Tranh cãi đặt tên cho đường phố: Phó Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội nói gì?

author 12:19 03/12/2014

(VietQ.vn) - Tại buổi giao ban báo chí ngày 2/12, ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã dành nhiều thời gian để nói về việc Hà Nội đặt tên cho 26 đường, phố.

Trước đó, UBND TP Hà Nội trình HĐND xem xét đặt tên và điều chỉnh độ dài 26 đường, phố như: Thọ Tháp, Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông (quận Cầu Giấy); Bằng Liệt, Hưng Phúc, Đông Thiên (quận Hoàng Mai); Thiên Hiền, Sa Đôi, Hòe Thị, Phú Đô, Nhổn, Tu Hoàng, Thị Cấm, Ngọc Trục, Đại Mỗ, Cầu Cốc, Miêu Nha, Cương Kiên, Đồng Me, Miếu Đầm (quận Nam Từ Liêm)…

Thế nhưng mới đây, Hà Nội lại có tờ trình xin rút tên phố Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông. Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi, phải chăng vì ý kiến của nhà sử học Dương Trung Quốc nên Hà Nội rút hai tên này?

Ông Long cho biết, trong số 26 tên đó thì có 3 tên là của danh nhân. Trong 3 danh nhân có hai nhân vật lịch sử là Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông, một danh nhân hiện đại là nhà văn Nguyễn Đình Thi. Tuy nhiên, gia đình nhà văn Nguyễn Đình Thi xin để lại vì muốn có con đường đẹp, xứng đáng hơn với nhà văn.

Về băn khoăn của phóng viên, các nhà khoa học đã đề xuất sau Hà Nội lại có tờ trình xin rút hai tên Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông, điều đó có phải là do quy trình thiếu chặt chẽ? ông Long khẳng định không có chuyện đó.

ông Phan Đăng Long, Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy

Ông Phan Đăng Long - Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Viết Cường

Ông Long dẫn giải, Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông là hai nhân vật của nhà Mạc. Theo chính sử phong kiến, trước đây thường gọi nhà Mạc là ngụy triều, coi nhà Mạc cướp ngôi nhà Lê.

“Rất nhiều người thuộc lớp người cũ như tôi, học sử thấy nhà Mạc rất tồi tệ. Nhưng từ 30 năm nay, với ánh sáng đổi mới và nhìn nhận lại lịch sử thì có thực tế là các triều sau khi có vấn đề với triều trước thì thường có phản ánh không trung thực. Thậm chí xuyên tạc”, ông Long nói.

Nhà Mạc tồn tại ở Thăng Long 65 năm (Giai đoạn 1527 – 1592), sau đó chuyển lên Cao Bằng hơn 90 năm nữa. Tuy thời gian không dài nhưng nhà Mạc cũng đóng góp rất nhiều cho đất nước. Ông Long dẫn lời của nhà sử học lê Qúy Đôn, dưới thời của Mạc, đất nước ta thái bình đến mức đêm không phải đóng cửa, trâu bò thả rông không có trộm cắp.

“Thực tế, trong thời kỳ tôi làm ở Sở Văn hóa thì dấu tích của nhà Mạc về văn hóa trên đất nước và thủ đô rất nhiều. Điều đó chứng tỏ thời nhà Mạc đã có sự phát triển mạnh. Vừa rồi, Bia đá tiến sỹ được công nhận là Di sản tư liệu thế giới, nhà Mạc cũng là nhà mở mang việc học, có rất nhiều tiến sỹ. Trong đó có nữ tiến sỹ đầu tiên là Nguyễn Thị Duệ”, ông Long dẫn giải.

Về sự thất bại của nhà Mạc, như cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cũng đã bình luận “sự thất bại của nhà Mạc là nỗi bất hạnh cho dân tộc Việt”. Theo ông Long, nhà Mạc nới cải cách và mở cửa, chú trọng về kinh thương, hướng biển để kinh doanh thì đất nước sẽ được mở mang.

Tuy nhiên, lại có nghi án nhà Mạc dâng đất cho nhà Minh để bảo vệ ngôi báu, lưu lại tiếng xấu muôn đời. Về thông tin này, ông Long cho biết: “Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng chứng minh, khi nhà Minh kiểm tra đất mà Mạc Đăng Dung dâng thì hoàn toàn là đất khống, là đất thuộc nhà Minh”.

Qua sự việc trên, vị Phó Ban Tuyên giáo liên hệ: “Theo truyền thống từ ngày xưa, trong việc ngoại giao chúng ta vẫn phải chịu ở mức độ nào đó, nhưng trong lòng người dân vẫn giữ quan điểm độc lập. Ngay như Giáo sư Vũ Khiêu cũng đã đánh giá, sự xuất hiện của Mạc Đăng Dung như một bông hoa xuyên tuyết trong đêm dày tăm tối, trong thời kỳ Lê sơ gọi là vua lợn, vua quỷ. Như vậy, việc triều định thối nát rồi bị thay thế bởi triều khác là việc rất bình thường. Tuy nhiên, dưới góc nhìn của lịch sử cũ thì sự thất bại của nhà Mạc đã đem lại nhiều tiếng xấu”.

Khi luận bàn công lao của nhà Mạc, Hội đồng tư vấn của Thành phố, là những nhà sử học hàng đầu đều nhận định sự đóng góp của nhà Mạc và Mạc Đăng Dung đối với đất nước là rất đáng kể. Cho nên việc lấy tên để đặt tên đường phố là nên làm.

Còn theo ông Long, việc đặt tên Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông đã được đưa ra từ năm 2011. Lúc đó do chưa có đường phố mới nên định giới thiệu một đường phố cũ ở Cầu Giấy. Tuy nhiên, vì đường đó lại giáp với đường Duy Tân nên không hợp lý. Theo ý kiến của các nhà sử học, nên chọn một đường khác gần với những con đường của nhà Nguyễn, của nhà vua.

Với những lí giải trên, ông Long khẳng định việc đề xuất tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông là hết sức thận trọng, chu đáo. Những hoài nghi về sự “xấu xa” của nhà Mạc cũng đã được giải quyết bằng những nhận thức lịch sử mới.

Về băn khoăn, rút tên hai danh nhân này có phải là thiếu tôn trọng các nhà khoa học đã đề xuất hay không, ông Long nói: “Quả thật tôi không dám trả lời câu hỏi này vì tôi không phải là người quyết định”.

VIẾT CƯỜNG

Thích và chia sẻ bài viết:

tin liên quan

video hot

Về đầu trang