Trăn trở của Bộ trưởng Nguyễn Quân về phát triển KHCN (Bài2)

author 11:24 08/11/2012

(VietQ.vn) - Ở các quốc gia có nền KH-CN phát triển, Nhà nước thực hiện giao quyền tự chủ tối đa cho các nhà khoa học với quy định rõ ràng.

Cơ chế tài chính còn nhiều bất cập đang là một trong những lực cản đối với sự phát triển của khoa học và công nghệ (KH-CN). Để tháo gỡ những bất cập đó, ngành KH-CN đang hướng đến việc đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý, cơ chế hoạt động KH-CN, trong đó trọng tâm là đổi mới cơ chế tài chính.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng đã nhận định: “Đổi mới công tác quản lý nhà nước, đổi mới tổ chức, hoạt động và cơ chế, chính sách là khâu đột phá. Tập trung ưu tiên tháo gỡ các vướng mắc trong công tác kế hoạch, đầu tư, tài chính, đặc biệt là cơ chế cấp phát, thanh toán, quyết toán kinh phí cho hoạt động KH-CN”.

Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu lên những bất cập của cơ chế tài chính.
Bộ trưởng Nguyễn Quân nêu lên những bất cập của cơ chế tài chính.

Cơ chế tài chính còn nhiều bất cập

Ở các quốc gia có nền KH-CN phát triển, Nhà nước thực hiện giao quyền tự chủ tối đa cho các nhà khoa học với quy định rõ ràng về quyền hạn và trách nhiệm. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phân bổ ngân sách và giám sát việc thực hiện. Các nhà khoa học có thể đề xuất đề tài, dự án nghiên cứu bất kỳ khi nào cần thiết, hệ thống quỹ về KH-CN sẽ là nơi đánh giá, lựa chọn các nghiên cứu được đề xuất, sau đó tài trợ kinh phí và theo dõi quá trình thực hiện.

Các cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ và Quốc hội có quyền kiểm tra chi tiêu, chống tham nhũng, lạm quyền cũng như kiểm tra việc thực hiện quy định của Nhà nước đối với các cơ sở nghiên cứu và đối với các nhà khoa học. Cơ chế này phù hợp với đặc thù sáng tạo của hoạt động KH-CN đó là tính rủi ro (mạo hiểm), tính trễ và tính thực tiễn. Vì thế, người làm khoa học phải được trao quyền tự chủ cao, nhưng kèm theo đó trách nhiệm nặng nề đối với sản phẩm khoa học của họ, thôi thúc họ dành trọn tâm huyết cho nghiên cứu.

Ở Việt Nam, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về KH-CN nói chung và văn bản liên quan đến cơ chế tài chính cho hoạt động KH-CN nói riêng ngày càng được hoàn thiện. Đã có 8 đạo luật chuyên ngành với gần 300 văn bản hướng dẫn thi hành, tạo lập được hành lang pháp lý tương đối toàn diện cho hoạt động KH-CN. Tuy nhiên, hệ thống văn bản này còn thiếu đồng bộ, chưa cập nhật kịp thời để phù hợp với thực tiễn, tạo ra các vướng mắc cho phát triển KH-CN.

Nước ta đã bước vào nền kinh tế thị trường, nhưng hoạt động KH-CN còn chịu nhiều quy định mang nặng tính hành chính, tư duy của thời bao cấp kế hoạch hóa. Trước hết là công tác xây dựng kế hoạch cho các đề tài, dự án KH-CN hàng năm.

Việc áp đặt cơ chế kế hoạch hóa cứng nhắc trong xây dựng các nhiệm vụ KH-CN giống như đối với đầu tư xây dựng cơ bản là điều làm giới khoa học bức xúc nhất hiện nay. Mỗi năm các nhiệm vụ KH-CN cấp nhà nước phải được phê duyệt một lần trước ngày 31.7 của năm trước năm kế hoạch, sau đó tổng hợp vào dự toán Ngân sách nhà nước (NSNN), báo cáo Chính phủ và Quốc hội.

Sau khi Quốc hội phê chuẩn dự toán NSNN (thường vào tháng 11 hàng năm), Thủ tướng Chính phủ sẽ giao kinh phí thực hiện cho các bộ, ngành, địa phương vào đầu năm của năm kế hoạch. Để phê duyệt được danh mục các nhiệm vụ KH-CN theo cách làm này và xây dựng dự toán kinh phí phải trải qua quy trình phức tạp, mất nhiều thời gian: đề xuất nhiệm vụ; thông qua hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ; xây dựng thuyết minh, dự toán; thông qua hội đồng xét chọn, tuyển chọn, các hội đồng thẩm định nội dung, kinh phí; sau đó là phê duyệt. Quy trình này thường mất khoảng 3 - 9 tháng.

Tuy nhiên sau khi các nhiệm vụ được phê duyệt, thường phải chờ 6 - 7 tháng mới được giao kinh phí, vì vậy từ khi hướng dẫn lập kế hoạch đến khi có kinh phí để thực hiện, thường mất 9 -15 tháng (cá biệt như năm 2011 và năm 2012 phải mất hơn 2 năm). Nhiều nhiệm vụ khi được cấp kinh phí đã không còn tính thời sự hoặc không đủ kinh phí để triển khai do lạm phát cao. Điều này không phù hợp với đặc thù của hoạt động KH-CN, chưa tạo điều kiện cho các nhà khoa học triển khai nghiên cứu kịp thời, hiệu quả.

Cùng với đó, tất cả nhiệm vụ KH-CN khi xây dựng và phê duyệt phải kèm theo dự toán kinh phí chi tiết với các nội dung chi cụ thể theo các định mức được quy định. Đối với những nội dung khoa học nếu không có định mức thì được thực hiện bằng chuyên đề hoặc thuê khoán chuyên môn.

Thực tế đối với việc nghiên cứu khoa học, có thể khẳng định không phải tất cả nội dung đều có thể xác định cụ thể được từ trước khi triển khai, ví dụ như cần làm bao nhiêu thí nghiệm, sử dụng hết bao nhiêu nguyên vật liệu để nghiên cứu thành công, v.v. Và nhiều nội dung mang tính sáng tạo trừu tượng không thể có định mức chuẩn được. Hơn nữa, hệ thống định mức thấp và lạc hậu dẫn tới tình trạng các nhà khoa học phải lập dự toán kinh phí bằng cách chia nhỏ nội dung thành hàng trăm chuyên đề để hợp thức hóa chứng từ. Điều này trái với bản chất của hoạt động nghiên cứu là trung thực và làm nản lòng các nhà khoa học.

Một bất cập khác đối với dự toán kinh phí của các nhiệm vụ KH-CN là trong dự toán không có nội dung chi lương và hoạt động bộ máy. Điều này chỉ phù hợp khi tất cả các tổ chức KH-CN đều là tổ chức công lập. Các tổ chức này đã được Nhà nước chi lương và hoạt động bộ máy nên các nội dung chi này không được đưa vào dự toán kinh phí của nhiệm vụ.

Tuy nhiên, sau khi Luật khoa học và công nghệ năm 2000 được ban hành, số lượng các tổ chức KH-CN khu vực ngoài nhà nước đã tăng lên một cách nhanh chóng (đến nay đã có trên 900 tổ chức KH-CN thuộc mọi thành phần kinh tế trong tổng số 1.600 tổ chức KH-CN cả nước).

Khác với các tổ chức công lập, các tổ chức này không được NSNN đảm bảo kinh phí hoạt động thường xuyên. Vì vậy, họ phải tính chi phí tiền lương và hoạt động bộ máy trong dự toán kinh phí thực hiện các nhiệm vụ KH-CN. Điều này gây ra sự mất bình đẳng về dự toán kinh phí giữa các tổ chức KH-CN công lập và ngoài công lập khi tham gia tuyển chọn, xét chọn các nhiệm vụ KH-CN sử dụng NSNN.

Việc điều chỉnh nội dung và kinh phí thực hiện nhiệm vụ KH-CN phù hợp với thực tế, đảm bảo hiệu quả nghiên cứu cũng là vấn đề phức tạp và gây mệt mỏi cho giới khoa học. Thông tư 93/2006/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn chế độ khoán kinh phí của đề tài, dự án KH-CN sử dụng NSNN là một bước tiến bộ trong đổi mới cơ chế tài chính, quy định tất cả những nội dung liên quan đến con người đều được khoán, và do chủ nhiệm đề tài, dự án KH-CN quyết định trên cơ sở phù hợp với thực tiễn.

Tuy nhiên, trên thực tế các kho bạc vẫn kiểm soát chi theo dự toán đã được phê duyệt. Nhà khoa học muốn tạm ứng hoặc quyết toán kinh phí vẫn phải theo đúng các nội dung của dự toán. Khi có biến động về giá hoặc cần thay đổi nội dung nghiên cứu cho phù hợp, thủ tục xin phép điều chỉnh dự toán lại rất mất thời gian và phức tạp, qua nhiều cấp có thẩm quyền, vì thế các nhà khoa học thay vì xin phép điều chỉnh kinh phí đành phải hợp thức hóa chứng từ cho khớp với dự toán đã được phê duyệt.

Thêm vào đó, thủ tục thanh toán, quyết toán đề tài, dự án hiện vẫn rườm rà, phức tạp. Quy định quyết toán theo năm tài chính (kể cả để chuyển nguồn) làm các nhà khoa học phải mất một phần lớn thời gian vào công việc thanh quyết toán. Có nhiều nhiệm vụ, do nhận được kinh phí chậm, chưa kịp triển khai các nội dung theo dự toán đã đến hạn phải làm quyết toán năm.

Các định mức tài chính lại không được cập nhật thường xuyên, nhất là trong bối cảnh lạm phát cao hiện nay. Ví dụ, quy định hiện hành hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH-CN có sử dụng NSNN đã được ban hành từ năm 2007 (Thông tư 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN). Trong khoảng thời gian từ đó đến nay, lương tối thiểu đã tăng gấp 3 lần (từ 350.000đ/tháng lên 1.050.000đ/tháng) nhưng định mức vẫn chưa thay đổi.

Với định mức lạc hậu như vậy, việc các nhà khoa học dự một hội thảo khoa học nhưng phải ký 3 - 4 chữ ký để hợp thức hóa khoản thực chi là việc tương đối phổ biến hiện nay. Các cơ quan quản lý về tài chính đều biết rất rõ và mặc nhiên chấp nhận thay vì nhanh chóng đưa ra các định mức phù hợp hơn. Việc thiếu trung thực như vậy trong các hoạt động nghiên cứu khoa học không phải là hiện tượng hiếm và là việc cực chẳng đã, gây tổn thương lớn đến uy tín và lòng tự trọng của giới khoa học. Ngay cả các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước khi tham gia hoạt động nghiên cứu cũng đã phàn nàn về việc này.

Bất cập khác trong cơ chế tài chính liên quan đến việc giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu. Các nhiệm vụ KH-CN có sử dụng NSNN thì về nguyên tắc kết quả sẽ thuộc quyền sở hữu của nhà nước. Luật Sở hữu trí tuệ đã có quy định Nhà nước giao quyền sở hữu kết quả KH-CN có nguồn gốc NSNN cho các tổ chức, cá nhân, nhưng trên thực tế chúng ta đang thiếu các hướng dẫn cụ thể để thực hiện quy định này, dẫn tới việc các nhà khoa học, không thể chuyển giao kết quả nghiên cứu của mình một cách hợp pháp để ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, nên phải hợp thức hóa việc bán kết quả nghiên cứu thông qua các hợp đồng kinh tế với giá rẻ, gây thiệt hại cho cả Nhà nước và nhà khoa học. Điều này trên thực tế đã hạn chế việc đưa kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, dẫn tới hiện tượng “bỏ ngăn kéo” nhiều đề tài khoa học.

Cần cấp thiết đổi mới cơ chế tài chính

Quan điểm xây dựng kế hoạch nhiệm vụ KH-CN như đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản hoàn toàn không phù hợp với đặc thù của hoạt động KH-CN, nếu xét đến tính thời sự, rủi ro và khó định lượng của các nhiệm vụ KH-CN. Ví dụ khi Nhà nước đặt hàng cần nghiên cứu ngay một loại vắcxin phòng bệnh, các nhà khoa học không thể chờ tới 12-18 tháng mới có kinh phí để triển khai. Vì thế, cần nhanh chóng đổi mới công tác xây dựng kế hoạch.

Cần đổi mới cơ chế tài chính để thúc đẩy KHCN phát triển.
Cần đổi mới cơ chế tài chính để thúc đẩy KHCN phát triển.

Thay vì xây dựng kế hoạch theo năm tài chính hiện nay, các nhiệm vụ KH-CN cần được cấp kinh phí theo tiến độ đề xuất và phê duyệt nhiệm vụ. Để làm được việc này, cơ chế tài chính hiện hành phải được thay bằng cơ chế tài chính áp dụng đối với các quỹ phát triển KH-CN.

Trên thực tế, kể từ khi đi vào hoạt động năm 2008, mô hình của Quỹ phát triển KH-CN quốc gia được các nhà khoa học đánh giá rất cao vì có nhiều ưu điểm vượt trội so với cơ chế cấp phát tài chính hiện hành: cấp kinh phí kịp thời với việc phê duyệt nhiệm vụ; không phải quyết toán theo năm tài chính mà theo hợp đồng triển khai nhiệm vụ; cuối năm kinh phí chưa sử dụng hết tự động chuyển nguồn năm sau mà không phải làm thủ tục xin chuyển nguồn.

Có ý kiến lo ngại việc cấp kinh phí qua quỹ có thể khó kiểm soát được chi tiêu ngân sách, nhưng cần hiểu rằng quỹ phát triển KH-CN ở Trung ương và địa phương vẫn là quỹ của Nhà nước và có tài khoản ở Kho bạc nhà nước nên NSNN cấp qua quỹ hoàn toàn có thể kiểm soát được, đồng thời phải có quy định chặt chẽ về chế độ báo cáo với cơ quan quản lý tài chính. Đây cũng là cơ chế phù hợp với thông lệ quốc tế, ở các nước phát triển thì quỹ là cơ quan chính thực hiện cấp phát kinh phí cho các đề tài nghiên cứu KH-CN.

Để làm tốt việc này, cần thực hiện quy định của Quyết định 1244/QĐ-TTg ngày 25.7.2011 của Thủ tướng Chính phủ, giao quyền xác định tỷ lệ phân bổ NSNN hàng năm cho hoạt động nghiên cứu triển khai (R&D) và cấp kinh phí này vào hệ thống quỹ phát triển KH-CN hoặc cấp qua kho bạc nhưng theo cơ chế quỹ của nhà nước trong lĩnh vực KH-CN. Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức xây dựng và phê duyệt nhiệm vụ theo đặt hàng của Nhà nước và doanh nghiệp phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Đổi mới và bổ sung nội dung của dự toán kinh phí cũng là một trong những giải pháp quan trọng. Cần đưa chi phí tiền lương và hoạt động bộ máy vào dự toán của nhiệm vụ KH-CN để đảm bảo sự bình đẳng giữa tổ chức KH-CN trong và ngoài công lập. Điều này phù hợp với việc thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH-CN công lập và Nghị định 96/2010/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 115/2005/NĐ-CP.

Theo cơ chế này, Nhà nước sẽ không cấp kinh phí hoạt động thường xuyên cho các tổ chức KH-CN công lập theo số lượng biên chế như hiện nay mà chuyển sang cấp kinh phí theo nhiệm vụ, bao gồm cả nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của tổ chức KH-CN và nhiệm vụ KH-CN (đề tài, dự án KH-CN các cấp). Hiện thông tư liên tịch hướng dẫn chi tiết vấn đề này đang được Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Bộ Tài chính tích cực hoàn thiện để ban hành.

Trước mắt, cần rà soát, cập nhật lại toàn bộ định mức chi cho những công việc có thể định mức theo Thông tư 44/2007/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng và phân bổ dự toán kinh phí đối với các đề tài, dự án KH-CN có sử dụng NSNN như kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, đoàn ra,… Có phương án điều chỉnh định mức tài chính kịp thời theo chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) và mức tiền lương tối thiểu để đảm bảo phù hợp với thực tế.

Những nội dung chi không thể có định mức trong hoạt động nghiên cứu khoa học cần phải được giao quyền tự chủ, đảm bảo bù đắp được lao động sáng tạo của các nhà khoa học. Đồng thời, bổ sung một số nội dung chi vào dự toán kinh phí, như: đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, tuyên truyền kết quả nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sau nghiệm thu, thuê chuyên gia trong nước và nước ngoài, kinh phí dự phòng. Cùng với đó, phân cấp mạnh hơn nữa thẩm quyền điều chỉnh nội dung và kinh phí của đề tài cho Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Tài chính.

Cuối cùng, cần đổi mới thủ tục thanh toán, quyết toán, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà khoa học, hướng đến kết quả và sản phẩm cuối cùng của nhiệm vụ. Nên đổi mới theo hướng khi kết quả được nghiệm thu thì đề tài tự động được quyết toán, vì trên thực tế, các hóa đơn, chứng từ sẽ không có nhiều ý nghĩa khi kết quả của các đề tài, dự án đã đạt được như cam kết trong hợp đồng, nói khác đi cần thí điểm cơ chế khoán chi đến sản phẩm cuối cùng hoặc Nhà nước mua trọn gói kết quả nghiên cứu.

Về việc giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ có nguồn gốc NSNN, như đã được Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất trong dự thảo Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi), thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền sẽ là đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với những kết quả nghiên cứu được tạo ra từ NSNN.

Đại diện chủ sở hữu có quyền giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng kết quả nghiên cứu cho các tổ chức KH-CN, trong đó ưu tiên tổ chức chủ trì đề tài, dự án. Khi đã được giao quyền sở hữu, tổ chức KH-CN có thể chuyển nhượng, góp vốn vào doanh nghiệp, hay dùng quyền sở hữu tài sản trí tuệ đó như vốn pháp định để thành lập doanh nghiệp KH-CN. Tất nhiên, cần quy định rõ quy trình, thủ tục giao quyền sở hữu và phân chia lợi ích giữa Nhà nước, tổ chức chủ trì nhiệm vụ KH-CN, và các tác giả của kết quả KH-CN.

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa XI đã ban hành Nghị quyết mới về phát triển KH-CN, nhấn mạnh đến việc đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động KH-CN như là một trong những giải pháp đột phá để phát triển KH-CN nước ta trong thời kỳ mới. Để triển khai thành công kết quả của Hội nghị Trung ương 6 và đáp ứng sự mong mỏi của cộng đồng các nhà khoa học, việc thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng đối với cơ chế tài chính cho hoạt động KH-CN thông qua Luật khoa học và công nghệ (sửa đổi) lần này là hết sức cần thiết và sẽ mang lại nhiều thành tựu KH-CN mới, nâng cao hiệu quả của hoạt động KH-CN hiện nay.

TS Nguyễn Quân

(Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ KHCN)

 

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang