Trăn trở của Bộ trưởng Nguyễn Quân về phát triển KHCN (Bài 3)

author 08:11 10/11/2012

(VietQ.vn) - Nhà khoa học phải có quyền tự chủ cao về tài chính và nhân sự, được chủ động đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm hiện đại...

Cùng với việc tiếp tục khẳng định Khoa học và Công nghệ (KH&CN) là quốc sách hàng đầu, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa XI đã nhận định “Nhân lực KH&CN là tài nguyên vô giá của đất nước; trí thức KH&CN là nguồn lực đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế tri thức”.

GS Ngô Bảo Châu đã nhận được nhiều đãi ngộ của Nhà nước. Ảnh: TT
GS Ngô Bảo Châu đã nhận được nhiều đãi ngộ của Nhà nước. Ảnh: TT

Nghị quyết số 27 Hội nghị Trung ương 7 khóa X về trí thức cũng khẳng định: “đầu tư cho nhân lực KH&CN, đãi ngộ người tài là đầu tư cho phát triển bền vững, trực tiếp nâng tầm trí tuệ và sức mạnh của dân tộc”. Đảng và Nhà nước có trách nhiệm và chính sách đặc biệt phát triển, trọng dụng và phát huy tiềm năng sáng tạo của đội ngũ cán bộ KH&CN để KH&CN trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp quan trọng, đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 và là nước công nghiệp hiện đại vào giữa thế kỷ 21.

Xem người xưa đãi ngộ nhân tài

Quan điểm của Đảng ta về nhân lực KH&CN đã được khẳng định ngay từ những năm đầu tiên Việt Nam giành được độc lập. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương về trọng dụng nhân tài khoa học, đặc biệt quan tâm tới việc tạo điều kiện và môi trường làm việc tốt nhất cho các nhân tài hoạt động khoa học. Theo Người, phát hiện nhân tài đã khó nhưng việc khó hơn là làm thế nào để đức tài của họ được phát huy cao nhất trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Từ những năm 40-50 của thế kỷ XX, đã có nhiều nhân tài người Việt, khâm phục lý tưởng, hoài bão và nhân cách Hồ Chí Minh, đã từ bỏ cuộc sống giàu sang ở nước ngoài, đi theo Người vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ như Viện sĩ Trần Đại Nghĩa, Tiến sĩ Lương Định Của, nhà văn hóa Phạm Huy Thông… Nhiều người trong số đó sau này đã đảm nhận cương vị chủ chốt về các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hóa của đất nước và được tôn vinh bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh ngay từ đợt xét tặng đầu tiên cho những công trình khoa học xuất sắc của họ cho đất nước.

Tuy nhiên, trong giai đoạn kinh tế thị trường hiện nay, mặc dù các Nghị quyết của Đảng, các văn bản pháp luật luôn quan tâm và đề cao vai trò của nhân tài khoa học, nhưng trên thực tế chúng ta hầu như chưa có chính sách cụ thể nào để thực sự trọng dụng, sử dụng và tôn vinh cán bộ khoa học. Đã đến lúc phải thay đổi tư duy về chính sách đãi ngộ và trọng dụng cán bộ KH&CN, phải coi đây là một vấn đề cấp bách cần được giải quyết kịp thời.

Đãi ngộ cần tương xứng với giá trị đóng góp

Một trong những vấn đề các nhà khoa học quan tâm nhất hiện nay chính là việc thiếu các chính sách đãi ngộ gắn với chăm lo bồi dưỡng và sử dụng hiệu quả đội ngũ trí thức. Không nên quan niệm đãi ngộ giới trí thức giống như các cơ chế, chính sách với người có công hay đối tượng chính sách. Trước khi nghĩ đến đãi ngộ về vật chất, cần tạo điều kiện tốt nhất để nhà khoa học được sáng tạo, cống hiến tài năng, tâm huyết cho đất nước. Trên cơ sở đó, xây dựng cơ chế chính sách để nhà khoa học được hưởng thành quả từ lao động sáng tạo, tương xứng với giá trị đóng góp của họ.

Bộ trưởng Nguyễn Quân là người có vai trò quan trọng trong việc tham mưu các chính sách phát triển KHCN cho đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Quân là người có vai trò quan trọng trong việc tham mưu các chính sách phát triển KHCN cho đất nước.

Mỗi năm, Nhà nước đầu tư 2% tổng chi ngân sách cho phát triển KH&CN, trong đó gần 90% dành cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên, chỉ còn một khoản kinh phí không lớn cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, nếu phân bổ dàn trải như hiện nay sẽ chỉ thu được những công trình không mấy giá trị, thậm chí còn bị “xếp vào ngăn kéo”.

Cần thấy rằng nhiều năm qua, việc giao kinh phí nghiên cứu cho các địa phương và các bộ ngành theo kiểu bình quân, dàn trải và không quản lý được hiệu quả đã dẫn tới tình trạng không đủ nguồn lực đầu tư lớn cho những công trình nghiên cứu trọng điểm gắn với nhu cầu thực tiễn, có triển vọng thương mại hóa.

Chưa kể cơ chế tài chính chưa phù hợp, đã có những năm số tiền đầu tư cho nghiên cứu khoa học không thể giải ngân hết. Vì vậy, trước hết cần cân đối lại tỷ lệ phân bổ ngân sách, đảm bảo tỷ lệ thích đáng cho nhiệm vụ R&D và tạo điều kiện cho các nhà khoa học được chủ động sử dụng nguồn kinh phí này đi đôi với tự chịu trách nhiệm về kết quả và hiệu quả nghiên cứu, đặc biệt được hưởng lợi chính đáng, hợp pháp từ kết quả nghiên cứu của họ.

Trong chế độ tiền lương, hiện giới viên chức khoa học đang chịu thiệt thòi là đối tượng làm công ăn lương duy nhất không được hưởng các chế độ phụ cấp đặc thù (phụ cấp nghề, phụ cấp thâm niên…) giống như viên chức của ngành giáo dục, y tế hay các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, tiền lương chỉ là một trong những vấn đề, điều mà các nhà khoa học quan tâm nhiều hơn là điều kiện, môi trường làm việc, tức là họ phải được tin tưởng giao nhiệm vụ, được quyền tự do nghiên cứu và được tạo điều kiện làm việc tốt nhất (như trang thiết bị nghiên cứu hiện đại, phòng thí nghiệm, thư viện, chủ động trong hợp tác quốc tế, có những đồng nghiệp giỏi cùng chí hướng, được quyền mời chuyên gia trong nước và quốc tế cùng nghiên cứu...). Và để làm việc trong môi trường đó, thì họ cần được quyền tự chủ cao về nhân sự và tài chính khi tiến hành các hoạt động nghiên cứu như thông lệ ở các nước phát triển.

Nhìn rộng ra các quốc gia khác có thể thấy, bằng việc áp dụng các chính sách ưu đãi trọng dụng cán bộ KH&CN, nhiều quốc gia đã có bước phát triển thần kỳ trong KH&CN cũng như kinh tế. Một ví dụ điển hình là Hàn Quốc, từ đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước đã quyết tâm thực hiện chính sách mời các nhà khoa học Hàn Quốc đang làm việc tại nước ngoài về nước làm việc tại Viện KH&CN Hàn Quốc (KIST) với chế độ lương cao gấp 3 lần so với các giáo sư trong nước, kèm theo các chế độ đãi ngộ khác về nhà ở, đầu tư cơ sở vật chất.

Kết quả là chỉ sau 40 năm Viện KIST đã trở thành 1 trong 10 viện hàng đầu thế giới và Hàn Quốc cũng trở thành quốc gia công nghiệp hóa thành công nhất. Hay như Trung Quốc hiện nay đang cải cách thế chế hóa khoa học và xây dựng hệ thống nhà nước sáng tạo, trong đó tập trung hoàn thiện cơ chế phát triển nhân tài, khuyến khích nhà khoa học tích cực sáng tạo, thu hút các nhà khoa học Hoa kiều về nước làm việc với mức lương cao không kém mức lương của họ ở các nước phát triển… Nhờ đó, đến nay Trung Quốc đã đạt tỷ lệ 43 người làm R&D/1 vạn dân, trở thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6: Cơ hội phát triển mới

Trong các văn kiện, Nghị quyết của Đảng cũng nêu rõ, để phát triển đất nước theo hướng CNH, HĐH từ nay đến năm 2020, con người là nhân tố quyết định. Vấn đề là làm thế nào để con người được đặt ở vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển KH&CN từ nay đến năm 2020.

Trên thực tế đến thời điểm hiện tại, Việt Nam chưa có chính sách thỏa đáng để đãi ngộ và trọng dụng cán bộ khoa học, chưa thu hút được giới trẻ vào ngành khoa học, đồng nghĩa với việc các cơ quan nghiên cứu không tuyển dụng được người tài. Như vậy, chỉ một vài năm nữa, nếu không có giải pháp hữu hiệu Việt Nam sẽ thiếu hụt trầm trọng đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có trình độ, đồng thời xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” từ khu vực nhà nước ra doanh nghiệp, ra nước ngoài…

Vấn đề tiếp theo là thời gian từ nay đến 2020 còn rất ngắn, trong khi mục tiêu trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại đòi hỏi phải triển khai thành công các chương trình quốc gia về phát triển KH&CN với nhiệm vụ rất nặng nề. Nếu như không kịp thời có chính sách đãi ngộ và trọng dụng nhân tài mang tính đột phá thì không thể có những nhà khoa học đầu ngành, những tập thể khoa học mạnh và chúng ta không thể đạt được mục tiêu của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, sản phẩm công nghệ cao (CNC) và sản phẩm ứng dụng CNC chiếm 40% giá trị sản xuất công nghiệp, Việt Nam có nền KH&CN đạt trình độ những nước dẫn đầu ASEAN…

Nhận thức rõ tầm quan trọng của KH&CN và xuất phát từ tình hình thực tế, vừa qua Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 20 “Phát triển KH&CN phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH đất nước trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, trong đó có những nội dung quan trọng liên quan đến phát triển đội ngũ trí thức :

Thứ nhất là cần “xây dựng và thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, đãi ngộ, tôn vinh đội ngũ cán bộ KH&CN; tạo môi trường thuận lợi, điều kiện vật chất để đội ngũ cán bộ KH&CN phát triển bằng tài năng và hưởng lợi ích xứng đáng với giá trị lao động sáng tạo của mình”.

Thứ hai là “có chính sách trọng dụng đặc biệt đối với cán bộ KH&CN đầu ngành, cán bộ KH&CN được giao nhiệm vụ chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia, cán bộ KH&CN trẻ tài năng” (mức lương, nhà ở, bổ nhiệm, giao quyền hạn, chế độ tự chủ tài chính…).

Thứ ba là phải “đổi mới công tác tuyển dụng, bố trí, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ KH&CN. có chính sách tiếp tục sử dụng cán bộ KH&CN trình độ cao đã hết tuổi lao động”. Đồng thời tăng cường bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của tác giả các công trình KH&CN, “hoàn thiện hệ thống chức danh, chức vụ KH&CN. Cải tiến hệ thống giải thưởng KH&CN quốc gia, danh hiệu vinh dự nhà nước cho cán bộ KH&CN ”.

Tập trung ưu đãi 3 nhóm đối tượng chính

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, trong Luật Khoa học và Công nghệ (sửa đổi), chúng ta cần xây dựng chính sách đãi ngộ một số nhóm đối tượng chính cần được quan tâm đặc biệt, đó là cán bộ KH&CN đầu ngành, cán bộ KH&CN được giao nhiệm vụ chủ trì các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia và cán bộ KH&CN trẻ tài năng.

Sở dĩ phải tập trung trọng dụng 3 nhóm đối tượng này vì trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, việc đãi ngộ bằng trả lương cao cho tất cả những người làm khoa học là không thể. Chúng ta không chỉ có hơn 6 vạn người làm nghiên cứu chuyên nghiệp, mà hơn 3 triệu người được đào tạo có trình độ đại học đều có khả năng tham gia hoạt động nghiên cứu, và hàng triệu người dân yêu khoa học cũng có cơ hội đóng góp cho khoa học.

Vì thế điểm đột phá chính là tạo điều kiện làm việc tốt và môi trường hoạt động khoa học thuận lợi cho giới khoa học, song song với việc trọng dụng và ưu đãi đặc biệt với một số nhóm đối tượng có vai trò tiên phong trong hoạt động khoa học. Cần phải có tư duy mới: Làm thế nào để cán bộ khoa học được sống tốt bằng chính kết quả sáng tạo của mình trong nền kinh tế thị trường, chứ không thể tiếp tục để giới khoa học bị mang tiếng là muốn làm đề tài, dự án để có thu nhập.

Nội hàm của chính sách trọng dụng cán bộ KH&CN, đặc biệt là tiêu chí xác định thế nào là nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng sẽ là một vấn đề mà những người làm quản lý KH&CN phải làm rõ.

Các nhà khoa học đầu ngành có thể là các chủ nhiệm bộ môn chuyên ngành trong các trường đại học lớn, trưởng phòng thí nghiệm hoặc nhóm nghiên cứu mạnh trong các viện nghiên cứu trọng điểm có nhiều sản phẩm khoa học đạt trình độ quốc tế, các tổng công trình sư giàu kinh nghiệm thực tiễn.

Họ cần được ưu đãi về điều kiện làm việc (phòng thí nghiệm, thư viện, internet, phương tiện đi lại…), chế độ lương và phụ cấp xứng đáng, được quyền đề xuất nhiệm vụ nghiên cứu và chủ trì các nhóm nghiên cứu, tham gia đào tạo đại học và sau đại học, chủ trì các hội nghị khoa học quốc tế, và quan trọng là được giao tự chủ một khoản kinh phí nhất định hàng năm cho hoạt động khoa học của mình (như kinh nghiệm của các nước phát triển).

Còn các nhà khoa học trẻ tài năng là những sinh viên, nghiên cứu sinh giỏi, cán bộ trẻ có kết quả nghiên cứu xuất sắc, giành được các giải thưởng KH&CN trong nước và nước ngoài, có nhiều công trình công bố quốc tế, có phát minh, sáng chế. Nhà nước cần tạo điều kiện cho họ tham gia vào các nhiệm vụ khoa học, được tự chủ một khoản kinh phí nhất định để từ ý tưởng khoa học trở thành một đề tài nghiên cứu đi đến sản phẩm cuối cùng.

Riêng các nhà khoa học được giao nhiệm vụ KH&CN quan trọng của quốc gia thì tiêu chí xác định đơn giản hơn, đó là nhà khoa học được nhà nước giao cho đứng đầu một tập thể nghiên cứu để thực hiện một nhiệm vụ KH&CN có tầm quan trọng đối với an ninh, quốc phòng hoặc phát triển kinh tế, nhằm tạo ra công trình, sản phẩm có giá trị cao theo đặt hàng của nhà nước (ví dụ vắc xin bệnh hiểm nghèo, tên lửa hành trình, vệ tinh viễn thông…).

Họ phải có quyền tự chủ cao về tài chính và nhân sự, được chủ động đầu tư trang thiết bị cho phòng thí nghiệm hiện đại hoặc sử dụng miễn phí các phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, có thể tiếp cận với mọi nguồn thông tin tư liệu từ các thư viện điện tử, thư viện kỹ thuật quan trọng, được quyền điều động và trả lương theo thỏa thuận cho những nhà khoa học giỏi nhất từ các cơ quan khoa học, thậm chí là thuê chuyên gia nước ngoài tham gia quá trình thực hiện nhiệm vụ. Họ có quyền tham dự các hội nghị, hội thảo quốc tế, mua công nghệ, thuê chuyên gia… bằng nguồn kinh phí được giao tự chủ mà không lệ thuộc vào các thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, phải giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu có nguồn gốc ngân sách nhà nước cho giới khoa học, trước mắt là giao cho cơ quan chủ trì các đề tài, dự án sử dụng ngân sách nhà nước và tập thể tác giả của đề tài dự án, để họ có quyền chuyển nhượng hoặc góp vốn vào doanh nghiệp, có thể dùng làm vốn để lập doanh nghiệp KH&CN. Và khi giao quyền sở hữu để phục vụ sản xuất, kinh doanh cũng quy định rõ việc phân chia lợi ích một cách hợp lý giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và nhà khoa học.

Giao biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp cho các trường đại học công nghệ trọng điểm

Luật KH&CN (sửa đổi) lần này cũng đề xuất một vấn đề rất quan trọng, đó là giao các biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp cho các trường đại học công nghệ trọng điểm. Xuất phát từ tình hình thực tế, các trường đại học hầu như chỉ tập trung cho hoạt động đào tạo, còn nhiệm vụ nghiên cứu khoa học thường bị thả nổi mặc dù là một trong hai nhiệm vụ chính trị của cơ sở giáo dục đại học (theo quy định của Luật giáo dục đại học). Vì thế hầu như không gắn kết được giữa nghiên cứu với đào tạo.

Nguyên nhân là do tình trạng quá tải trong giảng dạy nên giảng viên không thể bố trí thời gian cho nghiên cứu, kinh phí nghiên cứu cũng eo hẹp nên đề tài nghiên cứu cấp cơ sở có mức kinh phí rất thấp (chỉ vài chục triệu đồng) không đủ để thực hiện đề tài một cách nghiêm túc, và cuối cùng là do các trường đại học không có biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp và không có nguồn kinh phí thường xuyên để chăm lo cho đội ngũ nghiên cứu.

Chính vì vậy, các trường đại học cần có một đội ngũ nghiên cứu chuyên nghiệp và cần dành một phần kinh phí sự nghiệp khoa học để hỗ trợ chi thường xuyên và giao đề tài nghiên cứu cho số cán bộ này. Có ý kiến cho rằng số biên chế này sẽ không yên tâm làm nghiên cứu.

Tuy nhiên có thể khắc phục tình trạng đó nếu xác định rõ họ vẫn có quyền tham gia vào công tác đào tạo của các trường đại học, nhưng chỉ hạn chế trong việc giảng dạy các chuyên đề cho sinh viên năm cuối hoặc chuyên đề cho học viên cao học hay nghiên cứu sinh.

Ngoài đề xuất giao biên chế nghiên cứu chuyên nghiệp cho các trường đại học trọng điểm, Bộ KH&CN cũng sẽ hợp tác với Bộ GD&ĐT trong chương trình đào tạo sau đại học dùng ngân sách nhà nước hay hợp tác quốc tế để đào tạo các cán bộ có trình độ cao trong nước hay ở nước ngoài.

Đồng thời kiến nghị với Bộ Nội vụ việc bổ nhiệm vào ngạch viên chức nên có những đổi mới để những người có trình độ cao có thể được bổ nhiệm đặc cách hoặc được nâng ngạch, nâng bậc tương xứng với trình độ và đóng góp của họ.

Bên cạnh việc đề xuất có danh hiệu vinh dự Nhà nước cho cán bộ khoa học có những thành tích xuất sắc, cũng cần có hình thức tôn vinh thông qua các giải thưởng về KH&CN cho giới khoa học. Đó phải là hệ thống giải thưởng đa dạng và thiết thực chứ không chỉ là giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về KH&CN đang được thực hiện 5 năm một lần như hiện nay, mà cần có hệ thống các giải thưởng khác từ cấp cơ sở đến cấp Nhà nước về KH&CN.

Nghị quyết Trung ương 6 đã được ban hành, nhưng việc cần làm ngay hiện nay là phải cụ thể hóa bằng pháp luật và cơ chế chính sách của Nhà nước đối với cán bộ KH&CN. Vấn đề này đòi hỏi phải có sự phối hợp tốt của các bộ, ngành, địa phương và sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, sao cho sớm hình thành được chính sách thực sự trọng dụng và ưu đãi cán bộ KH&CN, chứ không nên chỉ là “trải thảm đỏ” mời họ về và sau đó họ lại lặng lẽ ra đi khi không được tin tưởng giao nhiệm vụ, không được tạo điều kiện làm việc.

Và hơn ai hết, giới khoa học phải tận dụng được vai trò “quốc sách hàng đầu” của KH&CN, làm việc và sáng tạo cho xứng đáng với sự đãi ngộ của Nhà nước, sự quan tâm của Đảng, để tự khẳng định mình và tạo ra được những sản phẩm khoa học ngang tầm khu vực và thế giới, xứng đáng với mong đợi của đất nước và nhân dân.

TS Nguyễn Quân

(Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng KHCN)

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang