Trắng án sau 4 lần tuyên án tử hình

author 06:32 25/08/2014

Ngành tư pháp Trung Quốc rúng động khi một người đàn ông bốn lần bị tuyên án tử được xử trắng án.

Theo Tân Hoa xã, ông Niệm Bân, 38 tuổi, đã được Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc tuyên trắng án sau tám năm thấp thỏm với án tử treo lơ lửng trên đầu. Năm 2006, cảnh sát huyện Bình Đàm, tỉnh Phúc Kiến đã nhanh chóng phá vụ án đầu độc hai gia đình khiến hai trẻ em thiệt mạng và bốn người khác bị thương.

Ông Niệm Bân khi còn ở nhà lao Phúc Kiến - Ảnh: Weibo

Nghi phạm chính là Niệm Bân, người bán tạp hóa nhà đối diện. Cảnh sát cho biết chứng cứ hết sức rõ ràng. Họ phát hiện tàn dư thuốc diệt chuột trên tay nắm cửa của cửa hàng ông Niệm. Đồng thời bản thân nghi can Niệm Bân cũng đã nhận tội. Tòa án Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến tuyên Niệm Bân án tử hình vì phạm “tội ác không thể dung thứ được”.

Cú tát mạnh

Không ít án oan

Theo báo Tân Lãng, năm 2002 ông Triệu Tác Hải, sống ở thành phố Thương Khẩu, tỉnh Hà Nam bị kết án tử hình treo (hình phạt thường được giảm xuống thành án chung thân) do sát hại và chặt đầu hàng xóm. Năm 2010, tám năm sau ngày bị kết án, ông Triệu được minh oan khi người hàng xóm trên bất thình lình trở về quê.

Bên cạnh đó có những vụ xử tử oan mà đến hàng chục năm sau, sự thật mới được phơi bày. Nhiếp Thụ Bân (tỉnh Hà Bắc) bị cảnh sát bắt giữ vì tội cưỡng hiếp, giết người và bị đưa đi xử bắn năm 1995. Mười năm sau, một người khác thú nhận là hung thủ thật sự trong vụ án này. Các bị cáo trên đều bị bức cung

Cảnh sát địa phương lập được công lớn, người được thưởng rất hậu, người được thăng chức sau khi nhanh chóng bắt được hung thủ. Tuy nhiên, sau bốn lần bị tuyên án tử và kháng án kéo dài đến tám năm, ông Niệm được tuyên trắng án vì không đủ chứng cứ khép tội.

Đây được xem là một cú tát rất mạnh vào mặt ngành cảnh sát Phúc Kiến. Trung Quốc hành quyết hàng ngàn tù nhân mỗi năm và việc tử tù kháng cáo thành công là trường hợp vô cùng hiếm.

Báo mạng Tân Lãng dẫn lời bà Trương Yến Sinh, luật sư của Niệm Bân, cho biết các cảnh sát điều tra nhiều lần bức cung để ép Niệm phải nhận tội. Cảnh sát đã dùng búa tra tấn Niệm Bân, khiến ông đau đớn đến mức từng cắn lưỡi tự sát nhưng bất thành.

Trong một bức thư gửi cha mình sau khi được thả, Niệm Bân viết: “Trong suốt tám năm, một người đàn ông bình thường, không bệnh tật như con bất thình lình bị giam và luôn chực chờ đối diện tử thần”.

Tra tấn cũng vô ích, cảnh sát dọa sẽ bắt vợ Niệm Bân nếu ông không nhận tội. “Thấy Niệm Bân lúng túng không biết trả lời thế nào cho khớp với tội danh, cảnh sát đã mớm cung cho Niệm” - bà Trương tiết lộ. Đây là lý do vì sao băng ghi hình lời khai của Niệm Bân lại bị mất đi một giờ thẩm vấn. Bà Trương khẳng định đây là thời gian cảnh sát gây áp lực buộc Niệm phải nhận tội và hướng dẫn Niệm cách trả lời.

Trên các mạng xã hội Trung Quốc, nhiều người cho rằng tuy Niệm Bân được giải oan nhưng không ai có thể bù đắp được những mất mát về tinh thần mà ông và cả gia đình phải chịu đựng suốt tám năm qua. Trong suốt thời gian Niệm Bân bị cầm tù, gia đình ông liên tục bị người nhà các nạn nhân vụ đầu độc tấn công. Sự hấp tấp của lực lượng cảnh sát còn khiến vụ án trên trở thành một bí ẩn. Đến nay vẫn chưa có bất cứ manh mối nào về hung thủ thật sự trong vụ đầu độc ở huyện Bình Đàm.

Bảo vệ lợi ích của nhau

Luật sư Trương cáo buộc ông Niệm Bân bốn lần bị tuyên án tử hình là do sự “nể nang” của ngành tư pháp Phúc Châu đối với ngành công an.

Luật sư Trương khẳng định công an nắm vững toàn bộ chi tiết trong vụ án Niệm Bân khi làm hồ sơ vụ án đã xóa bỏ hết mọi chứng cứ có lợi cho Niệm Bân. Những chứng cứ mâu thuẫn với lời buộc tội cũng bị xóa bỏ. Trên thực tế, Niệm Bân từng bị xử lại nhiều lần vì lý do thiếu chứng cứ. Tháng 10-2010, Tòa án nhân dân tối cao Trung Quốc ra phán quyết phản đối án tử hình đối với Niệm Bân do thiếu chứng cứ và yêu cầu xử lại.

Tuy nhiên Tòa án trung cấp Phúc Châu tiếp tục tuyên án tử Niệm Bân hồi tháng 11-2011. “Hoặc là năng lực của viện kiểm sát và tòa án có hạn, hoặc quá tin vào công an, hoặc bảo vệ hình ảnh của công an. Họ nghĩ rằng đây chỉ là sai lầm nhỏ và chấp nhận hi sinh Niệm Bân để không làm ngành công an mất mặt” - bà Trương khẳng định.

Chuyên gia Anu Kultalahti, đại diện Tổ chức Ân xá quốc tế, nhận định trong vụ Niệm Bân, tòa án tối cao đã ngăn chặn được một vụ oan sai. Tuy nhiên Niệm Bân lẽ ra không phải chịu cảnh ngồi tù nhiều năm và bị xử đi xử lại nếu tòa án Phúc Châu thật sự nghiêm túc xem xét phán quyết của tòa án cấp cao hơn cũng như các bằng chứng cụ thể. Báo Independent dẫn lời một số học giả Trung Quốc và nước ngoài bày tỏ hi vọng vụ án Niệm Bân sẽ là giọt nước làm tràn ly giúp thúc đẩy cải tổ ngành tư pháp Trung Quốc.

ĐÔNG PHƯƠNG - Tuoitre

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang