Tràn lan phụ phẩm bẩn

author 17:09 07/01/2013

(VietQ.vn) - Gần tới thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân ngày càng tăng, đặc biệt là với các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thịt. Tuy nhiên, tình trạng thịt nhập lậu, thịt không rõ nguồn gốc vẫn được bày bán tràn lan bởi các cơ quan chức năng “quản không xuể”.

 

Da, mỡ bẩn của gia đình ông M để tràn dưới đất.
Da, mỡ bẩn của gia đình ông M để tràn dưới đất.

Kỳ 1: Trạm trung chuyển nội tạng thối

Những năm gần đây, xã Tam Đa (huyện Yên Phong, Bắc Ninh) được xem là nơi trung chuyển phụ phẩm động vật mất vệ sinh. Tình trạng này xảy ra đã lâu, nhưng các cơ quan chức năng của địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Gần đây, các cơ quan truyền thông liên tục đưa tin bắt được hàng tấn thịt không rõ nguồn gốc, thịt thối, mỡ bẩn, chân gà bẩn, rồi 100% gà lậu có tồn dư kháng sinh, khiến người tiêu dùng không khỏi lo lắng. Câu hỏi là thịt thối, phụ phẩm bẩn ở đâu lại nhiều thế, và nó có bẩn như các phương tiện thông tin đã nêu? Để trả lời, chúng tôi tìm về xã Tam Đa - nơi được mệnh danh là trạm trung chuyển phụ phẩm bẩn.

Lãi cao làm liều

Chúng tôi dừng chân bên một quán nước ở xã Tam Đa khi đã xế trưa. Tại đây có thể ngửi được không khí của “trạm trung chuyển” từ những xe máy chở đầy da, mỡ lợn nối nhau chạy qua. “Tiểu thương vận chuyển hàng nhập cho các đầu mối ở Tam Đa đấy” - bà chủ quán nói. Theo chỉ dẫn của bà bán nước, chúng tôi gửi xe máy tại quán, sau đó, đi bộ vào trong làng.

Để tránh bị nghi ngờ, chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, thi thoảng lại dừng để chụp hình kiểu như khách du lịch mê cảnh đồng quê. Chúng tôi tiếp cận một đại lý thu gom da, mỡ lợn nằm cách trụ sở UBND xã khoảng 500m của ông M.

Đó là căn nhà hai tầng nằm ngay bên đường. Đứng ngoài nhìn vào có thể thấy từng bì da lợn, mỡ lợn được đổ tràn lan trên sân. Có 3 người đang thực hiện các công đoạn phân chia da lợn, đánh lông, lọc mỡ rồi cho vào từng túi nylon. Lấy cớ hỏi chuyện về làng, chúng tôi sà vào bắt chuyện. Lúc này, trên sân nhà ông M đâu cũng nhìn thấy những da, mỡ lợn... Nhưng chỉ một số là da lợn mới, còn lại hầu hết đã xỉn màu, ruồi, nhặng bay vo ve chung quanh. Ngạc nhiên là thấy người lạ, nhưng ông M không cảnh giác, mà còn hồ hởi trả lời những câu hỏi của chúng tôi.

Ông M kể, cách đây 3 năm, một người ở Hưng Yên đến đặt vấn đề nhờ ông thu mua da, mỡ lợn và hưởng chênh lệch. Lúc đó, ông cũng sợ bởi buôn bán loại hàng này không may bị quản lý thị trường “sờ” đến thì mất trắng. Tuy nhiên, người kia động viên ông và dẫn chứng có nhiều người vẫn làm như thế đâu có bị gì. Thấy trong làng cũng có nhiều người đi gom hàng, nên ông đồng ý. Từ đó, hai vợ chồng ông M đi các chợ quanh vùng gom hàng.

Ngoài ra, ông còn xây dựng mạng lưới chân rết khắp Bắc Ninh và các tỉnh lân cận. Mỗi kilôgram bì lợn sống, cửa hàng ông M mua với giá 5.000 đồng, nhập cho chủ giá 7.000 đồng. Trung bình mỗi ngày cơ sở của ông gom được 5 tạ, trừ chi phí xăng dầu cũng lãi được 700.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Để nguồn hàng được tươi lâu, những chủ hàng phải bảo quản bằng tủ lạnh. Nói rồi ông M chỉ vào nhà lớn, nơi có 4 chiếc tủ bảo quản cỡ lớn đặt song song với nhau. “Những tủ này là chủ hàng trang bị cho tôi” - ông M vừa nói vừa mở tủ, bên trong cái nào cũng đầy ắp da, mỡ lợn và tóp mỡ.

Tôi cầm một túi chứa da lợn lên, vội thả xuống ngay để ngăn mùi hôi xộc vào mũi. “Lát nữa thôi tất cả sẽ được vận chuyển đưa đi tiêu thụ tại Hưng Yên. Xử lý màu, mùi này như thế nào là do các chủ cơ sở chế biến chịu trách nhiệm. Chúng tôi chỉ thu gom thôi” - ông M nói.

Đang chuyện thì có tiếng xe máy đỗ xịch ngoài cửa. Một người đàn ông khệ nệ vác vào hai bao bì đầy da, mỡ lợn. Sau khi cân lên được 2 tạ, họ đổ toẹt ra đất rồi trở ra. Lập tức, 3 công nhân ra phân loại, lọc mỡ, da lợn để riêng. Nhiều miếng da lợn đã xám xịt, bốc mùi hôi thối. Tôi chê bẩn, ông M nhăn răng cười: “Để có được từng ấy hàng, các chân rết cũng phải gom vài ba ngày, nên bẩn là đúng thôi. Nhưng ở làng trên có doanh nghiệp thu mua tất cả phụ phẩm động vật, từ nội tạng đến da, mỡ còn bẩn hơn nhiều. Thậm chí họ còn để vài tháng trời mới bán, chứ chúng tôi chỉ vài ngày đã ăn thua gì”.

Ông M tính toán: “Mỗi ngày các doanh nghiệp mua cả tấn nội tạng. Với những hộ giết mổ nhỏ ở địa phương, nội tạng đó họ bán cho các nhà hàng và người tiêu dùng cũng đã gần hết thì còn đâu hả chú. Vì thế, để có được nguồn hàng, các doanh nghiệp này phải gom từ nhiều nơi. Mỗi nơi một ít và phải mất vài ngày mới gom đủ chuyến. Khi đủ hàng rồi chưa chắc đã bán được. Họ phải xử lý, bảo quản lạnh, nhanh cũng phải nửa tháng, chậm thì vài tháng. Vì thế, nguồn hàng của họ ngoài bốc mùi hôi thối, thậm chí còn có dòi nữa. Không tin, anh cứ đến cơ quan chức năng thì biết”.

Rời nhà ông M, chúng tôi tìm đến một vài hộ thu mua trong xã như nhà ông T.A, nhà ông N... Tất cả đều trong tình trạng tương tự. Nghĩa là những hộ này đều thu mua hàng hoá trôi nổi từ nhiều nguồn khác nhau, sau đó vận chuyển đến hai công ty lớn đóng trên địa bàn hoặc chuyển đi Hưng Yên tiêu thụ.

Bất lực quản lý

Theo UBND xã Tam Đa, trên địa bàn xã có gần 20 hộ đăng ký thu mua phụ phẩm động vật. Ngoài ra, còn có hàng trăm hộ khác không đăng ký, nhưng vẫn đi thu mua. Hàng hoá được gom từ các nơi trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và những vùng lân cận. Trung bình mỗi ngày có vài tấn phụ phẩm động vật được lưu trên địa bàn xã. Khi đặt câu hỏi, hầu hết các cơ sở này đều không đảm bảo vệ sinh thực phẩm, tại sao địa phương không xử lý, đại diện UBND xã cho rằng, xã biết nhưng xã không có thẩm quyền mà chỉ làm công tác phối hợp. Hơn nữa, những người buôn bán cũng là “dây mơ, rễ má”, bắt cũng khó coi.

Ông Nguyễn Ngọc Tần - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bắc Ninh.
Ông Nguyễn Ngọc Tần - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Bắc Ninh.

Cách đây ít ngày, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường phối hợp với Chi cục Thú y Bắc Ninh bất ngờ kiểm tra kho hàng của Cty TM Hoàng Hải và TNHH Đông Loan có trụ sở tại xã Tam Đa, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Tại thời điểm kiểm tra, số nội tạng cơ quan chức năng phát hiện tại hai công ty gồm lòng, phèo, bóng bì khoảng 13 tấn đang trong quá trình phân huỷ, bốc mùi, đầy ruồi nhặng được đưa về đây bảo quản từ vài tháng trước.

Từ đầu năm đến nay, hai công ty này đã đưa hơn 100 tấn đi tiêu thụ tại các tỉnh thành và tận... Trung Quốc. Mỗi ngày, hai công ty này thu mua vài tấn nội tạng lợn, trâu bò, chủ yếu hàng trôi nổi, không rõ xuất xứ, không có giấy chứng nhận kiểm dịch.

Tuy nhiên, nhiều lái xe tuyến biên giới cho biết, mang sang Trung Quốc chỉ là cái cớ của các doanh nghiệp. Thực chất, số thực phẩm đó lại bán cho người Việt dùng. Bởi đúng là các doanh nghiệp này làm thủ tục xuất hàng đi Trung Quốc, nhưng qua Hải quan, phía Trung Quốc mở kẹp chì xuất ngược lại Việt Nam. Và đương nhiên, hàng hoá đó lại len lỏi vào các quán nhậu, các nhà hàng ở Việt Nam.

Ông Nguyễn Ngọc Tần - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bắc Ninh - thừa nhận: “Đúng là trên địa bàn Bắc Ninh có nhiều hộ kinh doanh các phụ phẩm gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, với những hộ đăng ký kinh doanh thì chi cục quản lý được, nhưng còn các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, tự phát thì rất khó kiểm tra”.

Cũng theo ông Tần, cả tỉnh có trên 1.600 hộ đăng ký kinh doanh, đó là chưa kể đến những hộ thu mua nhỏ lẻ không đăng ký và các hộ từ các nơi khác chở đến. Trong khi đó, chính quyền địa phương không vào cuộc quyết liệt, còn đội ngũ cán bộ thú y thì quá ít. “Chúng tôi sẽ xem xét trách nhiệm của từng cá nhân, tập thể để có biện pháp xử lý” - ông Tần khẳng định.

Theo LĐ

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang