏm” ở chợ Bến Thành?

Theo CATPHCM

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang